Để đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục, đến nay mạng lưới trường lớp được quy hoạch vừa phù hợp với hệ thống giáo dục quốc dân, vừa đáp ứng phát triển quy mô, yêu cầu phát triển đô thị và nhu cầu học tập của mọi người dân Đà Nẵng. Dự báo đến năm học 2025-2026, thành phố tăng gần 73.000 học sinh so với năm học 2019-2020. Do đó, Đà Nẵng tiếp tục triển khai đề án Xây dựng, nâng cấp, mở rộng trường học giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn thành phố.
Trường Tiểu học Lý Tự Trọng (quận Hải Châu) được đầu tư xây mới và đưa vào sử dụng năm học 2020-2021.Ảnh: NGỌC HÀ |
Quy hoạch mạng lưới trường lớp có hệ thống
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), nhiều năm qua, mạng lưới trường, lớp các ngành học, bậc học từ mầm non, phổ thông đều được quy hoạch có hệ thống, chi tiết và theo quy hoạch tổng thể ngành GD&ĐT. Cơ sở vật chất trường học miền núi, vùng khó khăn được tăng cường đáng kể. Thành phố có Trường THPT Phạm Phú Thứ, Trường THCS Nguyễn Tri Phương tiếp nhận học sinh nội trú dân tộc thiểu số. Hệ thống trường học từ mầm non đến THCS các xã miền núi Hòa Bắc, Hòa Liên, Hòa Ninh, Hòa Phú đều được đầu tư xây dựng đáp ứng yêu cầu của địa phương.
Kết quả xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia ở tất cả các ngành học, bậc học tăng lên đáng kể. Đến nay, số trường đạt chuẩn trên toàn thành phố là 163/413 trường (đạt tỷ lệ 39,4%). Trong đó, có 53/217 trường mầm non, 73/103 trường tiểu học, 31/59 trường THCS, 6/32 trường THPT. Hơn 97% học sinh tiểu học được tổ chức dạy ngày 2 buổi. Thành phố đầu tư xây dựng trường trọng điểm chất lượng cao, cơ sở vật chất hiện đại. Trong đó, Trường THCS Nguyễn Khuyến được đầu tư 94 tỷ đồng; Trường THPT Phan Châu Trinh giai đoạn 2 có tổng mức đầu tư hơn 97 tỷ đồng; Trường THPT Sơn Trà 77 tỷ đồng; Trường THPT Hòa Xuân 78 tỷ đồng...
Đồ họa: MAI ANH |
Ngoài ngân sách thành phố, các cấp học, ngành học đều thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục theo quy định chung của Bộ GD&ĐT. Các trường mầm non, tiểu học, THCS, trường chuyên biệt, trung tâm giáo dục thường xuyên nhận sự tài trợ đáng kể của các tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Ở ngành học mầm non, cấp THPT có nhiều tổ chức xã hội, cá nhân tham gia mở trường tư thục.
Tuy nhiên, những năm gần đây, sự gia tăng dân số cơ học, việc hình thành các khu dân cư mới, khu công nghiệp mới đã làm quy hoạch trường lớp tại một số địa phương không còn đáp ứng nhu cầu thực tế. Vì thế, thành phố đang ưu tiên quỹ đất cho giáo dục là nhu cầu bức thiết, phù hợp với xu thế phát triển chung của thành phố.
Bảo đảm số lượng trường lớp toàn thành phố
Dẫn chúng tôi đi xem địa điểm sắp tới xây dựng Trường liên cấp 1 và 2 trên địa bàn phường Hòa Khánh Bắc với diện tích gần 19.000m2, các cán bộ ngành giáo dục quận Liên Chiểu không giấu vui mừng. Bởi đây là dự án có thể phần nào tháo gỡ “nút thắt” về vấn đề thiếu trường lớp tại địa phương và cũng là quyết tâm của các cấp lãnh đạo đối với việc dành quỹ đất cho giáo dục.
Ông Nguyễn Thanh Lịch, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng GD&ĐT quận Liên Chiểu chia sẻ, phường Hòa Khánh Bắc có Khu Công nghiệp Hòa Khánh tập trung số lượng lớn công nhân lưu trú; các khu tái định cư mới dần lấp đầy nhà ở. Bên cạnh đó, các khu nhà ở xã hội đã đầu tư hoàn thiện và đưa vào sử dụng nên dân số cơ học tăng nhanh, dẫn đến quá tải ở một số trường học. Xuất phát từ nhu cầu bức thiết đó, trên cơ sở đề xuất của UBND quận Liên Chiểu, UBND thành phố chỉ đạo Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, thu hồi các khu đất sắp hết thời hạn cho thuê trên địa bàn quận để đầu tư xây dựng bổ sung các trường học.
