Pháp - Đức chung tay củng cố chủ quyền châu Âu

.

Chuyến thăm Đức của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron được xem là phép thử cho quan hệ “cặp đôi lãnh đạo then chốt” của Liên minh châu Âu (EU) trong nỗ lực tìm tiếng nói chung cho vận mệnh của châu Âu trong 5 năm tới giữa lúc đối mặt với loạt thách thức lớn.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (bên phải) và Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier tại một sự kiện ở miền đông nước Đức ngày 27-5. Ảnh: AFP
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (bên phải) và Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier tại một sự kiện ở miền đông nước Đức ngày 27-5. Ảnh: AFP

Chuyến thăm diễn ra từ ngày 26 đến 28-5 gây chú ý bởi dù ông Macron thường xuyên là khách mời quen thuộc của Thủ tướng Đức Olaf Scholz song chuyến công du lần này được cho là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của một nguyên thủ Pháp kể từ năm 2000.

Hoạch định chính sách tương lai

Ngày 27-5, Financial Times đăng bài xã luận với nhan đề “Chúng ta phải củng cố chủ quyền châu Âu” do Thủ tướng Scholz và Tổng thống Macron cùng chắp bút. Đây thực sự động thái hiếm có cho thấy sự đồng thuận hướng đến mặt trận châu Âu đoàn kết hơn trong bối cảnh EU đang phải đối mặt với hàng loạt “kẻ thù bên ngoài và bên trong” gây ra mối đe dọa hiện hữu cho toàn khối như nhận định của ông Macron.

Bài viết nhận định, châu Âu đang trải qua giai đoạn bước ngoặt mang tính thời đại với xung đột ở Ukraine và biến chuyển cục diện địa chính trị. Do đó, nếu không cải cách thì châu Âu sẽ lao dốc. Theo hai nhà lãnh đạo này, mấu chốt của việc giải quyết thách thức này là tăng cường khả năng cạnh tranh toàn cầu và sức bền bỉ của nền kinh tế châu Âu thông qua tiến hành thành công Thỏa thuận xanh châu Âu vốn được thông qua năm 2020 và cách mạng chuyển đổi số.

Châu Âu phải phát triển mạnh mẽ với tư cách là nhà tiên phong công nghiệp và công nghệ đẳng cấp thế giới. Với chính sách công nghiệp đầy tham vọng, châu Âu có thể tạo điều kiện cho sự phát triển và triển khai các công nghệ then chốt của ngày mai, chẳng hạn như trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ lượng tử, không gian, 5G/6G, công nghệ sinh học, công nghệ net zero (phát thải ròng bằng 0) và hóa chất. Một trong những thế mạnh cạnh tranh lớn nhất của lục địa này là thị trường chung, cho phép các doanh nghiệp phát triển các sản phẩm và dịch vụ đổi mới, phát triển và cạnh tranh, đồng thời bảo đảm các tiêu chuẩn cao. Điều này giúp khắc phục tình trạng quá nhiều công ty đang tìm đường chuyển sang bên kia Đại Tây Dương hay quá nhiều khoản tiết kiệm của châu Âu đang “chảy” ra nước ngoài thay vì được đầu tư vào các công ty khởi nghiệp tại đây. Những đề xuất trong bài viết này có thể đóng vai trò then chốt cho định hướng của EU trước thềm cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) bắt đầu từ ngày 6-6.

Lấp đầy những khoảng trống

France 24 dẫn lời chuyên gia Yann Wernert tại Viện Jacques Delors ở Berlin nhận định, chuyến thăm là nỗ lực ở cấp độ chính trị cao nhất chứng minh rằng mối quan hệ đôi bên đang tiến triển. Tuy nhiên, vẫn còn những khoảng trống cơ bản về những vấn đề lớn đang rình rập EU. Một trong những khoảng trống là khả năng phòng thủ của châu Âu, đặc biệt nếu cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trở lại Nhà Trắng bởi các chuyên gia quốc phòng coi ông là đồng minh kém tin cậy so với Tổng thống Joe Biden.

Trong thời gian qua, mối quan hệ giữa Đức-Pháp luôn “đồng sàng, dị mộng” trên nhiều vấn đề cả song phương lẫn toàn khối EU. Trong đó, ông Macron và ông Scholz có phong cách lãnh đạo rất khác nhau và không ít lần công khai xung đột về các vấn đề. Đáng chú ý, Pháp, quốc gia có vũ khí hạt nhân, thúc đẩy tầm nhìn châu Âu tự chủ hơn về các vấn đề quốc phòng, không đồng tình trước quyết định của Đức mua phần lớn thiết bị của Mỹ nhằm tạo ra lá chắn phòng không theo Sáng kiến Sky Shield của châu Âu. Trong khi đó, Đức cho biết, không có giải pháp thay thế nào đáng tin cậy hơn việc sử dụng vũ khí Mỹ và châu Âu không có thời gian chờ đợi ngành công nghiệp quốc phòng trong nước chuẩn bị sẵn sàng cho các mối đe dọa tiềm tàng trong tương lai.

Trong bối cảnh loạt thách thức bủa vây EU, hai nhà lãnh đạo chủ chốt Pháp - Đức buộc phải có những thỏa hiệp nhất định nhằm duy trì  một mặt trận đoàn kết hơn trong nội bộ EU. Cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) năm 2024 tại 27 quốc gia thành viên của EU diễn ra từ ngày 6 đến 9-6. Đây được xem là thách thức nhưng đồng thời cũng là cơ hội của EU để thúc đẩy các kế hoạch đầy tham vọng hơn nhằm xoay chuyển tình hình và khẳng định sự tự chủ mạnh mẽ hơn.

Sáng kiến phòng không chung cho EU
Theo Bloomberg, các nhà lãnh đạo Đức và Pháp sẽ bàn kế hoạch thêm hệ thống phòng không châu Âu mới, bổ sung cho Sáng kiến Sky Shield châu Âu do Đức lãnh đạo (ESSI). Ý tưởng tạo ra lá chắn phòng không Pan-EU quy mô toàn châu Âu ban đầu được Thủ tướng Scholz đề xuất năm 2022.  ESSI kết hợp các tên lửa Patriot Mỹ và Arrow 3 của Israel, cũng như Iris-T do Đức sản xuất và có sự ủng hộ của 21 quốc gia. Tuy nhiên, Pháp kêu gọi EU có chương trình sử dụng các công nghệ và thiết bị do chính châu Âu sản xuất, trong bối cảnh khu vực không còn có thể dựa vào chiếc ô an ninh của Mỹ và cần chiến lược quốc phòng đáng tin cậy của riêng mình.

LÊ MINH HÙNG - TẤN PHÁT

;
;
.
.
.
.
.