Năm học 2021-2022 là năm đầu tiên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 6, trong đó có 2 môn học mới là Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lý. Nhiều trường xác định đây là thách thức không nhỏ trong bố trí đội ngũ giảng dạy.
Giáo viên Trường THCS Chu Văn An (quận Thanh Khê) trong một giờ lên lớp. (Ảnh chụp khi chưa có dịch Covid-19). Ảnh: NGỌC PHÚ |
Gặp khó khi tích hợp 5 môn truyền thống
Chương trình giáo dục phổ thông mới lớp 6 có 2 môn tích hợp lần đầu tiên xuất hiện là Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý thay thế 5 môn truyền thống gồm: Sử, Địa, Lý, Sinh và Hóa. Theo Công văn 2613/BGDĐT-GDTrH ngày 23-6-2021 về việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục trung học cho năm học 2021-2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), chương trình môn Lịch sử và Địa lý bao gồm phân môn Lịch sử và phân môn Địa lý. Mỗi phân môn được thiết kế theo mạch nội dung riêng, trong đó nhiều nội dung dạy học liên quan được bố trí gần nhau để hỗ trợ nhau; nội dung lịch sử tích hợp trong những phần phù hợp của nội dung địa lý và ngược lại.
Với môn Khoa học tự nhiên (gồm Lý, Hóa, Sinh), chương trình bao gồm các chủ đề: chất và sự biến đổi của chất, vật sống, năng lượng và sự biến đổi, trái đất và bầu trời. Các chủ đề được sắp xếp theo logic tuyến tính, kết hợp ở mức độ nhất định với cấu trúc đồng tâm; một số chủ đề liên môn, tích hợp...
Theo thầy Nguyễn Đức Tú Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Tây Sơn (quận Hải Châu), giáo viên dạy trong các trường THCS chủ yếu được đào tạo đơn môn nên việc phân bố giáo viên giảng dạy môn tích hợp sẽ gặp khó khăn ở chỗ, một người không thể dạy tất cả các chủ đề trong môn tích hợp. Ví dụ, với môn khoa học tự nhiên, nhà trường phải phân công 3 giáo viên dạy bộ môn này. Giáo viên lần lượt dạy theo chủ đề phù hợp với chuyên môn của mình và kết thúc chủ đề nào thì kiểm tra đánh giá chủ đề đó.
“Đồng thời, việc kiểm tra, đánh giá cũng gặp trở ngại. Với môn tích hợp, kiểm tra thường xuyên thì theo phân môn, kiểm tra định kỳ thì theo tỷ lệ. Như vậy, lúc nào cũng cần giáo viên dạy các phân môn ngồi lại thống nhất việc ra đề, không giống như trước đây, giáo viên được chủ động ra đề”, thầy Tú Anh nói.
Chủ động xây dựng kế hoạch giảng dạy
Để đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới, các trường THCS trên địa bàn thành phố chủ động xây dựng kế hoạch giảng dạy năm học 2021-2022, trong đó chú trọng việc phân công giáo viên hợp lý. Theo nhiều ý kiến, về cơ bản, giáo viên vẫn đáp ứng được yêu cầu môn học tích hợp môn Lịch sử và Địa lý do được đào tạo 2 môn này ở trường đại học. Đối với các giáo viên được đào tạo một môn học, các trường chủ động phân công chuyên môn phù hợp với bộ môn đã được đào tạo ở trường sư phạm.
Bên cạnh kế hoạch giảng dạy, các trường cũng chủ động bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ giáo viên. Cụ thể, bổ trợ thêm kiến thức môn học thứ 2 cho giáo viên để chuẩn bị tốt chương trình dạy tích hợp, tạo điều kiện tốt nhất để giáo viên tham gia đầy đủ các lớp tập huấn của ngành, chú trọng công tác tự học, tự bồi dưỡng của giáo viên và công tác tổ chức sinh hoạt chuyên đề tổ/nhóm chuyên môn.
Thầy Phạm Thanh Bửu, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Lương Bằng (quận Liên Chiểu) cho rằng, nhà trường ưu tiên phân công, bố trí những giáo viên cốt cán, có chuyên môn vững vàng tham gia giảng dạy 2 môn học mới lớp 6. Đối với môn Khoa học tự nhiên sẽ căn cứ tình hình đội ngũ giáo viên và các chủ đề, nội dung của bộ môn, nhà trường dự kiến phân công giảng dạy học kỳ 1 học 2 tiết Sinh học, 2 tiết Hóa học/tuần; học kỳ 2 học 2 tiết Vật lý, 1 tiết Sinh học và 1 tiết thực hành/tuần. Đồng thời, sáp nhập hai tổ chuyên môn Hóa - Sinh và Lý - Công nghệ thành tổ Khoa học tự nhiên để thuận tiện trong sinh hoạt chuyên môn.
Trong khi đó, theo cô Lê Thị Hoàng Chinh, Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An (quận Thanh Khê), nhà trường xác định phân công giáo viên phụ trách môn học mới chương trình lớp 6 cần bảo đảm chuyên môn đào tạo, định mức giờ dạy theo từng khung thời gian hợp lý trong một năm học, cân đối khối lượng công việc và trách nhiệm rõ ràng. Đối với chuyên đề liên môn tích hợp, tổ chuyên môn hội ý thống nhất tham mưu với hiệu trưởng phân công giáo viên đảm nhận.
“Bên cạnh chương trình, kế hoạch của ngành và nhà trường, bản thân các giáo viên cũng chủ động nghiên cứu, tự bồi dưỡng để đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới”, cô Hoàng Chinh nói.
NGỌC HÀ