Công bố tỷ lệ sinh viên có việc làm: Công khai nhưng khó tìm

.

Công bố tỷ lệ sinh viên (SV) có việc làm sau một năm tốt nghiệp là yêu cầu bắt buộc trong đề án tuyển sinh của các trường ĐH trong mùa tuyển sinh 2018. Đây là một trong những chủ trương để các trường công khai chất lượng đào tạo của trường và cũng là một trong những thông tin để học sinh phổ thông và phụ huynh tham khảo trong lựa chọn ngành nghề.

Thế nhưng, tỷ lệ SV có việc làm theo công bố của các cơ sở giáo dục đại học hoặc là những con số đẹp và ấn tượng hoặc là không xuất hiện trên website của các trường ĐH.

Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) công bố tỷ lệ trung bình sinh viên có việc làm sau một năm tốt nghiệp đạt 96,6%. TRONG ẢNH: Ngày hội việc làm DUT Job Fair 2018 do Trường ĐH Bách khoa tổ chức, giúp hàng trăm sinh viên năm cuối gặp gỡ nhà tuyển dụng, lựa chọn nơi làm việc sau khi ra trường). Ảnh: HOÀNG NHUNG
Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) công bố tỷ lệ trung bình sinh viên có việc làm sau một năm tốt nghiệp đạt 96,6%. TRONG ẢNH: Ngày hội việc làm DUT Job Fair 2018 do Trường ĐH Bách khoa tổ chức, giúp hàng trăm sinh viên năm cuối gặp gỡ nhà tuyển dụng, lựa chọn nơi làm việc sau khi ra trường). Ảnh: HOÀNG NHUNG

Cùng với việc bỏ điểm sàn, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã và đang yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học phải công khai báo cáo tự đánh giá và thực hiện kiểm định trường ĐH, kiểm định chương trình đào tạo.

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, hầu hết website của các cơ sở giáo dục đại học đều có mục “3 công khai” (Công khai cam kết chất lượng giáo dục và chất lượng giáo dục thực tế; Công khai điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục; Công khai thu chi tài chính), hoặc thông tin công khai, trong đó có các nội dung như điều kiện đội ngũ, cơ sở vật chất, kết quả nghiên cứu khoa học, chi phí đào tạo, tỷ lệ SV có việc làm, hoạt động hợp tác doanh nghiệp.

Trong đề án tuyển sinh của các trường ĐH trong mùa tuyển sinh 2018, Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu các trường phải công bố tỷ lệ SV có việc làm sau một năm tốt nghiệp. Đây là một trong những chủ trương để các trường công khai chất lượng đào tạo của trường, thể hiện trách nhiệm của nhà trường đối với xã hội và cũng là một kênh tham khảo của người học.

Thế nhưng, không phải thông tin “3 công khai” của cơ sở giáo dục đại học nào cũng có thể dễ dàng tìm kiếm và mỗi trường thực hiện công bố tỷ lệ SV có việc làm theo mỗi kiểu khác nhau. Trường ĐH Đông Á chỉ công bố tỷ lệ SV có việc làm của từng ngành đào tạo chứ không có bảng biểu thống kê số SV tốt nghiệp, số lượng SV được khảo sát, số SV phản hồi.

Muốn tìm được số liệu liên quan đến tỷ lệ SV có việc làm của Trường ĐH Duy Tân trên website thì phải xem trong các báo cáo các nội dung thực hiện quy chế công khai đối với các cơ sở giáo dục đại học của trường gửi về Bộ GD&ĐT để báo cáo được nhà trường tải lên, và không phải học sinh, phụ huynh nào cũng biết để tìm đọc.

Việc khảo sát tỷ lệ SV có việc làm sau tốt nghiệp từ 6 tháng đến một năm là rất khó thực hiện với 100% SV tốt nghiệp, mà dựa trên một số lượng vừa đủ. Chính vì vậy, trong bảng thống kê báo cáo tình hình việc làm của các trường thành viên ĐH Đà Nẵng (số liệu khảo sát năm 2017, về tình hình việc làm của SV tốt nghiệp năm 2016:

ĐH Bách khoa đạt 96,9%, ĐH Kinh tế đạt 95%), tỷ lệ SV có việc làm được chia làm hai cột: tỷ lệ có việc làm so với tổng số SV tốt nghiệp đúng hạn và tỷ lệ có việc làm so với số SV tốt nghiệp trả lời phiếu khảo sát. Thế nhưng, không phải cơ sở giáo dục đại học nào cũng minh bạch trong thông tin này.

PGS.TS Đoàn Quang Vinh, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng cho biết: “Ngoài việc học sinh phổ thông tham khảo để lựa chọn ngành nghề, thông số này là một trong những kênh để các trường điều chỉnh quy mô tuyển sinh, chương trình đào tạo…

Chẳng hạn, như từ phân tích kết quả khảo sát việc làm của SV tốt nghiệp năm 2015, 2016, nhà trường đã giảm chỉ tiêu tuyển sinh 2018 và chủ trương đẩy mạnh giảng dạy trực tuyến trong toàn trường: thực hiện thực tập tốt nghiệp và làm đồ án tốt nghiệp dưới sự hướng dẫn của doanh nghiệp; chú trọng cải tiến chương trình đào tạo theo hướng chú trọng thực hành, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp”.

Cho dù thông tin tỷ lệ SV có việc làm sau khi ra trường là một kênh để nhà trường theo dõi những biến động của thị trường lao động nhưng sự tích cực trong phản hồi của SV thường là không cao, phải có điều kiện ràng buộc mới thu thập được.

Có nhiều ý kiến cho rằng, dữ liệu tỷ lệ SV có việc làm cũng góp phần giúp SV thấy được sức cạnh tranh của trường mình theo học trên thị trường lao động, cũng như xu hướng việc làm, ngành nghề theo học. Phải chăng đây là một trong những lý do khiến cho nhiều trường công bố không đầy đủ; chưa kể là những con số về tỷ lệ SV có việc làm không phản ảnh được trung thực tình trạng việc làm của SV sau khi ra trường. PGS.TS Đoàn Quang Vinh cho rằng, về lâu dài, cần có biện pháp chế tài mạnh đối với công tác “3 công khai”.

HÀ TRẦN

;
.
.
.
.
.
.