Các quận, huyện khác trên địa bàn thành phố cũng tính toán dành quỹ đất cho giáo dục trước dự báo về dân số thành phố đến năm 2025 tăng lên 1,4 triệu người; tốc độ tăng bình quân hằng năm 1,035%. Theo đề xuất của UBND quận Sơn Trà, trong năm 2021, một số trường học cần mở rộng diện tích như: Trường THCS Nguyễn Văn Cừ (phường An Hải Đông), diện tích hiện trạng khoảng 4.576m2, diện tích cần phát triển mở rộng lên khoảng 12.000m2; Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học (phường An Hải Đông) diện tích hiện trạng 2.298m2, diện tích cần phát triển mở rộng khoảng 11.200m2; Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học (phường An Hải Đông), diện tích hiện trạng 2.298m2, diện tích cần phát triển mở rộng khoảng 11.200m2; Trường Tiểu học Nguyễn Phan Vinh cơ sở số 60 đường Nguyễn Phan Vinh (phường Thọ Quang), diện tích hiện trạng 2.600m2, diện tích cần phát triển mở rộng khoảng 7.350m2; Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (phường Thọ Quang), diện tích hiện trạng 4.146m2, diện tích cần bảo đảm khoảng 13.062m2.
Việc mở rộng các trường học nói trên liên quan đến một số hộ dân, trạm dân phòng, nhà công vụ và khu đất do Nhà nước quản lý. UBND quận Sơn Trà cho rằng, công tác đền bù, giải tỏa có thể gặp khó khăn nhưng vẫn phải tính toán vì nhu cầu mở rộng trường lớp là cần thiết cho sự phát triển giáo dục của địa phương.
Trong khi đó, là quận diện tích nhỏ, mật độ dân số đông nên đất đai để mở rộng hoặc xây mới trường lớp khó khăn nhưng quận Thanh Khê cũng dành nhiều sự quan tâm cho giáo dục. Ông Nguyễn Hữu Công, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Khê cho biết, UBND quận chủ trương sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non nhỏ lẻ trên địa bàn giai đoạn năm 2020 đến 2025, tầm nhìn các năm tiếp theo; đồng thời khẩn trương rà soát quỹ đất, chọn các khu đất còn trống, đất giải tỏa, hoán đổi đất cho các hộ dân để mở rộng, nâng cấp các trường mầm non, tiểu học và THCS...
Trường THPT Nguyễn Văn Thoại được đầu tư và đưa vào sử dụng năm học 2019-2020. Ảnh: NGỌC HÀ |
Theo bà Lê Thị Bích Thuận, Giám đốc Sở GD&ĐT, trước bối cảnh và tình hình phát triển mới, đặt ra yêu cầu với thành phố cần phải xây dựng, mở rộng, nâng cấp trường lớp để phù hợp với những định hướng mới, đáp ứng nhu cầu phát triển chung của các quận, huyện nói riêng và thành phố nói chung, đồng thời thúc đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Năm 2020, thành phố phê duyệt đề án Xây dựng, nâng cấp và mở rộng trường học giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn thành phố. Đề án đặt mục tiêu xây dựng, nâng cấp, mở rộng trường học đến năm học 2025-2026 có 452 đơn vị, trường học với khoảng 339.315 học sinh; giai đoạn 2021-2025, xây dựng mới 43 trường, trong đó có 22 trường công lập và 21 trường ngoài công lập. Để đạt được mục tiêu, đề án đề cập đến các giải pháp mở rộng mạng lưới, phát triển quy mô GD&ĐT theo hướng đa dạng hóa loại hình; sắp xếp các cơ sở giáo dục nhỏ lẻ, ghép trường tiểu học, THCS nhỏ lẻ; bảo đảm diện tích đất đai cho xây dựng các cơ sở GD&ĐT.
UBND thành phố giao Sở GD&ĐT theo dõi, cập nhật kịp thời vào quy hoạch mạng lưới trường học mầm non và phổ thông thành phố trong giai đoạn 2020-2030, đồng thời lồng ghép, tích hợp đề án vào quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045; tham gia vào các quy hoạch phân khu theo đồ án quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
NGỌC HÀ