Thực hiện đề án xây dựng nâng cấp mở rộng trường học giai đoạn 2021-2025 được UBND thành phố phê duyệt năm 2020, một số địa phương đã đầu tư xây mới trường học bảo đảm cơ sở vật chất, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến, cần đẩy nhanh tiến độ đề án, nhất là với các địa phương tốc độ dân số cơ học gia tăng nhanh.
Công trình Trường Tiểu học An Phước tại thôn Cẩm Toại Trung, xã Hòa Phong sẽ được đưa vào sử dụng từ năm học mới 2022-2023. TRONG ẢNH: Lễ khánh thành Trường Tiểu học An Phước, tháng 5-2022. Ảnh: NGỌC HÀ |
Tháng 5 vừa qua, UBND huyện Hòa Vang tổ chức khánh thành công trình Trường Tiểu học An Phước tại thôn Cẩm Toại Trung (xã Hòa Phong) và đưa vào phục vụ từ năm học mới 2022-2023. Công trình được khởi công từ đầu năm 2021 do UBND huyện Hòa Vang làm chủ đầu tư, với kinh phí 62,5 tỷ đồng từ vốn ngân sách thành phố.
Cô Nguyễn Thị Dễ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Phước chia sẻ, trường mới gồm khu lớp học chính quy 4 tầng 25 phòng học, khối hành chính, khối hội trường nhà đa năng; được đầu tư trang thiết bị, khu hồ bơi, thư viện hiện đại. “Trường có 23 lớp với 684 học sinh, đáp ứng tiêu chí đạt chuẩn quốc gia mức II. Đây cũng là mục tiêu nhà trường quyết tâm đạt được trong năm 2024”, cô Dễ nói.
Ông Nguyễn Thúc Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hòa Vang cho biết, thực hiện đề án xây dựng nâng cấp mở rộng trường học giai đoạn 2021-2025, UBND huyện đã triển khai xây dựng, mở rộng một số trường học.
Trong năm học 2022-2023, ngoài Trường Tiểu học An Phước, có thêm Trường Tiểu học Lê Kim Lăng, Trường Mầm non số 2 Hòa Phong cũng đưa vào sử dụng. UBND huyện cũng đang lập quy hoạch để bố trí đất thực hiện đề án xây dựng nâng cấp mở rộng trường học giai đoạn 2021-2025.
Tương tự, tại quận Cẩm Lệ, trong năm học mới 2022-2023, dự kiến sẽ đưa Trường Tiểu học Trần Đại Nghĩa cơ sở 2 và Trường Mầm non Hương Sen cơ sở 4 vào sử dụng. Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quận Cẩm Lệ, việc Trường Tiểu học Trần Đại Nghĩa cơ sở 2 đi vào hoạt động trong năm học này sẽ giải tỏa áp lực căng thẳng thiếu phòng học trong thời gian qua tại đơn vị này.
Cụ thể, năm học vừa qua, trường này có 1.991 học sinh/52 lớp, tỷ lệ học sinh là 38,3 em/lớp; nhà trường thiếu 8 phòng học và phải sử dụng các phòng bộ môn, phòng chức năng và ngăn phòng đa năng để bố trí phòng học.
Tuy nhiên, với tốc độ dân số cơ học gia tăng nhanh tại phường Hòa Xuân, cử tri đề nghị đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường, lớp trên địa bàn nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế. “Quận đã giao Phòng GD&ĐT rà soát lại nhu cầu trường, lớp trên địa bàn quận để tham mưu UBND quận bố trí đầu tư cho phù hợp, đáp ứng trường lớp cho học sinh”, ông Ngô Ngọc Hậu, Phó Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ cho biết.
