Việc tự chủ đại học còn nhiều khó khăn, trình độ đội ngũ giáo viên hạn chế, các trường sư phạm khó tuyển sinh… là những vấn đề được đề cập tại Hội nghị tổng kết năm học 2016-2017 và phương hướng, nhiệm vụ năm học 2017-2018 các cơ sở giáo dục đại học, các trường sư phạm, do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 11-3 ở Đà Nẵng.
Nâng cao chất lượng giáo dục đại học là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Trong ảnh: Một giờ dạy tại Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng). |
Chưa tự chủ đúng nghĩa
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học thuộc Bộ GD&ĐT cho biết, tính đến tháng 4-2017, toàn hệ thống giáo dục đại học có 169 cơ sở, trong đó giáo dục đại học công lập chỉ có 58 trường thành lập hội đồng trường (chiếm 34,3% tổng số cơ sở giáo dục đại học công lập).
“Ngay cả những cơ sở đào tạo đã thành lập hội đồng trường thì vẫn còn một số chưa phát huy đầy đủ vai trò của một tổ chức quản trị, đại diện cho quyền sở hữu Nhà nước để quyết định những vấn đề lớn như chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển, phương hướng hoạt động… của nhà trường”, bà Phụng nói.
Cũng theo bà Phụng, năng lực quản lý và quản trị của một bộ phận cán bộ quản lý còn yếu, chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục trong bối cảnh chuyển đổi sang mô hình quản lý chất lượng dựa trên chuẩn, tiêu chuẩn và tự chủ đại học.
PGS.TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ cho rằng, cơ sở pháp lý về tự chủ đại học chưa vững chắc và thiếu đồng bộ nên việc triển khai còn nhiều vướng mắc, thiếu thống nhất. Ngoài ra, cũng có một số nội dung cam kết của Chính phủ chậm thực hiện (cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học, hỗ trợ lãi suất vay), gây khó khăn cho nhiều cơ sở giáo dục đại học. Tự chủ chưa gắn liền với đổi mới quản trị đại học và trách nhiệm giải trình xã hội.
Hiện nay, theo thống kê của Bộ GD&ĐT, trong tổng số 23 trường đại học thí điểm tự chủ theo Nghị quyết 77, còn 6 trường chưa thành lập hội đồng trường. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng cho rằng, tự chủ đại học mới được thực hiện thí điểm trên cơ sở hệ thống pháp lý chưa hoàn thiện và thiếu đồng bộ nên việc triển khai còn nhiều vướng mắc. “Hội đồng trường là cơ chế bắt buộc phải có để thực hiện tự chủ nhưng đến nay nhiều trường vẫn chưa thành lập hội đồng trường, kể cả những trường đang thực hiện thí điểm tự chủ”, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nói.
Điểm chuẩn các trường sư phạm thấp
Hiện nay, dư luận quan tâm vấn đề điểm chuẩn vào các trường đại học sư phạm khá thấp, trong khi có những trường thí sinh có điểm cao vẫn trượt, cụ thể về hiện tượng 30 điểm vẫn trượt đại học, 9 điểm/3 môn đỗ cao đẳng Sư phạm, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói:
“Cũng vì tính ưu việt của công nghệ thông tin, Bộ cho thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng, có thể thay đổi nguyện vọng sau khi biết điểm. Vì sự minh bạch do công nghệ thông tin hỗ trợ rất tốt nên nhiều thí sinh cùng đăng ký vào một số trường tốt, ngành thu hút nhiều thí sinh như Y, Dược, Công an, Quân đội..., trong khi chỉ tiêu các trường này không tăng, thậm chí giảm tới 50%, nên điểm chuẩn các trường/ngành này cao là điều dễ hiểu. Về hiện tượng này, ngành giáo dục sẽ khắc phục bằng việc rút kinh nghiệm ra đề thi phân hóa rõ nét hơn”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.
Theo nhiều đại biểu, việc thí sinh ít mặn mà với các trường đào tạo sư phạm cũng là một thực tế. Bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là các chính sách về chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý chưa đồng bộ, hiệu lực chưa cao. Năm học này, số lượng giảng viên tăng so với năm học 2015-2016. Tuy nhiên, tỷ lệ giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư và trình độ tiến sĩ trong toàn hệ thống vẫn ở mức thấp, đặc biệt là tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ ở các trường cao đẳng sư phạm còn thấp (chiếm khoảng 3,4%).
GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm là cần thiết, vì muốn tập trung đầu tư thì không thể dàn trải và phải có sự đầu tư cho một số trường chủ chốt.
Trong khi đó, theo GS.TS Trần Văn Nam, Giám đốc Đại học Đà Nẵng, do việc tuyển dụng khó khăn, thí sinh không tha thiết vào ngành sư phạm nên chưa thu hút được nhiều học sinh giỏi thi vào ngành này. Đồng thời, cần phải yêu cầu vào các trường sư phạm đạt điểm chuẩn trên 20 điểm, chứ nói chung chung là “trên điểm sàn” thì thí sinh chỉ cần điểm thấp là đậu để nâng cao chất lượng đầu vào.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, sắp tới sẽ quy hoạch theo hướng tập trung vào các trường đại học sư phạm lớn, dần dần có chính sách để đầu ra - đầu vào hợp lý với sự phối hợp với các bộ, ngành liên quan.
Thiếu giảng viên cơ hữu Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học thuộc Bộ GD&ĐT cho biết, số lượng giảng viên cơ hữu của các trường ngoài công lập vẫn còn thiếu (15.158 người, chiếm khoảng 20% tổng số giảng viên trong toàn quốc) và có độ tuổi cao nên chưa tạo niềm tin về chất lượng đào tạo của một số trường ngoài công cập trong hệ thống. |
Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