Những ngày này, các trường học trên địa bàn thành phố gấp rút hoàn thành các hạng mục được đầu tư sửa chữa, nâng cấp để đón học sinh vào năm học mới.
Trường THPT Tôn Thất Tùng (quận Sơn Trà) gấp rút hoàn thành các hạng mục để chuẩn bị năm học mới 2017-2018. |
Tại Trường THPT Tôn Thất Tùng (quận Sơn Trà), các hạng mục của công trình đang trong giai đoạn hoàn thành. Bà Trần Thị Kim Vân, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, năm nay trường được đầu tư xây dựng mới 4 phòng học bộ môn gồm Hóa, Lý, Sinh và Anh văn với tổng kinh phí gần 5 tỷ đồng. “Trường được nâng cấp từ trường THCS từ năm 2004 nên nhiều hạng mục xuống cấp và không còn phù hợp. Lâu nay, các phòng học bộ môn nhỏ nên không đáp ứng yêu cầu dạy học, đặc biệt không bảo đảm quy định để xây dựng trường chuẩn quốc gia”, bà Vân nói.
Ngoài ra, trường còn được nâng cấp nhiều hạng mục như: lót gạch nền một số phòng học và khu hiệu bộ, sửa chữa nhà đa năng, sơn sửa phòng học, cải tạo hệ thống thoát nước để giải quyết tình trạng cứ đến mùa mưa là thầy và trò phải lội nước; bàn ghế, đồ đạc cũng hư hỏng do thấm nước. Hiện nay, 210 bộ bàn ghế gỗ mới cũng đã được chuyển về trường. “Tất cả sẽ hoàn thành trước ngày khai giảng. Dự kiến năm học này trường có khoảng 480 em với 12 lớp ở các khối”, bà Vân chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Thảo, Trưởng phòng GD-ĐT quận Sơn Trà cho biết, trong năm học 2017-2018, từ nhiều nguồn kinh phí, nhiều trường trên địa bàn quận được đầu tư cơ sở vật chất như Trường THCS Hoàng Sa, Trường THCS Phạm Ngọc Thạch, Trường tiểu học Tô Vĩnh Diện, Trường tiểu học Lương Thế Vinh, Trường tiểu học Nguyễn Phan Vinh, Trường mầm non Hoàng Anh.
Việc đầu tư trang thiết bị phục vụ học tập cũng được chú trọng với 5 phòng ngoại ngữ cho 5 trường: Trường THCS Cao Thắng, Trường THCS Hoàng Sa, Trường tiểu học Nguyễn Tri Phương, Trường tiểu học Tô Vĩnh Diện và Trường tiểu học Hai Bà Trưng (mỗi đơn vị 280 triệu đồng, nguồn vốn từ Sở GD-ĐT). “Chúng tôi đã tham mưu cho UBND quận đầu tư trang thiết bị như máy vi tính, máy chiếu, máy photocopy, bàn ghế cho học sinh mầm non, tiểu học, THCS với tổng vốn đầu tư 2,5 tỷ đồng; sơn sửa tường rào cổng ngõ một số trường tiểu học, THCS, sửa chữa 1.900 bộ bàn ghế cho các trường tiểu học với tổng kinh phí 2,5 tỷ đồng. Ngoài ra, Trường tiểu học Ngô Gia Tự được đầu tư mới 1 bể bơi di động với kinh phí hơn 137 triệu đồng”, bà Thảo nói
Còn ở quận Liên Chiểu, trong năm học 2017-2018, dự kiến từ mầm non đến THCS có hơn 31.000 học sinh với hơn 1.100 lớp, nhóm lớp, tăng khoảng 34 lớp, nhóm lớp so với cuối năm học 2016-2017. Bà Lữ Thị Kim Hoa, Trưởng phòng GD-ĐT quận Liên Chiểu cho biết, số học sinh nhập học ở địa phương tăng nhanh qua từng năm. “Dự kiến mỗi năm tăng trung bình khoảng 400 học sinh ở mỗi bậc học nên cơ sở vật chất, trường lớp cũng cần được đầu tư để đáp ứng yêu cầu”, bà Hoa nói.
