Sự kiện mang dấu ấn mới trong “chuyển động 4.0” của Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) là ký kết Thỏa thuận hợp tác toàn diện với Tập đoàn Viettel cùng phát triển các sản phẩm, dịch vụ IoT (vạn vật kết nối-Internet of Things).
Xe đạp “chia sẻ thông minh” phục vụ du lịch có thể dễ dàng, thuận tiện cho người sử dụng. |
Theo đó, ĐHĐN và tập đoàn Viettel giao Trung tâm Phát triển phần mềm (ĐHĐN) (SDC) và Tổng Công ty Giải pháp doanh nghiệp-Tập đoàn Viettel trực tiếp phối hợp triển khai. Thời gian đến, hai bên sẽ hợp tác nghiên cứu và chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao, tiên tiến nhất dựa trên các nền tảng của cách mạng 4.0 như: IoT, Trí tuệ nhân tạo (AI) và Dữ liệu lớn (Big Data) nhằm hướng đến xây dựng thành phố “thông minh”.
Theo PGS, TS Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc ĐHĐN, ĐHĐN có đủ tiềm lực và sẵn sàng quyết tâm tiên phong theo chiến lược xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố “thông minh” và là trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp”. Đây chính là bước đột phá của ĐHĐN để đồng hành cùng thành phố thực hiện được mục tiêu như Nghị quyết số 43-NQ/TW, đó là: “Đến năm 2030, Đà Nẵng hoàn thành xây dựng đô thị thông minh kết nối đồng bộ với mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN...
Với “Chiến lược phát triển khoa học công nghệ của ĐHĐN đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035” sẽ đặc biệt chú trọng phát triển đội ngũ cán bộ khoa học, các nhóm nghiên cứu mạnh (TRT) để hình thành những đơn vị nòng cốt nghiên cứu, ứng dụng đủ sức giải quyết các vấn đề khoa học và thực tiễn nhất là trong các lĩnh vực mũi nhọn, công nghệ cao mà thành phố đang có nhu cầu như: Công nghệ thông tin, điện tử-viễn thông, khoa học dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, công nghệ sinh học, vật liệu mới...
Sự hình thành, định vị và phát triển các đơn vị này tại ĐHĐN trong thời gian qua như: Viện Công nghệ Quốc tế-ĐHĐN (viết tắt là DNIIT, hợp tác với Đại học Nice Sophia Antipolis, Cộng hòa Pháp), Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt-Anh ĐHĐN (viết tắt là VNUK, hợp tác với các trường đại học và đối tác Vương quốc Anh), Trung tâm Phát triển phần mềm-ĐHĐN (viết tắt là SDC, hợp tác với Microsoft và các đối tác trong các lĩnh vực công nghệ số) hay “Không gian sáng chế ĐHĐN” (Maker Space Innovation UD, hợp tác với Đại học Bang Arizona, Hoa Kỳ)... đã gia tăng tiềm lực để ĐHĐN không ngừng nỗ lực hướng tới đại học đổi mới sáng tạo, phục vụ cộng đồng.
TS Trịnh Công Duy, Phó Giám đốc phụ trách SDC chia sẻ, một trong những thách thức lớn nhất mà cộng đồng IT (start-up, các nhà sản xuất, nhóm nghiên cứu) thường gặp trong các giải pháp cho thành phố “thông minh” đó là thiếu khả năng truyền dữ liệu diện rộng (trong phạm vi một đô thị hay thành phố) để điều khiển, nhận diện, lưu trữ và xử lý Big Data bằng AI”.
“Để giải quyết khó khăn này, SDC đã thiết kế và sẵn sàng chia sẻ cho cộng đồng nghiên cứu, ứng dụng 4.0 một nền tảng mã nguồn mở (gọi là UD OpenLora) từ đó có thể tiếp cận, sáng tạo thêm nhiều giải pháp công nghệ làm phong phú, đa dạng hệ sinh thái để phát triển thành phố thông minh”, TS Trịnh Công Duy cho biết.
Dựa trên nền tảng đó, hai năm qua, SDC đã nghiên cứu và chuyển giao được một số sản phẩm công nghệ ứng dụng hiệu quả trên lộ trình xây dựng thành phố “thông minh” cho Đà Nẵng. Một trong số đó là công nghệ kiểm soát tiêu thụ điện năng tại các khu đô thị, resort... hiện đã và đang được triển khai giai đoạn 1 tại dự án Cocobay. Dựa trên nền tảng mạng không dây LoRa, công nghệ này hỗ trợ đơn vị quản lý giám sát toàn bộ việc tiêu thụ điện năng trong toàn hệ thống; qua đó giúp kiểm soát và tiết kiệm điện tối ưu.
Một dự án khác đang được Sở Giao thông vận tải “đặt hàng” nghiên cứu và ứng dụng thí điểm phục vụ du lịch tại địa bàn Đà Nẵng, Huế và tiếp đến sẽ mở rộng ra Quảng Nam, Quảng Ngãi... đó là hệ thống xe đạp “chia sẻ thông minh”. Người dùng (sau khi tải ứng dụng về điện thoại) có thể dễ dàng dùng quét mã QR code để mở khóa xe đạp khi có nhu cầu sử dụng.
Cước phí thanh toán hoàn toàn thuận tiện kiểm soát tương ứng với thời gian sử dụng (tính theo giờ, ngày hoặc tháng). SDC cũng đang hợp tác với Công ty cổ phần VNG triển khai hệ thống camera “thông minh” có khả năng thu thập, xử lý dữ liệu tập trung về một đầu mối, từ đó dễ dàng trích xuất thông tin khi cần thiết; hợp tác với IOTLink thực hiện bản đồ 4D thiết kế nhiều lớp dữ liệu cho phép sẵn sàng kết nối để hướng tới một thành phố “thông minh” trực tuyến...
Thành công bước đầu nhưng quan trọng nhờ gắn nghiên cứu khoa học với thực tiễn cuộc sống cho thấy các nhà quản lý và cán bộ khoa học của ĐHĐN đã sẵn sàng thể hiện vai trò, sứ mệnh tiên phong trong nghiên cứu, ứng dụng, truyền cảm hứng để kết nối cộng đồng 4.0 vượt qua thách thức trên hành trình xây dựng thành phố “thông minh” tại Đà Nẵng.
Bài và ảnh: NGỌC HÀ