Tuần này, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ gặp gỡ và đối thoại với các nhà lãnh đạo Arab. Những vị khách đặc biệt này đã tới Trung Quốc tham dự hội nghị thượng đỉnh tại Bắc Kinh.
Các du khách trên chuyến bay của Hainan Airlines (Trung Quốc) chụp hình chung kỷ niệm trước khi khởi hành tới Abu Dhabi (UAE) tháng 1-2024. Ảnh: Global Times |
Từ ngày 28-5 đến 1-6, nguyên thủ các nước Bahrain, Ai Cập, Tunisia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) thăm cấp nhà nước Trung Quốc và dự lễ khai mạc Hội nghị cấp bộ trưởng Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - các nước Arab lần thứ 10. Diễn đàn được kỳ vọng sẽ tạo thêm cơ hội mới để thắt chặt hơn nữa mối quan hệ kinh tế, thương mại giữa Trung Quốc với các nước Arab. Giới chuyên gia nhận định có tiềm năng lớn trong việc tăng cường sâu sắc hơn giữa các bên trong lĩnh vực năng lượng truyền thống, các ngành công nghiệp mới nổi cũng như công nghệ và tài chính.
Xây nền từ kinh tế
Ngày 30-5, ông Tập Cận Bình sẽ phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị cấp bộ trưởng Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - các nước Arab lần thứ 10, nơi có sự hiện diện của nguyên thủ các nước từ Ai Cập, UAE, Bahrain và Tunisia cùng nhiều đại biểu khác. Chương trình nghị sự có thể tập trung vào hoạt động thương mại và đầu tư, mối quan ngại về an ninh khu vực trong bối cảnh xung đột Israel - Hamas đang rất căng thẳng.
Theo Global Times, trong buổi họp báo đầu tuần này về sự kiện, quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Trung Quốc dẫn số liệu cho thấy, trong hai thập niên qua, kim ngạch thương mại của Trung Quốc với Trung Đông tăng gấp 10 lần. Mặt hàng nhập khẩu quan trọng nhất của Trung Quốc là dầu mỏ khi nhập hơn 1/3 tổng lượng dầu thô từ các nước thành viên của tổ chức Hội đồng hợp tác vùng Vịnh, trong số đó, nhiều nhất là từ Saudi Arabia.
Tuy nhiên, nếu xét về thương mại tổng thể, dù với nền kinh tế chỉ bằng một nửa so với Saudi Arabia, nhưng UAE trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Theo Bloomberg Intelligence, UAE đóng vai trò quan trọng trong Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc. Quốc gia Trung Đông này có hơn 6.600 nhãn hiệu của Trung Quốc đăng ký hoạt động. Tính tới cuối năm 2022, UAE nhận khoảng 12 tỷ USD đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc, cao gấp 4 lần so với Saudi Arabia. Tuy nhiên, có vẻ như tình hình sẽ sớm thay đổi khi năm ngoái Saudi Arabia thu hút thêm 16,8 tỷ USD đầu tư từ Trung Quốc, trong đó có những dự án thuộc ngành công nghiệp ô-tô và bán dẫn.
Chuyến thăm của ông Tập Cận Bình tới Saudi Arabia vào cuối năm 2022 được cả hai nước ca ngợi như cột mốc lớn. Sau chuyến đi đó, năm ngoái, Trung Quốc thành công trong vai trò là trung gian xúc tiến cho thỏa thuận chính thức đầy bất ngờ giữa Saudi Arabia và Iran, những quốc gia vốn là đối thủ lớn nhất của nhau trong thế giới Hồi giáo. Đáng chú ý, mối quan hệ được hàn gắn lại giữa Iran và Saudi Arabia vẫn tiếp tục duy trì ngay cả trong bối cảnh nhiều căng thẳng phát sinh từ cuộc xung đột tại dải Gaza.
Cạnh tranh vùng ảnh hưởng
Dù mức độ ảnh hưởng về kinh tế cũng như ngoại giao của Trung Quốc tại Trung Đông đang tăng lên song Mỹ vẫn là đối tác an ninh chính của các nước Arab vùng Vịnh. Hiện, Mỹ có một số căn cứ quân sự lớn đóng tại các nước như Bahrain, Qatar và đang cung cấp công nghệ quốc phòng cho những nước này. Mỹ cũng đang theo đuổi thỏa thuận quốc phòng mới với Saudi Arabia. Dù vậy, theo Glocal Times, Giáo sư Hongda Fan tại Trường Đại học Ngoại ngữ Thượng Hải cho rằng, Saudi Arabia sẽ “không đặt tất cả trứng trong cùng một giỏ”. Quan hệ hợp tác quốc phòng của Saudi Arabia với Mỹ sẽ không gây tổn hại cho mối quan hệ của họ với Trung Quốc.
Trong khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden ủng hộ Israel trong xung đột, Trung Quốc lại có quan điểm đồng thuận với các nước Arab, ủng hộ lệnh ngừng bắn ngay lập tức và công nhận nhà nước Palestine. Sự đồng thuận đó đang giúp Trung Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng chính trị tại những nước mà cho tới gần đây vẫn chủ yếu xem họ là đối tác kinh tế. Do đó, Trung Quốc sẽ có thêm đồng minh mới trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng trên toàn cầu với Mỹ.
“Trung Quốc đang phát triển quyền lực mềm trong khu vực”, bà Shirley Yu, Giám đốc chương trình Sáng kiến Trung Quốc - châu Phi tại Trường Kinh tế London bình luận với Bloomberg. Bên cạnh các mối quan hệ thương mại vốn phù hợp với nhu cầu của cả hai bên, bà Yu cho rằng, mối quan hệ này còn mở rộng sang sự hỗ trợ lẫn nhau về chính trị trong các tổ chức toàn cầu hiện có do Mỹ dẫn dắt, cũng như các tổ chức mới như Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) mà Trung Quốc là đồng sáng lập. Ai Cập và UAE đã tham gia BRICS trong năm nay và Saudi Arabia đang cân nhắc động thái tương tự.
Góp thêm 400 tỷ USD vào thương mại toàn cầu? Có dấu hiệu cho thấy sau thỏa thuận Iran - Saudi Arabia, hoạt động đầu tư giữa Trung Quốc và Trung Đông cũng gia tăng. Trong khi hãng dầu khí quốc gia Saudi Aramco đang đàm phán để mua lại cổ phần trị giá 1,5 triệu USD tại một công ty hóa dầu của Trung Quốc, hãng xe điện lớn thứ hai thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc FAW Group cũng đang tham gia hợp tác sản xuất tại Ai Cập. Ngân hàng UBS ước tính, khi mối quan hệ giữa Trung Quốc và Trung Đông phát triển, điều này sẽ giúp tăng thêm 400 tỷ USD vào giá trị thương mại toàn cầu liên quan tới năng lượng vào năm 2030. |
TRẦN ĐẮC LUÂN