Gần nửa thế kỷ qua, đàn ông “độc quyền” trên đường đua Công thức 1 (Formula One, hay F1). Nhưng giờ đây đã có một nhóm các tay đua nữ độ tuổi 13, 14 đang bắt đầu những bước đầu tiên trong lộ trình dài chuẩn bị để chinh phục đường đua này.
Em Skye Parker, một trong 6 thành viên được tuyển chọn tham gia chương trình More Than Equal. Ảnh: More Than Equal |
Theo hãng tin Reuters, đây là một phần trong sáng kiến mang tên More Than Equal (tạm dịch: Hơn cả bình đẳng) của ông David Coulthard - một cựu tay đua của giải F1. Bên cạnh mục tiêu nhằm tìm kiếm các tài năng nữ trong môn thể thao tốc độ, sáng kiến độc lập này hướng tới mục tiêu lâu dài là tổ chức riêng một giải đua xe F1 dành cho nữ giới.
Tuyển lựa như Olympic
Gần đây, More Than Equal đã chào đón 6 tay đua nữ đầu tiên đến với sáng kiến của họ. Đó là các em: Skye Parker (người xứ Wales), em Ivonn Simeonova (Áo), Katrina Thung (Malaysia), Kristyna Kalistova (Cộng hòa Czech), Lana Flack (Áo) và Laura Bubenova (Slovakia). Trong tuần trước, các em đã tham gia một trại đánh giá và huấn luyện tại Áo. Sáu tay đua nữ đầy tiềm năng này được tuyển chọn từ khắp nơi trên thế giới theo một chiến lược tìm kiếm tài năng như của thế vận hội Olympic. Theo trang Ministry of sport, các em được chọn thông qua một quá trình tuyển lựa khắt khe dựa trên dữ liệu đánh giá với nhiều tiêu chí khác nhau.
Sau khi trúng tuyển, các em được học hỏi trực tiếp với một nhóm các huấn luyện viên dày dặn kinh nghiệm. Các em cũng sẽ làm việc với các thành viên của nhóm chuyên gia Hinsta vốn chuyên hỗ trợ các tay đua F1, trong đó có nhà vật lý trị liệu Angela Cullen, người từng làm việc trong giai đoạn 2016-2023 với Davidson Hamilton, một trong những tay đua vĩ đại nhất của giải đua Công thức 1. Ngoài ra, để nâng cao năng lực và kỹ năng, các em cũng sẽ được huấn luyện về kỹ năng chiến thuật và được tư vấn phát triển bản thân để mài giũa những năng lực và kỹ năng đó.
Mục tiêu là Công thức 1
“Đây mới chỉ là điểm khởi đầu của hành trình với nhóm và với chương trình của chúng tôi”, Giám đốc điều hành Ali Donnelly của Moren Than Equal nói với báo giới về dự án của họ hồi đầu tháng này. “Chúng tôi muốn chứng tỏ rằng, với sự hỗ trợ phù hợp từ sớm trong sự nghiệp, chúng ta có thể thúc đẩy sự phát triển các tay đua nữ tài năng để họ có thể nhận được cơ hội bình đẳng trong việc đạt tới đỉnh cao thể thao”, bà Ali Donnelly nói.
Năm 1976, người phụ nữ cuối cùng từng tham gia giải đua Công thức 1 là bà Lella Lombardi người Ý. Một tay đua đồng hương khác của bà Lella là bà Giovanna Amati đã không đủ tiêu chuẩn tham gia cuộc đua vào năm 1992.
Năm 2023, lần đầu tiên đường đua F1 đã tổ chức thêm giải F1 Academy dành cho nữ. Đây cũng là lần đầu tiên các tay đua nữ sử dụng xe đua F1 giống như các đồng nghiệp nam chứ không dùng loại xe cỡ nhỏ như trước. Dù vậy F1 Academy vẫn chỉ mới là giải đua “thêm”, kèm theo giải đua chính F1 và được tạo ra nhằm tạo cơ hội cho các tay đua có thêm kỹ năng và kinh nghiệm thi đấu để chuẩn bị cho F1.
“Mục tiêu số 1 là giải đua Công thức 1. Và tôi nghĩ thật tuyệt vời khi chúng tôi đã thực hiện chương trình này, để giúp các cô gái tiến xa tới mức họ có thể cạnh tranh ở cùng cấp độ với các chàng trai. Tôi nghĩ chúng ta cần có thêm các cô gái trong giải đua Công thức 1 và trong đua xe thể thao vì tất cả chúng ta đều bình đẳng. Và, ý tôi là chúng tôi nên có những cơ hội tương tự”, tay đua 13 tuổi người Áo Ivonn Simeonova chia sẻ khi bước vào xe.
Trò chuyện với phóng viên của Reuters, em Laura Bubenova, tay đua người Slovakia, chia sẻ về ước mơ muốn trở thành một hình mẫu của các bạn gái khi đeo đuổi đam mê đặc biệt này.
Chị Sarah Moore, huấn luyện viên lái xe người Anh, cũng là người từng tham gia giải đua dành cho nữ W Series trước đây (nay đã không còn tổ chức) cho biết, khi bước vào bộ môn thể thao tốc độ này, những tay đua nữ như chị cũng đối mặt với các thách thức chẳng khác gì nam giới. “Rất nhiều người nghĩ rằng, vì một lý do nào đó mà phụ nữ không có đủ năng lực thể chất để tham gia giải đua Công thức 1”, chị nói.
TRẦN ĐẮC LUÂN