Hậu du học: Ở hay về?

.

Sau Tết Nguyên đán, sân bay quốc tế Đà Nẵng ngập kín người đi kẻ tiễn. Nếu lượng khách ga quốc nội nườm nượp “check in” tại các quầy thủ tục thì dòng người xếp hàng chờ lên máy bay tại ga quốc tế cũng đông đúc không kém. Trong đó có không ít khách là du học sinh về quê ăn Tết nay trở lại trường tiếp tục việc du học ở khắp nơi trên thế giới.

Anh Ngô Hoàng Khả Trí (bìa phải) và các bạn học ở Trường Đại học Huddersfield, Anh.  (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Anh Ngô Hoàng Khả Trí (bìa phải) và các bạn học ở Trường Đại học Huddersfield, Anh. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Muôn vạn nẻo đường du học

Còn nhớ, đầu những năm 80 thế kỷ trước, lượng học sinh du học ở Đà Nẵng chỉ đếm trên đầu ngón tay, phần lớn là được học bổng do các trường đại học (ĐH) trên cả nước cấp và Nhà nước tài trợ toàn bộ chi phí ăn học. Và hầu như học sinh, sinh viên (HSSV) đều theo học tại các trường ĐH ở Liên Xô (cũ), Trung Quốc, Tiệp Khắc, Cộng hòa Dân chủ Đức (cũ)… Hơn thập niên trở lại đây, du học đã không còn xa lạ trong cộng đồng HSSV thành phố Đà Nẵng mà trở nên phổ cập ở các bậc ĐH, THPT, THCS và thậm chí cả bậc tiểu học. Các trường ĐH danh tiếng ở các nước Âu, Mỹ, Nhật, Singapore, Hàn… bắt đầu trở thành địa chỉ quen thuộc của du học sinh thành phố.

Đứng trước hiện trạng “nhà nhà du học, người người du học” hiện nay, nhiều người thường buông câu thán rằng: Bây giờ đi du học như đi chợ! Thực tế cho thấy, tại Trường THPT Phan Châu Trinh, một ngôi trường trung tâm thành phố mười năm trở lại đây, số lượng học sinh ra nước ngoài đi học ngày càng tăng. Sĩ số học sinh khi vào lớp 10 xê dịch từ 45 đến 50 em/lớp. Đến cuối năm lớp 12 thì chí ít mỗi lớp có khoảng 5 đến 7 em đi du học bậc phổ thông (high school). Sau tốt nghiệp lớp 12, số lượng HSSV du học bậc ĐH tăng thấy rõ.

Có muôn vạn nẻo đường để đi du học nhưng tựu trung ở hai phương thức: học bổng và tự túc. Gói học bổng chỉ dành cho học phí không bao gồm ăn, ở với nhiều mức khác nhau như: 100%, 70%, 50%, 30%. Và tất nhiên chỉ tài trợ trong năm đầu tiên; những năm tiếp theo tùy thuộc thành tích học tập của du học sinh và điều kiện kinh tế của trường tài trợ. Vì vậy, việc săn học bổng đã khó mà giữ được học bổng ở các năm tiếp theo lại càng khó hơn đối với du học sinh. Trong khi đó, du học tự túc có thủ tục chọn trường đơn giản hơn nhưng ngược lại chi phí cho 4 năm học lên đến hàng tỷ đồng chứ chẳng chơi.

Có thể nói ngắn gọn rằng, để đi học ở nước ngoài phải có hai điều kiện cần và đủ là: tiền và năng lực. Tùy vào số tiền có trong tài khoản và năng lực cá nhân mới có thể chọn đúng trường, đúng quốc gia mong muốn. Dường như trong các cuộc trao đổi giữa các vị phụ huynh có chút “máu mặt” đều tập trung vấn đề có định cho con em đi du học không? Thậm chí nhiều gia đình dành hẳn một số tiền lớn trong ngân hàng hay mua dăm ba miếng đất để dành sau này cho con đi du học. Rồi chịu khó đầu tư tiếng Anh cho trẻ từ lúc bước vào mẫu giáo, ráo riết cho đi học thêm các môn; thậm chí bằng mọi giá để có học bạ “đẹp” nhằm chuẩn bị một tương lai du học cho con em mình với nhiều kỳ vọng.

Chị Nguyễn Hồng Tâm, trú tại phường Hòa Cường Nam (quận Hải Châu) từng cho hai mảnh đất vàng “ra đi” để trang trải tiền ăn, ở, học phí cho hai cô con gái đang du học tại Mỹ và Úc theo con đường tự túc.

Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho HSSV có năng lực nhưng không có điều kiện kinh tế đi du học, từ năm 2004, thành phố Đà Nẵng triển khai đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (Đề án 922), thu hút gần 700 người tham gia học tập các bậc ĐH và sau ĐH. Đây cũng là con đường chính quyền thành phố giúp HSSV tài năng chạm vào ước mơ du học và góp phần cống hiến cho quê hương.

