Mùa tuyển sinh 2017 chứng kiến nhiều bất cập khi điểm chuẩn nhiều trường đại học tăng cao nhưng điểm chuẩn của nhiều trường sư phạm lại rất thấp. Điều này khiến nhiều người lo ngại chất lượng đội ngũ giáo viên trong tương lai và nêu vấn đề quy hoạch lại các trường sư phạm.
GS. Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội chỉ ra 4 bất cập trong đào tạo sư phạm hiện nay, đó là chưa quản lý thống nhất về chỉ tiêu; hệ thống các trường sư phạm đang tồn tại rất nhiều trình độ đào tạo; nguồn lực tài chính đầu tư cho sinh viên sư phạm vẫn hạn hẹp; bất cập trong phân bổ đội ngũ dẫn đến tình trạng thừa-thiếu nhiều nơi.
Từ thực tế đó, GS. Nguyễn Văn Minh cho rằng trước hết phải quy hoạch lại hệ thống trường sư phạm. Khi quy hoạch, cần phải có định hướng rõ ràng, phân định rõ trường trung tâm, phân hiệu và cơ sở đào tạo vệ tinh. Có như thế mới phân công được nhiệm vụ nơi nào đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nơi nào đào tạo theo nhu cầu, nơi nào nơi đào tạo bổ sung, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo.
Có cùng quan điểm trên, GS. Trần Văn Nam, Giám đốc ĐH Đà Nẵng kiến nghị Bộ GD&ĐT nên giao chỉ tiêu cho các trường sư phạm dựa trên dữ liệu báo cáo nhu cầu nguồn nhân lực ngành này tại các địa phương.
“Nguyên nhân đầu tiên khiến đầu vào sư phạm thấp vì thí sinh không tha thiết vào ngành sư phạm do đầu ra khó khăn, nguồn nhân lực dư thừa nhiều”, GS. Trần Văn Nam nhấn mạnh.
Theo GS. Nam, nếu quy hoạch lại, đào tạo theo đặt hàng của Nhà nước, Nhà nước trả tiền thì sẽ hoàn toàn có thể yêu cầu mức điểm chuẩn đầu vào cao đối với ngành sư phạm. Rồi đầu ra cũng có quy định phải đạt được tiêu chuẩn nhất định thì mới được tuyển dụng.
Hiệu trưởng ĐH Đà Lạt Nguyễn Đức Hòa cũng nêu quan điểm, các trường sư phạm là bộ máy cái nên ngành giáo dục cần quy hoạch lại một cách có trách nhiệm. Cần thiết phải đầu tư trọng điểm cho một số trường tốt nhất, còn không cần quá nhiều trường sư phạm, thậm chí theo ông, cả vùng 3 Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ chỉ cần 1 trường sư phạm có chất lượng là được.
Phó GS. Thái Bá Cần, nguyên Hiệu trưởng ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM nhận định việc quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm là cần thiết trong giai đoạn hiện nay, điều đó sẽ tốt hơn rất nhiều nếu địa phương nào cũng ồ ạt mở trường đào tạo sư phạm.
Trao đổi thêm về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) nhận định đầu tư cho các trường sư phạm là đầu tư cho cả hệ thống giáo dục. Vì vậy, những trường sư phạm sẽ có chuẩn đánh giá chất lượng riêng.
“Trên cơ sở các chuẩn, quy chuẩn đối với các trường sư phạm riêng, Bộ GD&ĐT sẽ rà soát lại hệ thống các trường sư phạm hiện nay để xem các trường nào đạt chuẩn thì tiếp tục đầu tư phát triển. Trường nào chưa đạt chuẩn nhưng ở vị trí trọng yếu cần tiếp tục đầu tư đạt chuẩn để thực hiện nhiệm vụ đào tạo cho vùng, địa phương mình; cũng có thể hợp nhất, sáp nhập với trường lớn để lan tỏa chất lượng của những trường lớn ra những vùng miền khác. Những trường nào yếu kém về chất lượng mà xã hội không lựa chọn sẽ khoanh vùng để có các giải pháp phù hợp”, bà Phụng cho biết.
Tại Hội nghị tổng kết năm học 2016-2017 và phương hướng, nhiệm vụ năm học 2017-2018 các cơ sở giáo dục ĐH, các trường Sư phạm diễn ra sáng 11/8 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết Bộ sẽ có những buổi làm việc riêng với các trường sư phạm để có những tính toán sao cho phù hợp.
“Ngành sư phạm muốn nâng cao chất lượng đầu vào phải học tập kinh nghiệm từ ngành công an, quân đội là giao chỉ tiêu hằng năm, có chính sách ưu tiên về học phí và được phân công công việc sau khi ra trường. Có như vậy, đầu vào mới cao được", Bộ trưởng Nhạ nói.
Tuy nhiên, điểm đầu vào chỉ là một yếu tố, quá trình tuyển chọn giáo sinh cho các trường sư phạm phải quan tâm tới năng khiếu có tính chất nghiệp vụ, chú ý tới năng lực phẩm chất nhà giáo.
Theo Chinhphu.vn