Hằng năm, cứ vào những dịp kỷ niệm sự kiện trọng đại của đất nước, cựu chiến binh quận Cẩm Lệ lại kể về những câu chuyện xúc động, những chiến công oanh liệt trong kháng chiến nhằm bồi dưỡng nhận thức về truyền thống và niềm tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ.
Cựu chiến binh Dương Minh Chí (thứ 2, phải sang) kể lại trận đánh thiêu hủy kho xăng địch trên đèo Hải Vân năm 1965. (Ảnh chụp năm 2019). Ảnh: LÊ VĂN THƠM |
Bao kỳ tích oai hùng trên vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng thời kháng chiến được các cựu chiến binh (CCB) kể lại như tiếp lửa truyền thống, bồi dưỡng cho thế hệ trẻ về tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Ngày kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ 7-5 hằng năm, CCB Dương Minh Chí (phường Hòa Xuân) sẽ dẫn dắt tuổi trẻ Cẩm Lệ nhớ về trận đánh thiêu hủy kho xăng địch trên đèo Hải Vân của các chiến sĩ đặc công ngay từ khi giặc Mỹ mới đổ quân vào Đà Nẵng năm 1965.
Các bạn trẻ hết sức cảm phục những cảm tử quân sẵn sàng hy sinh khi ôm bộc phá xông vào phá hủy các kho xăng của địch; xúc động nghe nhân chứng lịch sử nói về chiến sĩ tự nguyện bò trở vào bên trong mục tiêu, cõng người đồng đội bị thương nặng thoát ra ngoài dưới tầm hỏa lực của quân thù... Ngọn lửa trên đèo Hải Vân năm xưa cũng như tình đồng đội thời kháng chiến qua lời kể của người CCB giúp lớp trẻ thấu hiểu sâu sắc giá trị của nền độc lập tự do và cuộc sống thanh bình, no ấm hôm nay.
Trong khi đó, chuyện kể về những trận đánh phối hợp với Chiến dịch Điện Biên Phủ trên quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng của CCB Lê Đình Sanh (phường Hòa Thọ Đông) làm cho thanh niên Cẩm Lệ thêm hiểu tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng Điện Biên Phủ” và càng tự hào về chiến công lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu của dân tộc ta năm 1954…
Phó Chủ tịch Hội CCB quận Cẩm Lệ Phạm Thành Đồng và đội ngũ báo cáo viên CCB đã nhiều lần nói chuyện truyền thống tại các đơn vị, cơ quan, trường học trên địa bàn quận. Với sự am hiểu sâu rộng, cách kể sinh động, nội dung tuyên truyền của các CCB đi vào lòng lớp trẻ một cách tự nhiên, dễ hiểu, dễ nhớ.
Mới đây, các CCB ở phường Hòa Xuân và Trung đoàn Ba Gia kể lại trận tấn công, truy kích địch từ Quá Giáng đến Tùng Lâm trong hai ngày 7 và 8-2-1968, thu hút đông đảo các tầng lớp thanh niên tham gia. Các nhân chứng lịch sử nhấn mạnh lòng biết ơn nhân dân địa phương đã tận tình tiếp tế cho bộ đội, kịp thời khiêng cáng thương binh, tử sĩ dưới làn bom đạn quân thù.
Qua chuyện kể của các CCB, tuổi trẻ Cẩm Lệ càng thêm tự hào về truyền thống quê hương và tự cảm nhận trách nhiệm phấn đấu vươn lên tiếp bước cha anh. Đoàn viên Nguyễn Song Toàn (phường Hòa Thọ Tây) hồ hởi chia sẻ: “Ngày ngày, chúng tôi nhìn thấy núi Phước Tường, nhưng khi được giao lưu với các bác CCB, tôi mới biết trên đỉnh núi này từng diễn ra trận đánh của các cảm tử quân phá hủy 6 giàn tên lửa của giặc Mỹ vào năm 1967 và em càng thấy tự hào về quê hương mình”. Còn chị Nguyễn Thị Bích Ngân (phường Hòa Phát) xúc động nói: “Các nhân chứng lịch sử đã giúp chúng tôi thấu hiểu sâu sắc biết bao máu xương đổ xuống mới dệt nên màu cờ Tổ quốc. Vì vậy, chúng tôi phải ra sức phấn đấu tiếp bước cha anh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…”.
Thời gian qua, Hội CCB quận Cẩm Lệ phối hợp với Quận Đoàn tổ chức các hoạt động tìm hiểu về biển, đảo Việt Nam, vận động hội viên, đoàn viên tích cực ủng hộ Quỹ “Vì Trường Sa thân yêu”, tặng quà cán bộ, chiến sĩ và con bộ đội hải quân nhằm nâng cao ý thức bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc cho thanh, thiếu niên. Đặc biệt, CCB quận Cẩm Lệ còn giáo dục phẩm chất và ý thức chính trị cho lớp trẻ bằng các hoạt động xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị, bảo đảm an toàn giao thông, giữ gìn vệ sinh môi trường.
Hình ảnh các CCB thường xuyên tham gia điều tiết giao thông tại các giao lộ trên địa bàn quận làm cho nhiều bạn trẻ xúc động và học hỏi được nhiều điều quý giá từ thế hệ cha anh. “Hoạt động của CCB làm cho lớp trẻ chúng tôi thêm tự hào về truyền thống đấu tranh kiên cường của dân tộc và nguyện ra sức phấn đấu tiếp bước cha anh, góp phần xây dựng quê hương, đất nước”, Bí thư Quận Đoàn Cẩm Lệ Nguyễn Thị Vinh chia sẻ.
LÊ VĂN THƠM