Cân nhắc đường về

Để du học ở nước ngoài, người học cần trải qua quá trình dài săn học bổng, đạt được các chứng chỉ cần thiết về ngoại ngữ và phải hoàn thành các kỳ thi chuẩn của trường yêu cầu như: GREE, SAT. Đặc biệt, gia đình phải bảo đảm được mọi chi phí trong mấy năm đi học. Thậm chí có người phải vay một số tiền lớn để đầu tư cho việc học ở nước ngoài. Dù du học theo hình thức nào đi nữa thì con đường ấy cũng không trải đầy hoa hồng, cho nên việc ở lại hay trở về là lựa chọn rất khó khăn cho tất cả mọi người.

Anh Ngô Hoàng Khả Trí, hiện là cán bộ giảng dạy Trường ĐH Ngoại ngữ (Đại học Đà Nẵng), từng theo học thạc sĩ tại Trường ĐH Huddersfield ở Anh năm 2016, chia sẻ: “Việc lựa chọn ở lại nước ngoài hay trở về quê hương đối với mỗi du học sinh thực ra phần lớn đã được mỗi người xác định từ lúc nộp hồ sơ đi học. Nhiều người bằng mọi giá đi du học chỉ với mục đích ở lại nước ngoài. Họ có nhiều lý do để ở lại, đơn giản là đã đầu tư quá nhiều tiền nên cố ở lại để kiếm tiền trả nợ, ở lại để được làm việc trong môi trường tốt, thu nhập cao hơn ở quê nhà. Mặt khác, đối với nhiều người, tốt nghiệp ĐH chỉ là khởi đầu của ước mơ chứ chưa phải là đích đến. Nhiều bạn trẻ năng động và thích xê dịch để chinh phục nhiều đỉnh cao nên không muốn về quê hương ngay sau khi ra trường. Hơn nữa, thế giới ngày nay bước vào thời đại công dân toàn cầu, làm việc ở đâu không quan trọng, quan trọng là cống hiến gì cho nhân loại”…

Với Ngô Hoàng Khả Trí, khi nộp hồ sơ học thạc sĩ ở Anh, anh đã xác định trở về theo đuổi con đường giảng dạy môn Tiếng Anh tại Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng). Anh cho biết, mấy năm gần đây, trường này đã có 10 cán bộ theo học tại Anh và đều trở về công tác ổn định. Trong khi đó, nhiều người muốn ở lại bằng được nên phải dùng tới “hạ sách” là kết hôn với người bản địa. Họ còn xin chuyển ngành liên tục để có thể kéo dài thời gian học… cho đến khi kiếm được đối tượng giúp họ có được “tấm thẻ xanh” để trở thành công dân nước ngoài.

Thực lòng mà nói, không phải ai muốn ở lại đều như ý. Trước hết, muốn ở lại nước ngoài làm việc phải có năng lực, làm đúng chuyên ngành đã học, nếu không, suốt đời cũng chỉ là dân “ngụ cư” kiếm sống bằng việc lao động chân tay, trái với chuyên môn, bị kỳ thị nơi đất khách quê người.

Anh Nguyễn Văn Thịnh, trú tổ 4B, phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, sau khi lấy tấm bằng thạc sĩ Kinh tế du lịch tại Trường ĐH Bologna ở Ý, từng có thời gian bươn chải kiếm sống ở nước ngoài đã rút kinh nghiệm khá đắng lòng: Không riêng gì Ý mà cả châu Âu đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng nhiều mặt, trong đó có thất nghiệp; không dễ kiếm được việc làm đúng chuyên môn, bằng cấp mà mình đã bỏ số tiền khổng lồ khi đi du học nước ngoài. Thôi thì đụng gì làm nấy. Trước mắt để kiếm cơm ngày ba bữa, sau đó mới kiên trì đi xin việc, nên chấp nhận đi bán ở cửa hàng áo quần, phục vụ quán bar, phụ dẫn tour cho mấy công ty lữ hành Việt Nam đưa khách du lịch. Đã có lúc bí bách, anh định đăng ký làm công việc tại một đảo nhỏ xa xôi dành cho cứu hộ, nuôi dưỡng chó mèo ở Hy Lạp - nơi chỉ có một bác sĩ và một nhân viên chăm sóc làm việc và hằng tuần có chuyến tàu duy nhất ra vào giữa đất liền và đảo.

