Nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn quận Thanh Khê đã nhận được thiết bị điện tử từ chính quyền, doanh nghiệp, nhà trường... hỗ trợ việc học trực tuyến trong giai đoạn các em tạm dừng đến trường.
Ông Lê Tùng Lâm (giữa), Bí thư Quận ủy Thanh Khê trao máy tính cho học sinh khó khăn trên địa bàn quận. Ảnh: NGỌC HÀ |
Niềm vui vỡ òa...
Trong căn nhà nhỏ trên đường Phạm Nhữ Tăng (phường Hòa Khê), em Phạm Ngọc L., học sinh lớp 6 Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng không giấu vui mừng vì vừa nhận một máy tính bảng để học trực tuyến cùng các bạn. Chia sẻ với phóng viên, bà Huỳnh Thị Thời (65 tuổi) - bà nội của em L. cho hay, hoàn cảnh gia đình bà khó khăn sau khi ba L. đi tù, rồi mẹ cũng bỏ nhà đi, để lại 4 con nhỏ cho vợ chồng bà chăm sóc. Khi chưa có Covid-19, chồng bà làm phụ hồ, còn bà Thời thì ai kêu gì làm nấy. Nhưng hơn hai tháng nay, chồng không có việc làm, bà phải đi nhặt ve chai về bán kiếm tiền để nuôi cháu.
“Cả mấy miệng ăn trông vào từng đồng của hai vợ chồng thì làm sao tính đến chuyện mua máy tính cho cháu L., trong khi dưới L. còn 2 đứa em năm nay học lớp 1 và lớp 3. Tôi thì dùng điện thoại dỏm và chỉ có 1 cái điện thoại thông minh ba nó để lại, 3 anh em thay phiên nhau học trực tuyến. Vừa qua, trường của cháu L. có hỗ trợ một máy tính bảng và 2 triệu đồng. Nhìn thấy cháu vui tôi mừng rơi nước mắt. Còn 2 triệu đồng tiền mặt, tôi sẽ mua quần áo mới cho các cháu”, bà Thời xúc động nói.
Em Đào Ngọc Hoài A. (học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Bế Văn Đàn) được Quận ủy Thanh Khê trao tặng máy tính bàn học trực tuyến. Gia đình em A. thuộc diện hộ nghèo của phường An Khê. Ba bị bệnh động kinh, những lúc sức khỏe ổn định thì chở nước bình cho các tạp hóa kiếm tiền, mẹ phụ bán cà phê. Nhà còn có hai người con đang ở độ tuổi ăn học (lớp 12, lớp 9) nên khó khăn.
“Đến quần áo đi học, sách vở đều nhờ hỗ trợ từ địa phương thì lấy đâu máy tính cho con học hành. Vừa rồi được nhận máy tính, cả nhà vui lắm. UBND phường đã cho người đến lắp thêm thiết bị, nối mạng từ nhà hàng xóm cho các cháu dùng. Ngoài học trực tuyến thì các cháu cũng sử dụng để học tin học. Hoàn cảnh như chúng tôi, có được cái máy tính cho con học thì ý nghĩa lớn lắm”, chị Nguyễn Thị Ê, phụ huynh em A. chia sẻ.
Chung tay hỗ trợ
Ông Lại Tiến Hương, Trưởng phòng GD&ĐT quận Thanh Khê cho biết, trước ngày khai giảng năm học mới, Phòng GD&ĐT đã yêu cầu các trường học khảo sát mức độ tiếp cận học trực tuyến của học sinh. Gần như trường nào cũng có vài chục em không thể tham gia học trực tuyến vì không có thiết bị kết nối.
Trước tình hình đó, ông Lê Tùng Lâm, Bí thư Quận ủy Thanh Khê đứng ra vận động, đồng thời chỉ đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam quận, ngành giáo dục tiếp tục vận động các đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Kết quả, Công ty FPT đã hỗ trợ 26 bộ máy tính (trị giá 11.500.000 đồng/bộ) cho những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Cùng với đó, ngành GD&ĐT quận Thanh Khê đã phát động các đơn vị, trường học trên địa bàn tuyên truyền, kêu gọi, vận động cán bộ, giáo viên, nhân viên và các nhà hảo tâm hỗ trợ các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để các em có máy tính, điện thoại thông minh, wifi (mạng internet) tham gia học trực tuyến.
Đến ngày 20-9, hơn 150 học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại các trường trên địa bàn quận Thanh Khê được nhận máy tính bảng, máy tính để bàn, điện thoại thông minh để hỗ trợ các em học tập trực tuyến.
“Từ nhiều nguồn hỗ trợ, nhà trường đã mua tặng 16 máy tính bảng cho các em học sinh của trường khó khăn về thiết bị, ngoài ra có 14 em được nhận thêm 2 triệu đồng để hỗ trợ mua sách giáo khoa và dụng cụ học tập. Tôi nghĩ chương trình “máy tính cho em” mang ý nghĩa nhân văn, là sự sẻ chia, đồng hành với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, giúp các em nỗ lực vươn lên trong học tập”, cô Nguyễn Thị An, Hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng nói.
NGỌC HÀ