Sau gần 1 năm đi vào hoạt động, Trung tâm Tư vấn chăm sóc giáo dục trẻ dựa vào cộng đồng – trung tâm đầu tiên về tư vấn cho trẻ ở thành phố Đà Nẵng đã giúp hàng chục trẻ khuyết tật, có vấn đề về tâm lý được chăm sóc, cải thiện tình trạng bệnh. Tuy vậy, hiện nay Trung tâm này vẫn chưa phát huy hết công năng so với kỳ vọng ban đầu.
Trẻ được tư vấn tâm lý tại Trung tâm Tư vấn chăm sóc giáo dục trẻ dựa vào cộng đồng. |
Trung tâm Tư vấn chăm sóc giáo dục trẻ dựa vào cộng đồng (gọi tắt là Trung tâm), đặt tại Trường mầm non 20-10 (quận Hải Châu) nằm trong dự án Tăng cường khả năng sẵn sàng đi học cho trẻ mầm non do Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Thế giới triển khai.
Trung tâm đi vào hoạt động từ tháng 4-2017 và được đầu tư kinh phí gần 3 tỷ đồng để xây dựng, cải tạo cơ sở vật chất, trang thiết bị. Trung tâm có góc tư vấn, góc y tế, góc bếp, góc chơi, góc sách, góc thủ công, góc mở và sân chơi ngoài trời cho trẻ.
Thành phố Đà Nẵng là 1 trong 4 tỉnh, thành trên toàn quốc được chọn thực hiện thí điểm mô hình này cùng với Lào Cai, Bắc Ninh và Daklak. Sau khoảng 1 năm đi vào hoạt động, Trung tâm đã giúp cho nhiều trẻ được cải thiện tình trạng sức khỏe.
Đơn cử như trường hợp chị Mai Thị Th., có con 4 tuổi nhưng bị chậm nói và sau một thời gian đến Trung tâm, được các bác sĩ tư vấn và giới thiệu đến cơ sở y tế chuyên môn để chữa trị, đến nay tình trạng bệnh của bé được cải thiện rất nhiều và bé đã bập bẹ nói được.
Con chị Lê H. thì lại có biểu hiện trầm cảm dù bé mới 10 tuổi. Bé suốt ngày lầm lì và rất ít giao tiếp với mọi người. Khi được đưa vào đây, bé được các chuyên gia tâm lý khám và tư vấn đến những địa chỉ tin cậy để được chữa trị. Nhờ đó, hiện nay bé đã chịu cởi mở giao tiếp.
Trung tâm này ra đời với kỳ vọng là cung cấp dịch vụ cho cha mẹ có trẻ từ sơ sinh đến 6 tuổi, mở rộng chức năng thu hút cha mẹ và cộng đồng nhằm cung cấp dịch vụ phát triển trẻ thơ toàn diện trong tất cả các lĩnh vực phát triển bao gồm: sức khỏe, giáo dục, tình cảm xã hội và văn hóa, tinh thần.
Các dịch vụ cho trẻ em và gia đình: dịch vụ chăm sóc giáo dục mầm non, nhà trường, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe trẻ em và bà mẹ mang thai, hỗ trợ gia đình các kỹ năng làm cha mẹ… Thế nhưng, từ khi dự án kết thúc vào năm 2017, hoạt động của Trung tâm gặp khó khăn.
Bà Nguyễn Hồng Phấn, Hiệu trưởng Trường mầm non 20-10 kiêm Giám đốc Trung tâm cho biết, nhà trường phải huy động một số giáo viên kiêm nhiệm các hoạt động của Trung tâm (ngoài giờ dạy) nên hiệu quả chưa cao.
Trung tâm hiện cần 1 biên chế để quản lý các hoạt động, tiếp phụ huynh… Mặt khác, kinh phí tổ chức hoạt động tại Trung tâm đều do nhà trường tự bỏ ra, trong khi nguồn thu của trường không nhiều nên không thể tổ chức hoạt động phong phú.
Theo thống kê, trung bình mỗi tháng, Trung tâm chỉ tiếp nhận khoảng 10 trường hợp đến khám, tư vấn; trong đó phần lớn là trẻ khuyết tật hoặc có vấn đề về tâm lý. Theo bà Phấn, con số này quá ít so với mục tiêu ban đầu và chỉ khi con có biểu hiện bất thường rõ nét thì phụ huynh mới đưa đến khám.
“Phụ huynh rất cần được trang bị kiến thức về giáo dục sớm cho con, dạy những kỹ năng cần thiết cho trẻ… Tuy nhiên, đa số phụ huynh vẫn nghĩ đây là việc của nhà trường. Nhiều phụ huynh còn cho rằng dạy con thì cần gì phải học”, bà Phấn nói.
Trung tâm từng 2 lần bỏ kinh phí mời giáo viên từ Hà Nội vào tổ chức lớp học miễn phí về giáo dục con sớm, nấu ăn cho trẻ, kỹ năng giúp con vào lớp 1… nhưng rất ít phụ huynh tham gia dù thông báo đã gửi đến các lớp.
Theo bà Phấn, hiện nay Trung tâm có đội ngũ bác sĩ nhiệt tình gồm phụ huynh cùng các bác sĩ của Trung tâm Ước mơ xanh (thuộc Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi thành phố) hỗ trợ khi có trường hợp cần trợ giúp. Đây là thuận lợi lớn để Trung tâm tiếp tục hoạt động.
Ông Đoàn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND quận Hải Châu cho rằng, để Trung tâm hoạt động lâu dài và phát huy hiệu quả cần có cơ chế cùng nguồn kinh phí tổ chức hoạt động, thù lao cho đội ngũ tình nguyện viên tại Trung tâm; đồng thời cần có quy định về giá dịch vụ với mức thu phù hợp. Ngoài ra, cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền nhiều hơn nữa để nhiều phụ huynh biết và đến với Trung tâm.
Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