Cứ như thế, được gần 1 năm, anh chợt nhận ra chẳng lẽ cứ ở nhà thuê, đi làm “thợ đụng” cả đời. Tiền kiếm được sau khi trả tiền nhà, tiền ăn (hết sức tiết kiệm) mỗi tháng cũng để dành được vài trăm đến 1.000 euro. So với ở Việt Nam, đây là số tiền không nhỏ đối với một thanh niên mới ra trường, nhưng ở nước ngoài thì chả bõ bèn bởi giá một căn hộ chung cư bình thường cũng lên đến hàng chục tỷ đồng Việt Nam. Rồi những lúc ốm đau nằm một mình trên căn áp mái của nhà trọ, anh thấy chạnh lòng và chỉ muốn bay về Đà Nẵng, kiếm một công việc phù hợp chuyên môn, sống an yên bên gia đình.

Về hay ở trong thế giới phẳng

“Có rất nhiều HSSV thành phố du học rồi không về lại quê hương nữa. Mà có về rồi vài năm cũng bỏ đi…”. Đó là lời cảm thán của một cán bộ lão thành bên ly cà-phê ở một quán cóc vỉa hè Lê Lợi khi mạn đàm chuyện về “kiện nhân tài” của thành phố hồi năm ngoái. Nhiều người đặt ra câu hỏi, tại sao thành phố không giữ được nhân tài khi có một số học viên thuộc Đề án 922 không trở về hoặc trở về phục vụ thành phố đủ thời hạn 7 năm lại xách gói ra đi? Đó là chưa kể một lượng khá lớn du học sinh đi bằng con đường tự túc. Họ đi đâu về đâu? Thật khó để có câu trả lời thỏa mãn nhất.

Sau Tết Nguyên đán, trong số khách làm thủ tục tại ga quốc tế sân bay Đà Nẵng có không ít sinh viên trở lại trường tiếp tục việc du học ở khắp nơi trên thế giới.                                              Ảnh: N.H
Sau Tết Nguyên đán, trong số khách làm thủ tục tại ga quốc tế sân bay Đà Nẵng có không ít sinh viên trở lại trường tiếp tục việc du học ở khắp nơi trên thế giới. Ảnh: N.H

Thay vì đi vào lý giải những thứ quá vĩ mô như: chính sách trọng dụng nhân tài, chảy máu “chất xám”, đề xuất điều chỉnh bộ máy hành chính để người tài thực sự muốn về đóng góp… thì hãy nghĩ đơn giản hơn rằng, du học đến một đất nước xa xôi cũng giống như việc HSSV Đà Nẵng đi học ở các trường ĐH trên cả nước. Liệu rằng có bao nhiêu người trong số đó trở về làng quê, phố phường của mình lập nghiệp? Hay họ đều chọn ở lại các thành phố lớn để tìm kiếm cơ hội phát triển. Đó là cơ hội làm việc trong môi trường tốt hơn, cơ hội học hành cho con cái tốt hơn, cơ hội được gặp gỡ, giao lưu, học tập rộng mở hơn…

Trở lại câu chuyện của chị Hồng Tâm, người có hai con gái đang học ở nước ngoài. Cô con gái lớn tốt nghiệp một trường ĐH ở Mỹ xong đã kết hôn và có “thẻ xanh” chuẩn bị định cư lâu dài. Cô con gái thứ hai đang học tại Úc lại muốn được học ở bậc cao hơn sau đó trở về Việt Nam lập nghiệp. Chị tâm sự, việc các con quyết định về hay ở không phải cha mẹ muốn là được mà còn tùy thuộc vào năng lực ứng xử của mỗi người đối với cuộc sống của mình. Sống và làm việc ở đâu miễn có ích và bản thân thấy hạnh phúc là được…

Trong một “thế giới phẳng” như hôm nay, khi mỗi người là một công dân của thế giới thì xin hãy rộng lượng hơn với những người muốn về hay ở. Ai rồi cũng rời xa tổ ấm của mình, chỉ khác nhau là sẽ đi được bao xa. Vì dù về hay ở, mỗi người đều có lý do để hành động. Nếu trở về thì điều đó quá tốt không có gì để bàn cãi. Nếu chọn ở lại, không hẳn đó là sự ích kỷ, mà là một lựa chọn về cách thức cống hiến mà thôi…

Cũng giống như ngày càng có nhiều người nước ngoài chọn Đà Nẵng làm nơi làm việc và sinh sống. Họ thấy hạnh phúc khi góp sức mình xây dựng thành phố ở các lĩnh vực khác nhau. Như bà Virginia Lockett, Giám đốc Tổ chức Steady Footsteps (Mỹ), đến Việt Nam từ năm 2005 và 5 năm sau chọn Đà Nẵng làm quê hương thứ hai khi đến làm chuyên gia phục hồi chức năng cho Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng.

Về hay ở đâu còn là chuyện quá quan trọng để hoang mang, đắn đo trách cứ…

Ghi chép của Như Hạnh

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
Học viên du học Hiast đậu Visa cao trung tâm du học hàn quốc Công ty Khoa Lê chuyên Dịch vụ chứng minh tài chính uy tín nhất Công ty du học RECCEDU HCM
.
.
.