Giải bài toán nhân lực nghề cho thành phố

.

Cân bằng giữa đào tạo đại học với đào tạo nghề, đào tạo phù hợp với nhu cầu tuyển dụng... là những vấn đề không mới, song vẫn là điểm mấu chốt, căn cơ để giải bài toán nâng cao chất lượng, hiệu quả nguồn nhân lực nói chung.

Trình diễn nghề Bartender tại ngày hội tư vấn, định hướng giáo dục nghề nghiệp cho thanh niên do Thành Đoàn Đà Nẵng phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức đầu tháng 7-2020. 						      Ảnh: T.V
Trình diễn nghề Bartender tại ngày hội tư vấn, định hướng giáo dục nghề nghiệp cho thanh niên do Thành Đoàn Đà Nẵng phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức đầu tháng 7-2020. Ảnh: T.V

Vì sao trường nghề tuyển sinh khó?

Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) thành phố, đến giữa tháng 11-2020, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tuyển sinh 25.942 chỉ tiêu, đạt 47,60% kế hoạch. Trong số này, tuyển sinh ở bậc cao đẳng có 6.930 chỉ tiêu, trung cấp 1.962 chỉ tiêu, còn lại trên 17.000 chỉ tiêu thuộc hệ đào tạo ngắn ngày dưới 3 tháng.

Giải thích về thực trạng trên, bà Lê Thị Khánh Chi, Hiệu phó Trường Trung cấp Ý - Việt cho biết, đây là tình trạng khá phổ biến của công tác tuyển sinh nghề trong những năm gần đây và đang có xu hướng ngày một khó tuyển sinh hơn. Kế hoạch tuyển sinh năm 2020-2021 của Trường Trung cấp Ý - Việt là 500 chỉ tiêu, tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay đã kết thúc mùa tuyển sinh, trường chưa đạt con số 350 chỉ tiêu. Đây là khó khăn chung của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn. Ngoài những lý do khách quan như thiên tai, dịch bệnh kéo dài trong năm 2020, theo bà Lê Thị Khánh Chi, nguyên nhân chính vẫn nằm ở tâm lý thích học đại học hơn học nghề của phụ huynh và học sinh.

Chia sẻ khó khăn với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH thành phố Nguyễn Văn An, cần nhìn nhận một thực tế rằng, lý do dẫn đến thực trạng tuyển sinh khó khăn trên có xuất phát từ sự thụ động trong công tác tư vấn, hướng nghiệp và tuyển sinh của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trong khi các trường đại học triển khai quyết liệt công tác tư vấn, tuyển sinh thì các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn tâm lý chờ thí sinh đến với mình, chưa thực hiện tốt các ngày hội tư vấn tuyển sinh, định hướng phân luồng thí sinh tại các cụm quận, huyện; việc kết nối cung cầu giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp chưa thông suốt. Nghịch lý này dẫn đến thực tế các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh luôn gặp khó khăn cho công tác tuyển dụng lao động.

Những năm gần đây, Sở LĐ-TB&XH phối hợp các trường nghề, địa phương tổ chức 2-3 ngày hội việc làm/năm, quy tụ 100-200 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng 8.000 đến 10.000 vị trí việc làm. Ngoài ra, một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức ngày hội tư vấn tuyển sinh, tuyển dụng. Thế nhưng, một kịch bản khá giống nhau là các ngày hội việc làm này thường chỉ tuyển dụng được 30-45% chỉ tiêu so với nhu cầu. Thậm chí, ngay sau khi thành phố kết thúc đợt giãn cách xã hội để ngăn ngừa Covid-19, các doanh nghiệp trên địa bàn đã đồng loạt thông báo tuyển dụng lao động để bảo đảm nguồn hàng cung cấp cho đối tác dịp cuối năm và đầu năm 2021 nhưng kết quả hầu hết doanh nghiệp đều không thể tuyển dụng đủ chỉ tiêu.

Trong khi đó, theo tổng hợp từ Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng, trong năm 2019, thành phố vẫn còn 22.000 vị trí việc làm chưa tuyển dụng được, trong đó chủ yếu là yêu cầu lao động phổ thông hoặc trình độ trung, sơ cấp nghề. Tuyển dụng lao động có tay nghề đại học rất ít.

