Không ít trường hợp học sinh, sinh viên (HSSV) vay vốn để có tiền đi học nhưng không phải ai vay được cũng trả được.
Sinh viên ra trường tìm kiếm cơ hội việc làm khắp nơi nhưng rất khó để tìm được công việc đúng ngành nghề đã học. Trong ảnh: Tại một ngày hội việc làm được tổ chức năm 2017. Ảnh: Quỳnh Trang |
“Cứu cánh” cho những giấc mơ đại học
Chính sách trợ vốn ngân hàng cho những SV có hoàn cảnh khó khăn đã giúp nhiều SV nghèo trang trải chi phí học tập, sinh hoạt. Chị Nguyễn Thị Kim Liên (50 tuổi, tổ 14, phường Bình Hiên, quận Hải Châu), đến giờ vẫn không thể tin con trai - động lực sống lớn nhất của chị đã đi đến bậc học chuyên nghiệp. Chồng bị bệnh mất sớm, một mình chị bươn chải lo cái ăn, cái mặc của hai mẹ con đã khó, bản thân chị lại đau ốm triền miên. Mười mấy năm trời, dù chăm chỉ làm ăn, hai mẹ con vẫn không sao thoát ra khỏi diện hộ nghèo của phường. Cách đây hai năm, hai mẹ con vừa mừng vừa tủi khi nhận giấy báo gọi con trai nhập học Trường Cao đẳng Thương mại thành phố. Tính tới, tính lui, vì tương lai của con, chị Liên quyết “liều” vay vốn ưu đãi, trong đó, có vốn vay sinh viên. Dù người mẹ gầy yếu từ đây sẽ vất vả sớm hôm hơn, khi ngoài khoản vay hộ nghèo chưa trả hết, chị phải gồng gánh thêm gói vay sinh viên, nhưng chị vui lắm. “Thật may thời hạn trả nợ kéo dài (7 năm), nên hiện tại mẹ con tôi vẫn thở được. Giờ mẹ lo làm việc kiếm tiền, con yên tâm học hành thật tốt”, chị Liên khấp khởi.
Cùng tổ 14 này, chuyện vào đại học của chàng trai trẻ Phạm Văn Thắng cách đây mấy năm cũng được xem là kỳ tích. Cha Thắng bị tâm thần, mẹ nghề nghiệp không ổn định, những tưởng giấc mơ đại học dang dở nhưng rồi nhờ khu dân cư giới thiệu gói vay sinh viên, Thắng đã vượt qua khó khăn ban đầu. Hiện tại, dù chưa tìm được công việc đúng chuyên ngành kế toán sau khi tốt nghiệp, song, nhờ chăm chỉ, không nề hà kể cả công việc chân tay như bưng bê phục vụ nên Thắng đã trả xong khoản vay, tiếp tục nỗ lực vì tương lai tươi sáng.
Tương tự, gói vay sinh viên cũng là nguồn lực giúp người mẹ đơn thân Nguyễn Thị Hồng (tổ A2, phường Mân Thái, quận Sơn Trà) nuôi hai con khôn lớn, học hành bài bản. Hiện cậu út của chị Hồng học năm cuối Trường Đại học Thể dục - Thể thao Đà Nẵng. Dù dư nợ vẫn còn và có thể phải vay tiếp, nhưng ánh mắt người mẹ nghèo quanh năm bám biển vẫn lấp lánh hạnh phúc.
Theo chị Hồ Thị Thi, Tổ trưởng tổ vay vốn phụ trách các tổ A1, A2, A3 (phường Mân Thái, quận Sơn Trà), dân cư địa bàn chị phụ trách chủ yếu làm nghề biển, đời sống rất khó khăn. Hầu hết, để nuôi được những đứa con học đại học, cao đẳng, họ phải dựa vào nguồn vốn vay sinh viên. Đặc biệt, đối với những nhà một lúc có 2, 3 đứa con đi học chuyên nghiệp hoặc các trường hợp trẻ mồ côi nếu không được hỗ trợ vay thì việc học hầu như không thể.
Tổ trưởng tổ vay vốn tại khu dân cư tư vấn về số dư nợ và cách trả cho chị Liên (phải). Ảnh: Thanh Tân |
Vay dễ, trả có dễ?
Việc vay vốn đã giúp cánh cửa đại học rộng mở hơn với nhiều tân sinh viên, nhưng sau đó ra trường nhiều em không có việc làm, phải bươn chải đủ nghề tạm bợ để “lay lắt” kiếm tiền trả nợ ngân hàng.
Mấy năm gần đây, không ít cử nhân, kỹ sư ra trường không xin được việc làm, nhiều em phải làm công nhân, lao động phổ thông ở các nhà hàng, quán ăn để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Việc trả nợ ngân hàng thì… để cha mẹ lo.