Trường Mầm non Hòa Xuân, phường Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ) được thành phố đầu tư xây dựng với tổng kinh phí gần 28 tỷ đồng, chờ bàn giao để đón học sinh trong năm học mới 2022-2023. Ảnh: NGỌC HÀ |
Trong khi đó, quận Liên Chiểu là địa phương duy nhất của thành phố học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày chỉ đạt 75%, nên việc đầu tư trường lớp tại Liên Chiểu được xác định là nhu cầu cấp thiết. Hiện UBND quận Liên Chiểu đã có kế hoạch xây dựng Trường liên cấp 1 và 2 trên địa bàn phường Hòa Khánh Bắc với diện tích gần 19.000m², tổng mức đầu tư gần 140 tỷ đồng; dự án Trường Tiểu học khu vực Trung Nghĩa (phường Hòa Minh), xây mới cơ sở Trường Tiểu học khu vực Phước Lý, phường Hòa Minh (giai đoạn 1)…
Riêng dự án Trường Tiểu học Trung Nghĩa đã được đấu thầu và ký phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu cách đây một năm, nhưng đến nay vẫn chưa thể thi công do vướng công tác giải tỏa, giải phóng mặt bằng và tái định cư; các dự án khác vẫn đang từng bước triển khai.
Dự kiến năm học 2022-2023, quận Liên Chiểu cần 415 phòng học, năm học 2023-2024 là 435 phòng học, năm học 2024-2025 cần 445 phòng học. Năm học 2022-2023, trên địa bàn quận Liên Chiểu vẫn chưa thể bố trí học sinh tiểu học học đủ 2 buổi/ngày. UBND quận đã dự kiến kế hoạch đầu tư trung hạn (2021-2025) với 66 dự án dành cho giáo dục; trong đó có xây mới trường và xây mới khối phòng học như: xây mới trường mầm non tại khu dân cư Quang Thành 4A (phường Hòa Khánh Bắc), xây mới Trường mầm non Thạch Sơn (khu tái định cư Hòa Hiệp 4), xây mới Trường Mầm non Măng Non - Cơ sở 4 (phường Hòa Hiệp Nam), xây mới khối phòng học các trường tiểu học: Nguyễn Đức Cảnh, Trưng Nữ Vương, Bùi Thị Xuân, Hồng Quang... “Nếu thành phố triển khai xây dựng đúng tiến độ, đến 2024 mới bảo đảm học sinh tiểu học được học đủ 2 buổi/ ngày trên địa bàn quận. Hiện nay, Phòng GD&ĐT tham mưu UBND quận ưu tiên cho các khối 1, 2, 3 được học 2 buổi/ ngày; còn lớp 4, 5 vẫn học 1 buổi/ ngày”, ông Nguyễn Thanh Lịch, Trưởng phòng GD&ĐT quận Liên Chiểu cho biết.
Theo bà Lê Thị Bích Thuận, Giám đốc Sở GD&ĐT, đối với đề án xây dựng nâng cấp mở rộng trường học giai đoạn 2021-2025 với nội dung cụ thể là xây dựng mạng luới trường học đến năm 2025-2026 quy mô là 452 trường, bảo đảm cho 339.315 học sinh theo học. Trong đó, đối với cơ sở giáo dục mầm non là 238 trường, tiểu học 109 trường, THCS 64 trường, 38 trường THPT và 3 Trung tâm giáo dục thường xuyên. Đồng thời, phối hợp và điều tiết giữa trường công lập và trường ngoài công lập trên địa bàn. “Mức vốn đầu tư cho dự án ban đầu là 4.399 tỷ đồng cho 5 năm. Tuy nhiên, qua rà soát của UBND các quận, huyện, Sở GD&ĐT và các sở, ngành thì hiện tại nguồn vốn có tăng lên. Sở GD&ĐT cùng các sở, ngành đã báo cáo UBND thành phố về vấn đề này. Hiện, Sở GD&ĐT cùng UBND các quận, huyện, sở, ngành đang thực hiện các bước triển khai xây dựng theo phân kỳ của đề án cũng như nguồn vốn phân bổ đầu tư công của thành phố. Trong đó đặc biệt quan tâm đến các địa phương có những khó khăn về trường lớp để đáp ứng nhu cầu học sinh học 2 buổi/ngày”, bà Thuận nói.
NGỌC HÀ