Giờ thực hành làm bánh tại Công ty CP Hướng nghiệp Á-Âu - Chi nhánh Đà Nẵng. Ảnh: T.V
Giờ thực hành làm bánh tại Công ty CP Hướng nghiệp Á-Âu - Chi nhánh Đà Nẵng. Ảnh: T.V

Dự báo nhu cầu nguồn nhân lực

Ngày 23-10, UBND thành phố ban hành Quyết định 4018/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Dự báo nhu cầu nguồn nhân lực và thông tin thị trường” trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Mục tiêu của đề án là xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin thị trường lao động trên địa bàn thành phố, kết nối với hệ thống dữ liệu, thông tin dự báo nhu cầu nhân lực quốc gia; thông qua đó dự báo nguồn nhân lực, cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý Nhà nước, đơn vị, cá nhân có nhu cầu. Đây được xem là hướng đi tích cực giải quyết vấn đề “mất liên lạc” giữa đào tạo và tuyển dụng lâu nay trên thị trường lao động. Qua đó, người dân có cơ sở để đánh giá lại năng lực bản thân, điều kiện gia đình và nhu cầu xã hội, từ đó quyết định chọn học ngành nghề phù hợp với năng lực và đặc biệt là có cơ hội việc làm cao sau khi đào tạo.

Trao đổi về định hướng trong thời gian đến nhằm đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của xã hội, ông Hồ Viết Hà, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng cho biết, trong công tác tuyển sinh năm 2020, nhà trường vẫn đạt 118% so với kế hoạch, tuy nhiên tuyển sinh cho lĩnh vực dịch vụ du lịch chỉ đạt 80%. Điều này cho thấy sự điều chỉnh kế hoạch đào tạo trong trung hạn và dài hạn của nhà trường đã đi đúng hướng. Theo đó, tránh tập trung quá nhiều vào lĩnh vực đào tạo dịch vụ du lịch mà mở rộng ra lĩnh vực công nghệ, tự động hóa... Cụ thể, trong thời gian đến, nhà trường sẽ tích cực chuẩn bị mọi mặt về giáo trình, giáo án, đội ngũ giáo viên, đầu tư trang thiết bị dạy và học để sớm triển khai đào tạo nhóm 7 ngành, nghề đạt chuẩn quốc tế và chuẩn ASEAN như công nghệ ô-tô, tự động hóa, điện công nghiệp, hàn,...

Trong năm học 2020-2021 và những năm kế tiếp, trường tiếp tục thực hiện công thức “3 cùng” với doanh nghiệp (cùng tuyển sinh, cùng tuyển dụng và cùng xây dựng giáo trình); nỗ lực đưa con số 100 doanh nghiệp đã ký kết với nhà trường về chương trình hợp tác toàn diện lên 150 hoặc cao hơn nữa.

Trường Cao đẳng Giao thông vận tải Trung ương 5 cũng quan tâm đến thông tin thành phố vừa ban hành đề án “Dự báo nhu cầu nguồn nhân lực và thông tin thị trường”, bởi đây là cơ sở để trường xây dựng kế hoạch đào tạo sát với thực tế hơn. Hiện nhà trường đào tạo 57 ngành nghề khác nhau như: Công nghệ kỹ thuật giao thông, xây dựng cầu - đường, thiết kế đồ họa, bảo trì ô-tô, nghiệp vụ văn thư, nghiệp vụ bán hàng... Tuy nhiên, việc lập kế hoạch tuyển sinh chủ yếu dừng ở tính chất định tính chứ chưa mang tính định lượng, chưa có căn cứ rõ ràng, khoa học. Trong thời gian đến, với thông tin cung cấp từ đề án “Dự báo nhu cầu nguồn nhân lực”, nhà trường sẽ thuận lợi hơn trong việc xây dựng chỉ tiêu tuyển sinh cho riêng mình.

Để giải bài toán nan giải “thừa thầy, thiếu thợ” và xa hơn là đáp ứng được nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho thành phố trong thời gian đến, theo Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH thành phố Nguyễn Văn An, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần tiếp tục đổi mới chương trình đào tạo, đáp ứng nhu cầu nhà tuyển dụng. Bên cạnh đó cần chủ động, tích cực hơn nữa trong công tác tư vấn, tuyển sinh nghề hằng năm để phụ huynh và học sinh có thông tin khi quyết định chọn lựa học nghề hay đại học.

 THANH VÂN

;
;
.
.
.
.
.