N.H.V (quê Quảng Nam, tốt nghiệp ngành Tài chính-Ngân hàng, Trường Đại học Duy Tân năm 2013) đã gửi hồ sơ đến nhiều nơi nhưng không nơi nào nhận. Không muốn về quê, V. trụ lại thành phố làm đủ nghề từ nhân viên bán hàng tại siêu thị, phụ quán trà sữa đến lễ tân khách sạn, gia sư… Trong hàng chục nghề đã làm, nghề nghiệp liên quan nhiều nhất đến ngành học của V. là… nhân viên kế toán tại cây xăng! Ước mơ ra trường được mặc áo dài hằng ngày ra vào các ngân hàng lớn của em không biết bao giờ mới thành hiện thực bởi đã hơn 3 năm kể từ ngày tốt nghiệp. V. không đụng đến kiến thức chuyên ngành.
V. tâm sự: “Gia đình em thuộc hộ nghèo ở một huyện miền núi tỉnh Quảng Nam. Ngày đậu đại học, mẹ làm hồ sơ vay vốn cho con đi học với suy nghĩ rất đơn giản: lãi suất thấp như thế này thì kiểu gì cũng trả được nợ. Thời điểm đó, gia đình em được vay mỗi kỳ học 4 triệu đồng, một năm vay 8 triệu đồng. Tiền lãi tính ra mỗi tháng gần 300.000 đồng. Em cứ nghĩ trong thời gian học đại học chỉ trả phần tiền lãi. Đến khi ra trường, có việc làm, có thu nhập ổn định rồi mỗi tháng sẽ trả 300.000 tiền lãi và 700.000 tiền gốc. Như vậy, chỉ mất khoảng 3-4 năm là hết nợ. Thế nhưng, ngành học của em lúc trước dễ xin việc nhưng bây giờ rất khó. Em đã gõ cửa nhiều nơi nhưng kết quả đều không được. Hiện thu nhập mỗi tháng của em chỉ khoảng 3 triệu đồng, trừ các chi phí ăn ở, nếu có chút dư, em cũng chỉ gửi về quê cho mẹ được đôi ba trăm để trả bớt tiền lãi, tiền gốc thì chưa biết đến khi nào mới trả được”.
Ở phường Bình Thuận (quận Hải Châu), nhiều người biết gia đình ông K.V.G. khi ông là thương binh hạng ¾, vợ bị tâm thần nhưng cả 4 đứa con đều học đại học và cùng Trường Đại học Duy Tân. Có điều, niềm vui ngày con đậu đại học lớn bao nhiêu thì nỗi buồn con ra trường không có việc làm cũng ủ ê bấy nhiêu. Ba đứa con lớn là K.H.V (sinh năm 1983, tốt nghiệp ngành Điện-Điện tử), K.H.M (sinh năm 1984, cùng ngành với anh trai), K.H.L (1986, ngành Kế toán), và cậu út K.H.T (sinh năm 1994, đang học ngành CNTT). Ngày đứa lớn ra trường, gia đình hồ hởi cùng con nộp hồ sơ khắp nơi nhưng chờ mãi vẫn không được nhận. Đến đứa thứ hai, rồi thứ ba cũng vậy khiến gia đình ông ngày càng nản. Cuộc sống gia đình quá khó khăn, cha mẹ lớn tuổi, đau bệnh, những người con của ông G. đều chạy đôn đáo làm đủ nghề kiếm sống. “Hiện các con tôi đều chủ yếu làm xe ôm tại nhà, ai kêu gì chạy đó, kiếm sống qua ngày thôi chứ chưa dám nghĩ đến ổn định. Còn nợ ngân hàng thì chỉ ráng trả được lãi, khoản gốc vay cả 3 đứa dồn lại không biết khi nào mới trả được”, ông G. thở dài. Em K.H.T. buồn rầu: “Không vay ngân hàng thì không có tiền đóng học phí, mà vay thì trả cũng rất gian nan. Gia đình em mới đây vì trả quá hạn nên Hội Phụ nữ gọi lên để chuyển qua vay diện khác, nếu không, để quá hạn sẽ bị phạt gấp mấy lần...”.
