Siết chặt an toàn trước cổng trường học

.

Sự việc hơn 30 học sinh Trường Tiểu học số 1 Hòa Khương (huyện Hòa Vang) bị ngộ độc sau khi chơi slime (một loại đồ chơi dạng đất nặn dẻo) đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ tiềm ẩn từ đồ chơi không rõ nguồn gốc. Đồng thời đặt ra yêu cầu với ngành chức năng về việc tăng cường quản lý an toàn thực phẩm trong trường học. 

Các ngành chức năng huyện Hòa Vang kiểm tra hàng quán bán trước cổng trường học trên địa bàn huyện. 						  	         Ảnh: NGỌC HÀ
Các ngành chức năng huyện Hòa Vang kiểm tra hàng quán bán trước cổng trường học trên địa bàn huyện. Ảnh: NGỌC HÀ

Nguy cơ tiềm ẩn

Ngày 16-4, 35 học sinh Trường Tiểu học số 1 Hòa Khương (huyện Hòa Vang) bị ngộ độc sau khi chơi slime, phải nhập viện. Theo lời kể của em T.N.N (lớp 4/1), có một bạn mua các gói slime ở hàng tạp hóa trước cổng trường. Các gói này có hình dáng giống miếng hạ sốt. Để tự chế thêm slime có màu sắc, bạn đó ngâm với nước bẩn, có pha thêm muối. Đợi chất này nở ra thì cho dung dịch rơ miệng trộn với phẩm màu rồi đem lên lớp bán. “Khi mở hộp thì mùi hôi khó chịu bay ra cả lớp. Một số bạn bắt đầu bị đau đầu, buồn nôn, ói mửa và khó thở”, N. kể lại sự việc.

Theo TS. Trần Đức Mạnh, Trưởng khoa Hóa học, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng, những năm gần đây, slime trở thành đồ chơi phổ biến thay thế đất nặn trước đây bởi có đặc tính mềm, dẻo, dai, dễ dàng biến đổi hình dạng khi kéo, nhào nặn... Slime được làm từ hóa chất và phụ gia. Sản phẩm do các nhà máy sản xuất uy tín làm có thành phần cố định, nguyên liệu đầu vào được kiểm soát nên không độc hại. Tuy nhiên, những slime được bày bán hiện nay trước cổng trường, quầy tạp hóa đều không rõ xuất xứ, thành phần hóa chất và phụ gia kèm theo như chất tạo mùi, tạo màu, tạo độ dẻo... nên có khả năng gây độc.

Thời gian gần đây, nhiều em thường tự chế tạo slime bằng cách dùng kem đánh răng, bột giặt, dầu gội đầu, bột borax (hàn the) và màu công nghiệp... Việc này không bảo đảm về công thức, tỷ lệ pha chế, nguồn gốc nguyên liệu... nên thành phẩm có thể rất nguy hiểm. Phẩm màu công nghiệp chứa các kim loại nặng dễ gây tổn thương gan, thận; hàn the và các hóa chất tạo ẩm, tạo màu, tạo mùi khi vào đường tiêu hóa gây buồn nôn, nôn mửa, nhức đầu... Các em tiếp xúc bằng đường miệng và hít thở trực tiếp bị nặng hơn những em tiếp xúc trực tiếp bằng tay. “Tôi có lời khuyên chung cho các bậc phụ huynh là khi mua bất kỳ đồ chơi nào cho con cái, cần xem rõ nguồn gốc, thành phần, cách sử dụng của sản phẩm. Với đồ chơi slime, dù là hàng rõ nguồn gốc cũng không nên cho trẻ chơi nhiều và không đưa vào miệng”, TS. Trần Đức Mạnh khuyến cáo.

Siết chặt quản lý

Những ngày gần đây, tại các cổng trường học trên địa bàn thành phố, lực lượng quản lý thị trường tiến hành kiểm tra các kho hàng; nguồn gốc xuất xứ, hóa đơn chứng từ và các quy định pháp lý khác của các mặt hàng đang được bày bán. Đặc biệt là các sản phẩm thường được bán cho học sinh trước cổng trường như đồ chơi, bánh kẹo, đồ dùng học sinh... Trong đó, địa bàn Hòa Vang ra quân quyết liệt.

Ông Nguyễn Thúc Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết, đơn vị đã chỉ đạo Đội Quản lý thị trường số 6 liên quân huyện Hòa Vang - quận Cẩm Lệ chủ trì, phối hợp Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện, UBND 11 xã khẩn trương kiểm tra tất cả các căng-tin trường học, các điểm bán hàng rong, cửa hàng tạp hóa đang kinh doanh, buôn bán tại khu vực các trường học trên địa bàn huyện; xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm về kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm an toàn thực phẩm. “Chúng tôi yêu cầu chủ tịch UBND 11 xã chỉ đạo các lực lượng tổ chức kiểm tra, xử lý dứt điểm tình trạng buôn bán hàng rong trước cổng trường học, chịu trách nhiệm trước UBND huyện nếu để tái diễn vấn đề này; báo cáo kết quả về UBND huyện trong ngày 25-4”, ông Dũng thông tin.

Trong khi đó, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố yêu cầu thủ trưởng các đơn vị, trường học tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến cáo phụ huynh khi lựa chọn đồ chơi cho con trẻ. Nên mua ở các địa chỉ có uy tín, hàng hóa phải có tem nhãn rõ ràng, có công bố hợp chuẩn, hợp quy, không nên mua các loại đồ chơi trôi nổi, không được kiểm soát trên thị trường; hạn chế học sinh tiểu học mang tiền đến trường; giáo dục con em sự nguy hiểm về mất an toàn vệ sinh thực phẩm trước cổng trường.

Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về kiến thức, nâng cao trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm, biện pháp phòng, chống ngộ độc thực phẩm cho nhân viên chế biến, các cơ sở kinh doanh cung ứng thực phẩm tại bếp ăn tập thể, căng tin của trường học.

NGỌC HÀ

;
;
.
.
.
.
.