Hiện địa phương đang đầu tư xây dựng Trường tiểu học Võ Thị Sáu với tổng kinh phí hơn 6,6 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng đầu năm học này. Địa phương cũng nhận bàn giao và sửa chữa Trung tâm Giáo dục thường xuyên số 2 để chuyển một số lớp của Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi sang học, bảo đảm 100% học sinh trường này được học 2 buổi/ngày.
Phòng GD-ĐT cũng chỉ đạo các trường sử dụng kinh phí chi thường xuyên và các nguồn kinh phí hợp pháp khác để mua sắm tập trung với khoảng gần 900 triệu đồng, quét vôi các phòng học, tường rào, cổng ngõ; tổng dọn vệ sinh quanh trường, tu sửa nền phòng học, cổng trường; trang trí lại các phòng học, các pa-nô, áp phích trước phòng học, phòng làm việc, tu sửa bàn ghế... trong dịp hè để chuẩn bị khai giảng năm học mới.
Phòng GD-ĐT cũng kiến nghị UBND quận xúc tiến việc xây dựng mới trường học nhằm giảm tải tình trạng sĩ số học sinh trên lớp vượt mức quy định tại các Trường tiểu học Triệu Thị Trinh, Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, Trường tiểu học Phan Phu Tiên, Trường THCS Nguyễn Lương Bằng, Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Nhiều trường học của quận Thanh Khê cũng đang được đầu tư sửa chữa, xây mới. Tại Trường THPT Thái Phiên, thầy Nguyễn Hữu Dũng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, năm nay nhà trường được đầu tư xây dựng thêm 2 phòng công nghệ thông tin, 6 phòng học và sân tập thể dục. “Năm học 2017-2018, trường có hơn 2.300 học sinh với 56 lớp. Nhìn chung cơ sở vật chất được đầu tư như vậy đã đáp ứng yêu cầu dạy và học tại trường”, thầy Dũng nói.
Ông Phạm Đình Sơn, Trưởng phòng GD-ĐT quận Thanh Khê cho biết, năm nay, địa phương đầu tư 1,5 tỷ đồng xây dựng thêm phòng học ở nhiều trường như Trường tiểu học Lê Quang Sung (6 phòng), Trường tiểu học Nguyễn Trung Trực (10 phòng), Trường tiểu học Dũng sĩ Thanh Khê (3 phòng). “Không chỉ đầu tư thêm phòng học, nhiều trường còn được mua sắm bàn ghế, trang thiết bị mới, xây dựng hồ bơi... với tổng kinh phí 10 tỷ đồng”, ông Sơn nói. Để bảo đảm việc học 2 buổi/ngày ở bậc tiểu học, địa phương xây dựng mới Trường tiểu học Trần Cao Vân cơ sở 2 (đường Hoàng Hoa Thám) với 30 phòng đầy đủ trang thiết bị.
Đến nay, thành phố đã có 60 trường trung học có phòng bộ môn đạt chuẩn; với 188 phòng đạt chuẩn/303 phòng học bộ môn (chiếm 62%). Bên cạnh đó, các công trình xây dựng phục vụ dạy học 2 buổi/ngày ở các trường tiểu học cũng cơ bản thực hiện theo kế hoạch đề ra. Toàn thành phố có 96,96% học sinh được học 2 buổi/ngày; 88% trường có 100% học sinh học 2 buổi/ngày.
“Việc đầu tư cơ sở vật chất nhằm bảo đảm học sinh được học 2 buổi ngày và không để xảy ra tình trạng nợ chuẩn hoặc không bảo đảm chuẩn với trường đã công bố đạt chuẩn”, ông Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc Sở GD-ĐT thành phố nói. Trong năm học mới, ngành giáo dục đặt mục tiêu hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, đồng bộ hóa; bảo đảm tối đa cơ sở vật chất, trang thiết bị ở các trường phổ thông công lập và ngoài công lập.
Theo thống kê của Sở GD-ĐT, thành phố có 11 trường với 30 phòng học được triển khai xây dựng, dự kiến kịp phục vụ năm học mới 2017-2018. Theo kế hoạch năm 2017, thành phố sẽ xây dựng thêm 30 phòng học bộ môn của 11 trường trung học với tổng kinh phí 41,5 tỷ đồng, nâng số trường có phòng đạt chuẩn lên 65,5%. |
Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