Theo anh Nguyễn Phú Quý, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Hòa Phú (huyện Hòa Vang), trong số các hộ vay vốn SV do Đoàn xã quản lý, có rất ít hộ trả được tiền gốc, đa phần họ chỉ cố gắng trả lãi. Nhiều SV tốt nghiệp ra trường không xin được việc làm theo ngành học, quay về làm tại các khu du lịch của địa phương. Nhưng các khu du lịch này chỉ hoạt động rầm rộ vào mùa hè, đến mùa đông vắng khách họ lại cho người lao động nghỉ. Hiện tại, hầu hết các hộ không trả được nợ nhưng đã đến hạn, hướng xử lý tối ưu là chuyển họ qua vay kênh khác. Và rồi họ cứ luẩn quẩn trong vòng quay nợ nần… Bà Đào Thị Tuyết, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Bình Thuận (quận Hải Châu) cũng cho biết, hơn 50% số hộ gia đình trên địa bàn vay vốn SV đều không trả được nợ đúng thời hạn, phải gia hạn thêm hoặc chuyển qua vay kênh khác để trả nợ cho gói vay sinh viên.
Trong khi đó, theo đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội, Chi nhánh Đà Nẵng, những bất cập của việc thu hồi vốn vay chỉ xảy ra phổ biến ở giai đoạn HSSV trực tiếp vay. Bởi, khi ra trường, ngân hàng, nhà trường không có thông tin để theo dõi và thu hồi nợ, nhiều học sinh ra trường đã có việc làm nhưng không tự giác trả nợ. Gia đình có con vay vốn không muốn khai báo HSSV đang công tác ở đâu. Những trường hợp HSSV mồ côi, HSSV địa phương khác đến Đà Nẵng học xong dời đi nơi khác làm việc, sinh sống không rõ tung tích; một số trường hợp gia đình 2-3 con theo học đại học, cao đẳng cùng lúc. Tuy nhiên, theo ông Phạm Văn Doanh, tính đến nay, số tiền nợ quá hạn 1.485 triệu đồng, tỷ lệ nợ quá hạn chỉ 0,61% có thể kiểm soát được.
Tăng mức vay, mở rộng đối tượng vay Ông Phạm Văn Doanh, Phó phòng phụ trách Phòng Kế hoạch nghiệp vụ tín dụng - Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Đà Nẵng, cho biết, việc cho vay đối với HSSV có hoàn cảnh khó khăn đến nay có thể chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 mức vay 150.000 đồng/người/tháng. Giai đoạn 2 mức cho vay 200.000 đồng/người/tháng. Giai đoạn 3 mức cho vay 300.000 đồng/HSSV/tháng. Theo ông Doanh, kể từ thời điểm chuyển sang phương thức cho vay hộ gia đình, các chính sách cho vay HSSV tiếp tục có nhiều thay đổi về đối tượng vay, cũng như mức vay hằng tháng tăng liên tục, hỗ trợ ngày càng hiệu quả cho nhiều HSSV nghèo, khó khăn. Cụ thể, không chỉ SV hộ nghèo mới được vay mà SV thuộc gia đình có hoàn cảnh khó khăn cũng được vay. Đặc biệt, chính sách này không phân biệt loại hình đào tạo (công lập hay dân lập; chính quy hay tại chức). Mức cho vay được tăng lên 800.000 đồng/HSSV/tháng, cao hơn so với chương trình tín dụng khác mà không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay. Từ đó đến nay, mức cho vay tiếp tục được Chính phủ điều chỉnh thay đổi phù hợp (5 lần) với giá cả thị trường và mức học phí. Từ chỗ mỗi tháng chỉ cho vay 150.000-200.000 đồng, mức vay được áp dụng từ ngày 15-6-2017 là 1.500.000 đồng/tháng/HSSV. Lãi suất ưu đãi chỉ bằng lãi suất cho vay hộ nghèo, mức 0,55%/tháng. Thời gian trả nợ được tính bằng số năm các em theo học tại trường cộng với tối đa một năm sau khi tốt nghiệp ra trường. Nếu người vay trả nợ trước hạn được hưởng chính sách giảm lãi tiền vay. |
Gần 62.000 lượt hộ vay Từ khi thành lập đến tháng 5-2017, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Đà Nẵng đã triển khai cho vay 61.566 lượt hộ vay với số tiền 568.187 triệu đồng, lũy kế thu nợ 330.146 triệu đồng. Đến 31-5-2017, dư nợ cho vay chương trình HSSV có hoàn cảnh khó khăn đạt 242.269 triệu đồng với 11.449 khách hàng còn dư nợ. So với trước đây, việc cho vay vốn thông qua hộ gia đình (thay vì cho SV vay trực tiếp) giúp cho việc quản lý và sử dụng nguồn vốn có hiệu quả hơn, các gia đình có con em theo học thuộc diện được vay vốn được nhận tiền vay trực tiếp từ Ngân hàng Chính sách xã hội tại các điểm giao dịch của 56 xã, phường. |
Thanh Tân - Quỳnh Trang