Thành ủy vừa ban hành Chương trình số 45-CTr/TU thực hiện chuyên đề “Xây dựng và triển khai chương trình đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố, tập trung vào các lĩnh vực mũi nhọn của thành phố” để triển khai Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Các nhiệm vụ, giải pháp chính gồm: Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của thành phố. Các cấp ủy Đảng, chính quyền coi việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và lâu dài, cần có sự quan tâm đầu tư thích hợp; chỉ đạo tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò của nguồn nhân lực chất lượng cao, về trách nhiệm tham gia thực hiện của cả hệ thống chính trị và các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố, nhất là phát triển nguồn nhân lực cho các ngành kinh tế mũi nhọn, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội.
Đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách phân luồng trong giáo dục-đào tạo bảo đảm đến năm 2030 ít nhất trên 30% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở đi học nghề. Phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo phù hợp với nhu cầu xã hội. Chú trọng xây dựng, triển khai sắp xếp mạng lưới đào tạo nguồn nhân lực, cả hai hệ thống đào tạo đại học và đào tạo nghề nghiệp trên địa bàn thành phố đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội thành phố.
Rà soát quy hoạch quỹ đất để bố trí đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên cơ sở định hướng phát triển các trường của các bộ, ngành Trung ương, quy hoạch kinh tế-xã hội và quy hoạch chung của thành phố.
Đầu tư xây dựng Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng trở thành trường chất lượng cao, đào tạo ít nhất 6 nghề trọng điểm chuẩn quốc tế, khu vực ASEAN, quốc gia và các ngành, nghề kinh tế mũi nhọn của thành phố; đầu tư Trường Cao đẳng Văn hóa-Nghệ thuật thành trường chất lượng cao đa ngành nghề dịch vụ.
Đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Phối hợp với Đại học Đà Nẵng đẩy nhanh tiến độ, thủ tục đầu tư, xây dựng khu đô thị Đại học Đà Nẵng theo quy hoạch đã được phê duyệt; xúc tiến việc thành lập Trường Đại học Quốc tế thuộc Đại học Đà Nẵng và đề xuất thành lập Đại học Quốc gia Đà Nẵng trên cơ sở sắp xếp lại, đầu tư nâng cấp Đại học Đà Nẵng, các trường đại học trên địa bàn thành phố và địa phương lân cận.
Nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cường đầu tư phát triển cơ sở vật chất, đẩy mạnh liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia các khâu trong quy trình đào tạo, nhất là liên kết sử dụng cơ sở vật chất tiên tiến của doanh nghiệp tham gia đào tạo và đặt hàng đào tạo.
Xây dựng đội ngũ giáo viên đạt chuẩn về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, sư phạm, ngoại ngữ và tin học; có năng lực về chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp; đặc biệt, ưu tiên đào tạo ở các nước tiên tiến đối với giáo viên dạy các trình độ chất lượng cao cấp khu vực ASEAN và quốc tế. Có chính sách đãi ngộ, khuyến khích đội ngũ nhà giáo để bảo đảm thu hút và phát huy tiềm năng của các nhà giáo trong đào tạo nghề nghiệp.
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tăng cường liên kết đào tạo, đặc biệt là liên kết đào tạo với các trường có chất lượng ở nước ngoài, các tập đoàn vừa đào tạo, vừa thực hành ở nước ngoài. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước, kết nối cung - cầu lao động.
Tập trung thống kê, dự báo thông tin thị trường lao động, nhất là các ngành kinh tế mũi nhọn. Xây dựng Đề án đào tạo cung ứng nhân lực ưu tiên trong các lĩnh vực mũi nhọn, tại địa chỉ có nhu cầu, như: Khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, các dự án đầu tư trọng điểm... Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao khu vực công thành phố.
Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao khu vực công thành phố. Lựa chọn, điều chỉnh lĩnh vực, ngành nghề, đối tượng cần thu hút, xác định nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho thành phố đến năm 2030, có tính định hướng đến năm 2045.
Có cơ chế, chính sách đẩy mạnh thu hút các chuyên gia, đặc biệt là chuyên gia đầu ngành, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước để tham gia các dự án hoặc nhiệm vụ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của thành phố. Quan tâm xây dựng cơ sở dữ liệu về người tài, chuyên gia đầu ngành; đồng thời, xây dựng cơ chế đãi ngộ thích hợp để thu hút người tài...
V.D