Kiểm tra học kỳ 1: Cần sự phối hợp của phụ huynh

.

Các trường tiểu học trên địa bàn thành phố lên kế hoạch kiểm tra cuối học kỳ 1 sau kỳ nghỉ Tết Dương lịch. Theo đó, hình thức kiểm tra tương tự với kiểm tra cuối học kỳ 2 năm học 2020-2021. Để bảo đảm chất lượng cũng như đánh giá đúng thực lực của học sinh, các trường kêu gọi sự phối hợp của phụ huynh.

Đến trường học trực tiếp chỉ một tuần, học sinh lớp 1 phải tạm dừng để phòng Covid-19 nên việc kiểm tra cuối học kỳ 1 diễn ra tại nhà. Trong ảnh: Học sinh đi học trực tiếp tại Trường Tiểu học Lương Thế Vinh, quận Sơn Trà vào ngày 6-12. Ảnh: NGỌC HÀ
Đến trường học trực tiếp chỉ một tuần, học sinh lớp 1 phải tạm dừng để phòng Covid-19 nên việc kiểm tra cuối học kỳ 1 diễn ra tại nhà. TRONG ẢNH: Học sinh đi học trực tiếp tại Trường Tiểu học Lương Thế Vinh, quận Sơn Trà vào ngày 6-12. Ảnh: NGỌC HÀ

Giao bài về nhà tự làm

Đến thời điểm hiện tại, các trường tiểu học trên địa bàn thành phố đã có lịch và phương án kiểm tra định kỳ cuối học kỳ 1. Theo ghi nhận, hình thức kiểm tra linh hoạt tùy vào thực tế của mỗi trường. Trong đó, phương án giao bài kiểm tra về nhà cho học sinh tự làm được triển khai ở hầu hết các trường.

Cô Huỳnh Thị Thanh Tình, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoa Lư (quận Thanh Khê) cho biết, nhà trường áp dụng hình thức kiểm tra học kỳ 1 như đã triển khai đối với kiểm tra cuối học kỳ 2 năm học 2020-2021. Theo đó, phụ huynh đến trường nhận bài kiểm tra về nhà cho học sinh làm và đến trường nộp lại bài cho giáo viên. Đối với những học sinh đang ở trong khu cách ly y tế hoặc học sinh sống trong khu vực có mức dịch ở cấp độ 4, giáo viên sẽ gửi đề qua email, zalo. Nếu không thể in đề ra, phụ huynh cho học sinh nhìn đề trên điện thoại để làm bài mà không cần chép lại.

Tương tự, thực hiện công văn của Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Sơn Trà về việc hướng dẫn đánh giá học sinh tiểu học thực hiện chương trình giáo dục phổ thông ứng phó với Covid-19, Trường Tiểu học Nguyễn Phan Vinh (quận Sơn Trà) cũng giao bài kiểm tra về nhà cho học sinh làm và đến trường nộp lại bài cho giáo viên theo lịch phân công của nhà trường. Thầy Tạ Văn Cương, Hiệu trưởng nhà trường cho hay: “Nhà trường chia khung thời gian nhận và nộp bài kiểm tra cụ thể cho từng khối lớp để bảo đảm giãn cách”.

Cũng với hình thức giao bài cho học sinh nhưng một số trường tiểu học trên địa bàn quận Hải Châu tổ chức kiểm tra trực tuyến có giám sát. Cụ thể, theo khung giờ kiểm tra được nhà trường thông báo trước đó, học sinh bật camera để giáo viên giám sát quá trình làm bài của các em. Hết giờ kiểm tra, phụ huynh chụp ảnh bài làm của học sinh nộp qua zalo cho giáo viên để biết thời điểm các em dừng làm bài, sau đó đến trường nộp bài bản giấy theo từng khung giờ.

Cô Dương Thị Đồng Bằng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ông Ích Khiêm (quận Hải Châu) cho biết, việc kiểm tra theo hình thức trực tuyến có giám sát sẽ thực hiện với các môn Toán, Tiếng Việt đối với lớp 1 và lớp 2; lớp 3 có thêm môn Tin học và Tiếng Anh; lớp 4 và 5 có thêm môn Sử - Địa và Khoa học. Các môn còn lại như Âm nhạc, Thể dục, Mỹ thuật…, học sinh quay video gửi theo hướng dẫn của giáo viên bộ môn.

“Việc kiểm tra theo hình thức trực tuyến có giám sát của giáo viên sẽ hỗ trợ, hướng dẫn học sinh cách thức làm bài, nhất là với học sinh lớp 1, nhắc nhở các em tự giác, nghiêm túc để có kết quả khách quan nhất. Nhà trường cũng yêu cầu phụ huynh tạo điều kiện tốt nhất về trang thiết bị, đường truyền để quá trình làm bài không bị gián đoạn”, cô Bằng chia sẻ.

Kêu gọi sự tự giác của phụ huynh, học sinh

Cũng theo cô Dương Thị Đồng Bằng, trải qua thời gian dài học trực tuyến, việc đánh giá đúng thực lực của mỗi học sinh gặp khó khăn nhất định. Do đó, việc kiểm tra định kỳ cuối học kỳ 1 là cơ sở để nhà trường xây dựng kế hoạch cho học sinh đi học trở lại vào thời gian tới. Vì thế, phụ huynh nên để con em mình tự làm bài theo đúng khả năng, không can thiệp vào bài kiểm tra.

Đồng quan điểm, cô Ngô Thị Lý, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 2 Hòa Tiến (huyện Hòa Vang) cho rằng, mục đích của việc kiểm tra cuối học kỳ 1 cùng với kết quả đánh giá thường xuyên nhằm điều chỉnh hoạt động dạy và học của học sinh, giáo viên. Do đó, nhà trường yêu cầu giáo viên chủ nhiệm tổ chức họp phụ huynh trước khi kiểm tra, trong buổi họp sẽ trao đổi về mục đích, yêu cầu kiểm tra và kế hoạch phối hợp để đánh giá học sinh thực chất.

Thầy Nguyễn Hỷ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Phu Tiên (quận Liên Chiểu) cũng cho biết, kiểm tra trong giai đoạn hiện nay khó đánh giá chính xác năng lực học sinh một cách tuyệt đối. Tuy nhiên, nếu kết quả bài kiểm tra bất thường so với quá trình đánh giá thường xuyên thì giáo viên đề xuất nhà trường cho học sinh làm bài kiểm tra khác bằng hình thức phù hợp. Do đó, phụ huynh nên phối hợp, hỗ trợ nhà trường để kỳ kiểm tra diễn ra đúng quy định.

“Một kỳ kiểm tra không phản ánh hết năng lực của học sinh. Đánh giá học sinh là công việc xuyên suốt năm học của mỗi giáo viên. Vì vậy, phụ huynh cần phối hợp để con em tham gia kỳ thi trung thực, từ đó có kết quả khách quan, công bằng”, thầy Nguyễn Thái Phong, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hải Châu) bày tỏ.

NGỌC HÀ

;
;
.
.
.
.
.