Xu hướng 'thực học - thực nghiệp'

.

Không dừng lại ở việc bảo đảm “học đi đôi với hành”, thời gian gần đây, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (CSGDNN) - đặc biệt là nhóm các trường cao đẳng nghề - đang đẩy mạnh thực hiện phương châm “thực học - thực nghiệp” (THTN). Đây được xem là một mũi tên trúng 3 đích: đầu ra tốt cho các CSGDNN, người học và đơn vị tiếp nhận lao động có chất lượng hơn.

Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng tham gia Ngày hội việc làm 2018.
Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng tham gia Ngày hội việc làm 2018.

Là một trong những CSGDNN thực hiện và theo đuổi phương châm THTN, mới đây, tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh do Sở LĐ-TB&XH tổ chức, Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng “tranh thủ” tuyên dương 20 cựu sinh viên của trường thành công trong việc lập nghiệp.

Chia sẻ ngay tại đây, chị Phan Tình Nhi, hiện là Giám đốc điều hành khách sạn Valencia Đà Nẵng, cựu sinh viên Khoa Du lịch lớp II DL6B cho biết: “Những gì tôi có được ngày hôm nay là nhờ được học ở ngôi trường chú trọng đến việc THTN.

Sự tư vấn, giúp đỡ của các thầy, cô đã giúp tôi nỗ lực hết sức để đặt những viên đá đầu tiên cho ngày ra trường lập nghiệp, ngay từ những ngày thực tập tại khách sạn”.

Cùng chung suy nghĩ, anh Nguyễn Duy Doãn, hiện là Phó Giám đốc Công ty CP Kỹ thuật ô-tô Đà Nẵng, cựu sinh viên Khoa Cơ khí, lớp II CK 6B đúc kết ngắn gọn: “Việc nhà trường chú trọng THTN đã giúp những sinh viên như chúng tôi sau khi ra trường có nhiều cơ hội lập nghiệp hơn”.

Cũng với phương châm chú trọng thực hành và liên kết các doanh nghiệp tuyển dụng mà từ nhiều năm nay, Trường Cao đẳng nghề Việt - Úc luôn có tỷ lệ sinh viên có việc làm thuộc nhóm cao nhất của thành phố. Cơ cấu chương trình đào tạo của trường là 80% thực hành, 20% học lý thuyết; trong đó, phần thực hành, 70% tại doanh nghiêp, 30% tại trường. Phương pháp học này không chỉ nâng cao chất lượng đào tạo mà quan trọng hơn, sinh viên hòa nhập nhanh với công việc sau khi ra trường.

Đặc biệt, nhà trường xây dựng mối quan hệ tốt cho sinh viên Khoa Du lịch thực tập tại những khách sạn, khu nghỉ mát nổi tiếng ở Đà Nẵng và Hội An, như: Palm Golden, Vitoria, River And Beach... Vì vậy, khá nhiều sinh viên của trường làm việc ở những nơi này sau khi tốt nghiệp và đảm nhận nhiều vị trí từ trưởng bộ phận đến trưởng các phòng chuyên môn.

Chia sẻ về xu hướng THTN, ông Nguyễn Vịnh, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Thương mại cho rằng, đây là điều tất yếu để bảo đảm việc dạy và học có kết quả tốt và trên hết là sinh viên ra trường có việc làm ổn định. Từ nhiều năm qua, trường đã mạnh dạn đổi mới theo cách cho giảng viên “đi học thêm” tại các doanh nghiệp để việc dạy và học sẽ sát thực tế hơn. Qua đó, cơ hội tìm việc hay lập nghiệp của sinh viên thuận lợi hơn. Trong khi đó, Trường Trung cấp chuyên nghiệp Ý - Việt lại chú trọng gắn kết thực tiễn.

Thời gian qua, bên cạnh đầu tư mạnh mẽ cho các phòng thực hành, thực nghiệm, nhà trường tăng cường gắn kết với các doanh nghiệp. Theo một đại diện của trường, gắn kết ở đây không chỉ dừng lại ở việc đưa học sinh đi thực tập mà còn để các cơ sở này tiếp nhận các em sau khi tốt nghiệp. Để làm việc này, nhà trường căn cứ bản nhận xét của doanh nghiệp về thời gian học sinh thực tập để điều chỉnh, hướng dẫn các em.

Thống kê của Sở LĐ-TB&XH cho biết, năm 2018, tỷ lệ học sinh các trường nghề có việc làm đạt 70%; riêng nhóm ngành dịch vụ du lịch, công nghệ thông tin, cơ khí, công nghệ ô-tô thì tỷ lệ có việc làm luôn ở mức từ 90-100%. Đây là tín hiệu vui cho công tác giáo dục nghề nghiệp cũng như giải quyết việc làm ở thành phố.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, đó chỉ là kết quả bước đầu, thời gian đến còn rất nhiều việc cần làm. Bên cạnh việc tuyên truyền, hướng nghiệp, bảo đảm phân luồng tốt để người học đúng theo năng lực của mình, các trường nghề cần tiếp tục đẩy mạnh quan hệ với doanh nghiệp. “Chỉ khi có sự gắn kết chặt chẽ từ khâu xây dựng giáo trình, giáo án, thời gian thực tập đến khâu tiếp nhận ra trường thì lúc đó cơ hội thành công mới thực sự ổn định và bền vững”, ông An nhận định.

Bài và ảnh: Thanh Vân

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.