Giữ gìn tiếng mẹ đẻ cho kiều bào Việt Nam ở Lào

.

Nhiệm vụ gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài luôn được Đảng, Nhà nước dành nhiều sự quan tâm và là một trong những nội dung quan trọng theo tinh thần của Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 26-3-2004 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Trong đó, giữ gìn tiếng Việt cho các thế hệ kiều bào được xác định là khâu then chốt.

Học viên trong giờ thi cuối khóa năm học 2020-2021 tại Trung tâm tiếng Việt tỉnh Savannakhet. (Nguồn: Giáo viên Việt Nam tham gia giảng dạy tại Lào cung cấp)
Học viên trong giờ thi cuối khóa năm học 2020-2021 tại Trung tâm tiếng Việt tỉnh Savannakhet. (Nguồn: Giáo viên Việt Nam tham gia giảng dạy tại Lào cung cấp)

Mới đây, Kết luận số 12-KL/TW ngày 10-8-2021 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) trong giai đoạn mới tiếp tục đề ra những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm đa dạng hóa các hoạt động hỗ trợ NVNONN giữ gìn tiếng Việt. Theo đó, chú trọng hợp tác với nước sở tại, đổi mới, nâng cao hiệu quả, phương thức tổ chức dạy và học tiếng Việt, tập trung thúc đẩy đưa tiếng Việt vào chương trình giảng dạy ở các cơ sở giáo dục và nghiên cứu đầu tư, xây dựng trung tâm văn hóa của người Việt tại các địa bàn có đông người Việt Nam sinh sống.

Hiện nay, trên địa bàn các tỉnh Nam - Trung Lào có một bộ phận lớn người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc. Trên cơ sở mối quan hệ hợp tác, hữu nghị với các địa phương Lào, trong thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ dạy và học tiếng Việt cho bà con kiều bào tại các tỉnh Nam - Trung Lào. Thông qua Trung tâm Phát triển Hợp tác quốc tế thành phố Đà Nẵng (trước đây là Trung tâm Hợp tác đầu tư và Quản lý các dự án tại Lào), UBND thành phố Đà Nẵng đã triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động các trung tâm tiếng Việt tại năm tỉnh của Lào gồm Savannakhet, Champasak, Attapeu, Sekong và Salavane. Việc xây dựng và vận hành các trung tâm tiếng Việt là một trong những nội dung quan trọng trong Bản ghi nhớ hợp tác hữu nghị giai đoạn 2018-2022 giữa thành phố Đà Nẵng và năm tỉnh Nam - Trung Lào, qua đó đã đáp ứng được nguyện vọng của bà con kiều bào trong việc duy trì tiếng mẹ đẻ, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, học sinh người Lào có nhu cầu được học tiếng Việt.

Bên cạnh việc xây dựng các trung tâm tiếng Việt, thành phố Đà Nẵng đã tài trợ nhiều trang thiết bị học tập cho các cơ sở đào tạo này như: sách vở, máy vi tính, máy in, bàn ghế học sinh, bảng viết..., với giá trị nhiều tỷ đồng. Thành phố cũng đã cử giáo viên người Việt sang giảng dạy trực tiếp tại Lào. Theo đó, mỗi năm có 10 giáo viên được cử sang giảng dạy tiếng Việt tại các trung tâm (mỗi tỉnh 2 giáo viên). Đội ngũ giáo viên là những người có trình độ chuyên môn cao, có bề dày kinh nghiệm trong công tác giảng dạy và có nhiệt huyết đối với việc giữ gìn tiếng Việt. Đồng thời, để tăng tính thiết thực, hiệu quả và bền vững của chương trình, thành phố chú trọng đào tạo tiếng Việt cho con em kiều bào Việt Nam tại Lào sang học tập tại Đà Nẵng để sau này trở lại giảng dạy tại các trung tâm tiếng Việt ở nước bạn.

