Ngày 23-5, Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh cho phép tịch thu tài sản của cá nhân và thực thể liên quan Mỹ tại Nga để bồi thường cho bất kỳ tài sản nào của Nga bị phong tỏa ở Mỹ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh cho phép tịch thu tài sản của cá nhân và thực thể liên quan Mỹ tại Nga. Ảnh: Anadolu Ajansı |
Theo TASS, sắc lệnh công bố phác thảo cơ chế trong tương lai cho phép mọi thiệt hại do Mỹ gây ra sẽ được bù đắp bằng chính tài sản thuộc sở hữu của Mỹ hoặc các tổ chức liên quan. Nga sẽ xác định các loại tài sản tài chính của Mỹ có thể được dùng để bồi thường cho tổn thất từ việc tịch thu tài sản của Nga bị phong tỏa ở Mỹ. Những loại tài sản này gồm chứng khoán niêm yết, bất động sản, động sản (tài sản di dời được) và quyền sở hữu. Thẩm quyền xác định loại tài sản này sẽ thuộc về một ủy ban của Chính phủ Nga trong khi việc đưa ra quyết định bồi thường sẽ thuộc về thẩm quyền của tòa án.
Cụ thể, một thực thể của Nga có thể yêu cầu tòa án Nga xác định xem tài sản của họ có bị tịch thu một cách vô lý hay không và yêu cầu bồi thường. Sau đó, tòa án sẽ ra lệnh chuyển khoản bồi thường dưới dạng tài sản của Mỹ hoặc tài sản ở Nga từ danh sách do Ủy ban chính phủ Nga về bán tài sản nước ngoài lập ra có tính đến nguyên tắc cân xứng.
Chính phủ Nga có 4 tháng để chuẩn bị khung pháp lý của sắc lệnh và trình các đề xuất liên quan lên Quốc hội xem xét. Những người có thể bị ảnh hưởng bởi sắc lệnh này gồm công dân Mỹ hoặc người cư trú tại Mỹ và người thực hiện hầu hết hoạt động kinh doanh hoặc tạo ra phần lớn lợi nhuận của họ ở đó.
Động thái của Nga diễn ra giữa lúc khi các quan chức tài chính hàng đầu của Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đang nhóm họp tại Ý, trong đó cách xử lý tài sản Nga bị “đóng băng” ở phương Tây được đặt lên hàng đầu chương trình nghị sự.
Đáng chú ý, sắc lệnh cũng là lời đáp trả cứng rắn sau khi Hạ viện Mỹ thông qua Đạo luật REPO cho phép chính phủ tịch thu tài sản trị giá hàng tỷ USD của Nga nằm trong các ngân hàng Mỹ và chuyển chúng sang Ukraine để phục vụ tái thiết hậu xung đột.
Theo Reuters, trong làn sóng trừng phạt khắc nghiệt kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Mỹ và các đồng minh đã “đóng băng” khoảng 300 tỷ USD tài sản của Ngân hàng trung ương Nga. Số tài sản đó vẫn chưa được khai thác và hầu hết đang được nắm giữ ở các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU). Nga không thể tiếp cận các tài sản bị phong tỏa nhưng trên thực tế chúng vẫn thuộc về Nga về mặt pháp lý. Trong khi các chính phủ nói chung có thể phong tỏa tài sản mà không gặp khó khăn gì thì việc biến tài sản đó thành tài sản bị tịch thu có thể được bán vì lợi ích của Ukraine đòi hỏi phải có thêm một lớp thủ tục tư pháp, bao gồm cơ sở pháp lý và xét xử tại tòa án. Do đó, EU không còn cách nào khác ngoài việc chỉ dùng lợi nhuận hằng năm của các tài sản này (khoảng 2,5 - 3 tỷ euro) và 90% lợi nhuận thu được từ tài sản này sẽ được sử dụng để hỗ trợ quân sự cho Ukraine, phần còn lại sẽ được chuyển vào ngân sách EU và được sử dụng cho mục đích tái thiết Ukraine.
Các quan chức Bộ Tài chính Mỹ và các cộng sự đang đề xuất các cách để biến khoản tiền lợi nhuận nhỏ giọt hằng năm đó thành lượng tiền mặt trả trước lớn hơn nhiều. Điều đó có thể được thực hiện thông qua một trái phiếu sẽ được hoàn trả bằng thu nhập lãi trong tương lai, qua đó mang lại cho Ukraine tiền lớn ngay lập tức. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen hy vọng tài sản của Nga là nguồn hỗ trợ tiềm năng cho Ukraine cho đến năm 2025 hoặc hơn.
Sắc lệnh của Nga cũng không hẳn là điều bất ngờ bởi giới chức nước này từng cảnh báo sẽ đáp trả mạnh mẽ nếu tài sản của họ bị phương Tây tịch thu và sử dụng để tái thiết Ukraine. Giới chức Nga cũng đang tính toán xử lý tài sản khoảng gần 290 tỷ USD của nhiều nhà đầu tư nước ngoài tại Nga. Các tài sản này, gồm cả cá nhân và các quỹ đầu tư lớn của phương Tây, vẫn nằm trong các tài khoản “loại C” đặc biệt mà Nga khoanh giữ sau khi Nga chịu loạt lệnh trừng phạt của phương Tây.
Bên cạnh đó, Nga cũng chủ động chuyển tài sản của nhà đầu tư nước ngoài sang các tài khoản đặc biệt không thể chuyển ra bên ngoài nước Nga nếu không có sự chấp thuận của Điện Kremlin. Hiện, Chính phủ Nga cấm một số giao dịch liên quan đến sự tham gia của người nước ngoài đến từ các quốc gia không thân thiện vào các công ty Nga. Hạn chế này áp dụng đối với các giao dịch chứng khoán của các công ty Nga do người nước ngoài ở các quốc gia này sở hữu, gồm lĩnh vực nhiên liệu, năng lượng và các thỏa thuận chia sẻ sản xuất. Giao dịch chỉ có thể thực hiện được khi có được sự cho phép đặc biệt.
Rủi ro từ Đạo luật REPO của Mỹ Theo AP, những người chỉ trích Đạo luật REPO cho rằng việc vũ khí hóa tài chính toàn cầu chống lại Nga có thể gây tổn hại đến vị thế đồng tiền thống trị thế giới của đồng USD. Việc tịch thu tài sản của Nga cũng sẽ khiến các quốc gia như Trung Quốc - chủ sở hữu trái phiếu kho bạc Mỹ lớn nhất - cho rằng, việc dự trữ bằng USD là không an toàn. Quỹ Di sản đã chỉ trích việc tịch thu tài sản của Nga, cho rằng điều đó làm suy yếu hệ thống tài chính toàn cầu vốn được định giá bằng đồng USD. Nó sẽ khiến nền kinh tế vốn đã mong manh gặp phải những hậu quả và rủi ro không lường trước được mà Mỹ chưa chuẩn bị trước. |
THƯ LÊ