Theo thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ ngày 9-7 nhiều địa phương triển khai chấm thi để kịp thời công bố kết quả theo kế hoạch là 26-7. Các đoàn thanh tra của bộ cũng như liên ngành sẽ có mặt từ ngày đầu đến khi hoàn thành công tác chấm thi.
Thí sinh mong sớm biết kết quả thi để thực hiện xét tuyển đại học, cao đẳng. Ảnh: Đan Phương |
Xét nghiệm Covid-19 cho cán bộ chấm thi
Theo PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), công tác làm phách và chấm thi sẽ được tiến hành ngay sau khi kỳ thi kết thúc để kịp thời công bố kết quả theo kế hoạch vào 26-7. Bộ GD&ĐT sẽ công bố đáp án theo tiến độ chấm thi. Cụ thể, đáp án môn Ngữ văn sẽ công bố trước, sau đó lần lượt là các môn trắc nghiệm.
TP. Hồ Chí Minh hiện đang là điểm nóng về dịch Covid-19. Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh cho biết: Để bảo đảm an toàn trong phòng dịch, những người phục vụ cho khâu chấm thi đều được xét nghiệm Covid-19, yêu cầu thực hiện 5K theo quy định của ngành y tế.
Đồng thời, những người tham gia chấm thi, phục vụ chấm thi được trang bị kính chắn giọt bắn khi thực hiện nhiệm vụ, thực hiện giãn cách theo quy định.
Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh đã điều động gần 2.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia công tác chấm thi, bắt đầu từ ngày 9-7 cho đến 24-7 phải hoàn tất.
Theo đại diện Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, nhằm đảm bảo an toàn phòng chống dịch, sở phối hợp ngành y tế xét nghiệm nhanh Covid-19 cho các nhân sự tham gia khâu chấm thi. Trong quá trình thực hiện chấm thi, những người này thực hiện 5K theo quy định của ngành y tế.
Cần Thơ có 40 cán bộ giáo viên, nhân viên và lực lượng an ninh tham gia chấm thi trắc nghiệm. Thời gian chấm từ ngày 11-7 đến 21-7. Riêng công tác chấm thi tự luận có 130 cán bộ giáo viên, nhân viên, y tế và lực lượng an ninh tham gia, thời gian chấm thi từ 14-7 đến 22-7.
Thanh tra giám sát cả quá trình chấm thi
Theo ông Nguyễn Đức Cường, Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT, từ ngày 9-7, nhiều địa phương triển khai chấm thi tốt nghiệp THPT. Đoàn kiểm tra của Bộ GD&ĐT và thanh tra các Sở cũng sẽ giám sát trong suốt thời gian chấm thi. Ngoài ra, có thêm thanh tra cấp tỉnh, với vai trò địa phương giám sát khâu chấm thi để đảm bảo an toàn, nghiêm túc.
Đoàn thanh tra của Bộ GD&ĐT sẽ có mặt từ ngày đầu đến khi hoàn thành công tác chấm thi, kéo dài khoảng 10-15 ngày. Đoàn của Sở cũng tham gia để đảm bảo khâu chấm thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.
Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu các địa phương, thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc quy trình chấm thi tự luận, chấm thi trắc nghiệm đảm bảo đúng quy chế và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, có camera giám sát phòng chấm thi 24-24 giờ.
Các đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo thi cấp quốc gia và các đoàn thanh tra của Bộ GD&ĐT sẽ thực hiện kiểm tra, thanh tra công tác chấm thi ở 63 hội đồng thi để tăng cường tính nghiêm minh trong quá trình chấm thi.
Địa phương cần tăng cường củng cố hạ tầng công nghệ thông tin để việc công bố kết quả thi được thuận lợi, không xảy ra tình trạng nghẽn mạng; đồng thời, sẵn sàng hỗ trợ thí sinh thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng sau khi có kết quả thi.
Theo PGS.TS Mai Văn Trinh, các địa phương phải chuẩn bị triển khai xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh bảo đảm đúng quy chế; trong đó, tập trung rà soát kỹ thông tin dữ liệu đăng ký thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT.
PGS.TS Mai Văn Trinh cũng khẳng định, Bộ GD&ĐT đã hoàn thành việc xây dựng hệ thống phần mềm quản lý thi và tuyển sinh, phần mềm chấm thi trắc nghiệm năm 2021. Phần mềm chấm thi trắc nghiệm này sẽ bảo đảm chấm thi chính xác, ngăn ngừa sự can thiệp từ phía người sử dụng.
Theo Báo Tin tức