Quốc tế hóa giáo dục đại học

.

Nhiều trường đại học (ĐH) và đơn vị đào tạo tại Đà Nẵng đang đẩy mạnh quốc tế hóa giáo dục nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và mở ra cơ hội trải nghiệm học tập toàn cầu cho sinh viên (SV).

Sinh viên của Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt-Anh tham gia giao lưu văn hóa ở nước ngoài.
Sinh viên của Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt-Anh tham gia giao lưu văn hóa ở nước ngoài.

Một trong các đơn vị đi đầu trong việc quốc tế hóa giáo dục ĐH là Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng). Từ năm 1999, trường đã được chọn là 1 trong 4 trường của Việt Nam được chính phủ Pháp tài trợ đào tạo chương trình kỹ sư chất lượng cao Việt-Pháp (viết tắt PFIEV).

Đặc điểm chương trình này là 2 năm đầu SV học hoàn toàn theo chương trình của Pháp, 3 năm chuyên ngành theo chương trình được xây dựng giữa Việt Nam và Pháp. SV phải bảo vệ tốt nghiệp bằng tiếng Pháp hoặc tiếng Anh trước hội đồng có giáo viên từ Pháp sang. SV muốn tốt nghiệp và được công nhận danh hiệu kỹ sư chất lượng cao phải đạt trình độ cả tiếng Anh và Pháp theo yêu cầu của Pháp, đồng thời được trường ĐH đối tác tại Pháp cấp phụ lục bằng.

Chương trình quốc tế thứ hai được tổ chức tại Trường ĐH Bách khoa là chương trình tiên tiến ngành Điện tử viễn thông (từ năm 2006) và Hệ thống nhúng (từ năm 2008). “Chương trình này hoàn toàn bằng tiếng Anh, giáo trình tiếng Anh của trường liên kết, đồng thời được Chính phủ Việt Nam tài trợ trong thời gian đầu, đến nay thì SV trả học phí. Giảng viên giảng dạy chương trình đều phải tham gia các khóa thực tập, đào tạo tại Mỹ”, T.S Đoàn Quang Vinh, Hiệu trường nhà trường cho biết.

Không lâu đời như Trường ĐH Bách khoa nhưng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt-Anh (ĐH Đà Nẵng) cũng là một trong số các đơn vị đẩy mạnh quốc tế hóa ĐH. Bà Nguyễn Thị Mỹ Hương, Viện phó phụ trách Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt-Anh cho biết, ngay từ khi thành lập, đơn vị đã cùng Đại học Aston (nước Anh) viết chiến lược hoạt động gồm mô hình tổ chức ĐH và chương trình như thế nào, cách thức quản lý ra sao…

Bởi vậy, chương trình theo tiêu chuẩn của Anh quốc và được doanh nghiệp ở Anh cũng như các nước công nhận. Ngoài ra, các đoàn của nhiều trường ở nước Anh cũng đã sang làm việc và phổ biến kinh nghiệm giảng dạy cho giảng viên trong trường.

Hiện tại, 25-30% giảng viên của Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt-Anh là người nước ngoài và nhà trường sử dụng toàn bộ tiếng Anh trong giảng dạy theo tiêu chuẩn của Anh. “Vừa rồi, Công ty Synova chuyên về công nghệ thông tin ở Thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp nhận nhiều SV của chúng tôi vào làm việc và khá hài lòng bởi sự năng động, mạnh dạn và vốn tiếng Anh khá chuẩn của SV nhà trường.

Ngoại ngữ là con đường để hội nhập nhanh nhất nhưng cũng là điểm yếu của SV nói chung hiện nay. Do vậy, chủ trương của chúng tôi là khi mở một ngành nào đó thì đều dạy bằng tiếng nước ngoài”, bà Hương chia sẻ.

Đào tạo theo mô hình của Anh quốc tập trung vào 3 mặt: Tiếng Anh chuẩn, kỹ năng mềm, tạo việc làm cho SV. Do đó, đơn vị luôn theo dõi và hỗ trợ SV xuyên suốt 4 năm học để tích lũy kinh nghiệm. “Em đã được nhà trường đưa đi học tập 10 ngày tại Trường ĐH Catholic của Hàn Quốc.

Đó thực sự là quãng thời gian bổ ích để em được trau dồi ngoại ngữ, biết thêm về văn hóa nước sở tại và được rèn luyện các kỹ năng mềm”, Ngô Phương Mai, SV năm 3, khoa Quản trị và kinh doanh quốc tế của viện thổ lộ.

Những năm qua, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt-Anh còn tiếp nhận SV của Anh qua học tập. Sophie Machin, SV năm 3 chuyên ngành Luật và quản trị của Trường ĐH Aston (Anh) đang thực tập trợ giảng tiếng Anh tại Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt-Anh chia sẻ, công việc giảng dạy tại Việt Nam khá thú vị và bạn cũng có cơ hội hiểu biết thêm về phong tục ở đây.

Là trường ĐH ngoài công lập, nhưng nhiều năm nay, Trường ĐH Duy Tân cũng đã có quan hệ hợp tác với nhiều trường ĐH trên thế giới và hầu hết chương trình tiên tiến được chuyển giao từ những trường uy tín.

Đơn cử như việc hợp tác triển khai giảng dạy và cấp bằng có giá trị quốc tế cho học viên với Học viện NIIT (Ấn Độ). Hay như việc liên kết và thực hiện chương trình đào tạo cử nhân Công nghệ phần mềm, Hệ thống thông tin và kỹ thuật mạng với ĐH Carnegie Mellon – ĐH có từ lâu đời ở Hoa Kỳ về đào tạo công nghệ thông tin.

Nguyễn Huy, SV đang học chương trình liên kết cho biết, ngoài được học chương trình chuẩn của Bộ GD-ĐT, SV còn được học và thực hành khá nhiều theo chương trình của nước ngoài. Đặc biệt, việc học và trình bày ý tưởng bằng tiếng Anh giúp SV trở nên năng động và rèn luyện việc nói tiếng Anh lưu loát hơn.

“Tiếp cận chương trình tiên tiến sẽ nâng cao chất lượng đào tạo và tạo nên nguồn nhân lực có chất lượng. Qua đó, chúng tôi còn tích lũy nhiều kinh nghiệm quý giá và tạo được một đội ngũ giảng dạy chuyên nghiệp”, ông Lê Công Cơ, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Duy Tân cho biết.

Theo TS Trần Đình Khôi Quốc, Trưởng ban Đào tạo của ĐH Đà Nẵng, việc triển khai, đẩy mạnh quốc tế hóa ĐH đang được quan tâm hàng đầu. “Nhiều văn bản của Chính phủ hay Bộ GD-ĐT đều đề cập vấn đề phải hội nhập ở khu vực, cụ thể là ASEAN và quốc tế. Việc tiếp thu những kinh nghiệm giáo dục của các nước sẽ giúp đào tạo được nguồn nhân lực đủ trình độ để hợp tác và cạnh tranh bình đẳng trên toàn cầu”, TS Quốc chia sẻ.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.
.