Kể từ khi thành lập và đi vào hoạt động, việc giảng dạy tiếng Việt tại các trung tâm đã đem lại những kết quả tích cực. Tính riêng trong năm học 2020-2021, các Trung tâm tiếng Việt tại 5 tỉnh Nam - Trung Lào đã đào tạo gần 300 học viên (cả người gốc Việt và người dân sở tại) với các khóa học từ 3 tháng đến 9 tháng. Nhiều học viên học tại các Trung tâm đã tiếp tục nhận được học bổng của thành phố Đà Nẵng để theo học các chương trình cao đẳng, đại học và sau đại học tại các trường thành viên của Đại học Đà Nẵng. Được biết, Trung tâm tiếng Việt tại Savannakhet còn tiếp nhận học viên đến từ Mukdahan (đông bắc Thái Lan) với nhu cầu tăng cường quan hệ giao lưu thương mại với các tỉnh miền Trung Việt Nam. Hiệu quả hoạt động của các Trung tâm tiếng Việt không chỉ dừng lại ở số lượng học viên tham gia các khóa học, đó còn là sự lan tỏa trong cộng đồng người Việt tại Lào về sự quan tâm và tình cảm gắn bó giữa chính quyền thành phố đối với bà con kiều bào và nhân dân các tỉnh bạn Lào.

Để có được kết quả tốt đẹp trên, công tác dạy và học tiếng Việt tại các tỉnh Nam - Trung Lào đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ và hỗ trợ tích cực của các cơ quan đại diện Việt Nam tại Lào, chính quyền sở tại, Hội người Việt Nam ở các tỉnh và cộng đồng kiều bào trong việc thường xuyên tuyên truyền về tầm quan trọng, lợi ích của việc học tiếng Việt, vận động, khuyến khích bà con kiều bào cho con em tham gia học tiếng Việt tại các trung tâm. Bên cạnh đó, các cơ quan lãnh sự của Việt Nam đã tích cực vận động chính quyền các cấp sở tại nâng cấp, mở rộng quy mô, xây dựng mới cơ sở dạy tiếng Việt, từng bước đưa tiếng Việt vào hệ thống giáo dục chính thức của nước bạn.

Từ khi triển khai đến nay, chương trình giảng dạy tiếng Việt tại Lào luôn được lãnh đạo thành phố Đà Nẵng và các địa phương bạn quan tâm và đánh giá cao. Để duy trì và nâng cao hiệu quả việc dạy và học tiếng Việt cho kiều bào tại các tỉnh Nam - Trung Lào, trên cơ sở các nhiệm vụ và giải pháp được nêu trong Kết luận số 12-KL/TW ngày 12-8-2021 của Bộ Chính trị về công tác NVNONN trong tình hình mới, thành phố Đà Nẵng sẽ tiếp tục chú trọng tuyển chọn giáo viên vừa đủ năng lực, vừa có tinh thần nhiệt huyết để cử đi giảng dạy tại Lào, đồng thời, tiếp tục quan tâm hỗ trợ trang thiết bị và phương tiện phục vụ cho việc giảng dạy và học tập của học viên, đặc biệt hỗ trợ về giáo trình giảng dạy tiếng Việt phù hợp theo tiêu chuẩn, quy định để áp dụng giảng dạy thống nhất tại các Trung tâm tiếng Việt. Bên cạnh đó, thành phố cần tiếp tục nghiên cứu để mở rộng mô hình giảng dạy, triển khai các hoạt động phù hợp nhằm giữ gìn, tôn vinh tiếng Việt tại một số nước trong khu vực có đông kiều bào sinh sống.

Với chủ trương, chính sách đúng đắn, sự tạo điều kiện thuận lợi của Đảng bộ và chính quyền thành phố Đà Nẵng, sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan sở tại và tấm lòng yêu nước, tự tôn dân tộc của bà con kiều bào, chất lượng dạy và học tiếng Việt cho kiều bào Việt Nam tại Lào đang ngày càng được nâng cao theo hướng chuyên nghiệp và chuẩn hóa, góp phần bảo tồn ngôn ngữ dân tộc, tạo sợi dây gắn kết người Việt ở nước ngoài với quê hương, duy trì và phát huy bản sắc dân tộc Việt Nam trong các thế hệ kiều bào.

HUỲNH ĐỨC TRƯỜNG
Giám đốc Sở Ngoại vụ thành phố Đà Nẵng

;
;
.
.
.
.
.