Tính toán mạo hiểm của Thủ tướng Anh

.

Thủ tướng Anh Rishi Sunak kêu gọi tổ chức bầu cử quốc gia vào ngày 4-7, một chiến lược mạo hiểm khiến cả xứ sở sương mù bất ngờ bởi đảng Bảo thủ cầm quyền của ông đứng trước nguy cơ thất bại trước Công đảng đối lập sau 14 năm nắm quyền.

Theo The Guardian, ngày 22-5, ông Sunak kêu gọi tổ chức bầu cử sớm hơn vài tháng so với dự kiến, khởi động chiến dịch vận động kéo dài 6 tuần trong bối cảnh đảng cầm quyền thua xa Công đảng trong các cuộc thăm dò dư luận gần đây và vừa có chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử địa phương. Đó là lý do hầu hết các chuyên gia đều đặt cược vào chiến thắng tương đối dễ dàng cho đảng đối lập. Vậy tại sao ông Sunak lại có quyết định khó hiểu như vậy vào thời điểm này?

Vương quốc Anh đã bắt đầu thoát ra khỏi khủng hoảng chi phí sinh hoạt vốn chứng kiến ​​giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng vọt kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng nổ. Thông qua lời kêu gọi này, thông điệp của ông Sunak gửi tới cử tri lúc này là nền kinh tế đang đi đúng hướng dưới sự dẫn dắt và chỉ có đảng của ông mới có thể mang lại sự ổn định bền vững. “Bây giờ là thời điểm để người dân tự quyết định tương lai của mình. Tôi sẽ phấn đấu giành được sự tin tưởng và chứng minh rằng chỉ có đảng Bảo thủ do tôi lãnh đạo có thể duy trì sự ổn định kinh tế mà phải khó khăn mới đạt được”, ông Sunak tuyên bố. Nhiều nhà quan sát trước đó dự đoán cuộc tổng tuyển cử sẽ được tổ chức vào mùa thu, có lẽ tháng 10 hoặc 11-2024, trong khi hạn chót là ngày 23-1-2025, nhưng ông Sunak dường như tin rằng, từ giờ đến lúc đó, đảng cầm quyền khó có thể cải thiện mức độ ủng hộ, nhất là sau làn sóng từ chức đáng lo trong nội bộ đảng này, do đó nên tổ chức bầu cử càng sớm càng tốt và việc trì hoãn sẽ chỉ giúp đảng đối lập có thêm thời gian để tăng sức mạnh.

Ở khía cạnh khác, sự kỳ vọng của ông Sunak không hẳn là không có cơ sở khi ông đang nỗ lực ghi điểm trong mắt cử tri với tín hiệu phục hồi kinh tế đáng mừng sau chuỗi ngày khó khăn. Điều thú vị ở chỗ, ông Sunak là vị thủ tướng luôn chú trọng vào sức nặng của dữ liệu thực tế, thay vì dựa trên phán đoán bởi ông từng làm Bộ trưởng Tài chính trước khi lên nắm quyền. Theo AP, ngay trước thời điểm ấn định bầu cử, Văn phòng Thống kê quốc gia Anh thông báo, nước này đã đạt được hai cột mốc quan trọng: giảm lạm phát và tăng trưởng kinh tế nhanh hơn các nước khác trong Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7). Lạm phát giảm gần tới mục tiêu cực kỳ quan trọng là 2%, giá lương thực và năng lượng ổn định, tiền lương khá cao, tỷ lệ thất nghiệp tương đối thấp. Hơn nữa, ông Sunak cũng nỗ lực đưa ra những chính sách nổi bật như là một phần trong di sản trong nhiệm kỳ này, trong đó nổi bật nhất là kế hoạch Rwanda chuyển người di cư bất hợp pháp đến châu Phi mà Quốc hội phải chật vật suốt thời gian dài để thông qua.

Lịch sử chính trường Anh chứng minh yếu tố bất ngờ và may mắn là điều không thể loại trừ trong bất cứ cuộc bỏ phiếu nào. Chẳng hạn năm 2017, khi Thủ tướng Theresa May của đảng Bảo thủ bất ngờ kêu gọi tổ chức bầu cử khi đang dẫn đầu trong hầu hết các cuộc thăm dò, nhưng lại mất đa số ghế trong Quốc hội, một thất bại khiến dư luận không khỏi bất ngờ.

Thời gian gần đây, ông Sunak cố gắng xoay chuyển vận mệnh của đảng cầm quyền bằng cách khẳng định mình là một nhà cải cách táo bạo, nhà kỹ trị hiệu quả và người bám sát kế hoạch để cải thiện cuộc sống, khi hàng triệu người Anh vẫn đang vật lộn với khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Chính phủ của ông Sunak cáo buộc Công đảng đối lập sẽ sẵn sàng tăng thuế nếu lên nắm quyền. Trong khi đó, đảng đối lập chỉ trích chính phủ quản lý kinh tế yếu kém trong 14 năm qua, không mang lại sự ổn định để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trước mắt họ phê phán kế hoạch Rwanda gây tốn kém và không thực tế.

Theo Reuters, sau ngày 30-5, Quốc hội hiện tại sẽ không còn tồn tại và các nghị sĩ sẽ trở thành ứng cử viên trong cuộc bầu cử sắp tới và sẽ phải thuyết phục cử tri bỏ phiếu cho mình. Các bộ trưởng sẽ tiếp tục giữ chức vụ của mình cho đến khi chính quyền mới được thành lập. Nếu đảng đối lập giành chiến thắng trong cuộc bầu cử với đa số tuyệt đối, ông Keir Starmer, lãnh đạo đảng đối lập, sẽ có cơ hội thay thế ông Sunak. Trong khi đó, giống như cựu Thủ tướng David Cameron, người hứa vẫn ở lại Quốc hội với tư cách nghị sĩ sau cuộc trưng cầu dân ý về Brexit nhưng nhanh chóng từ chức sau khi thất bại, ông Sunak sẽ rời Quốc hội nếu thất cử vào ngày 4-7.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.