Truyền cảm hứng học môn Lịch sử cho học sinh

.

Ngay sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) có kế hoạch đưa môn Lịch sử trở thành môn học vừa có phần bắt buộc, vừa có phần lựa chọn, nhiều phụ huynh, học sinh, giáo viên bày tỏ sự đồng tình.

Học sinh Trường THPT Phan Châu Trinh học lịch sử tại bảo tàng. Ảnh: NGỌC HÀ
Học sinh Trường THPT Phan Châu Trinh học lịch sử tại bảo tàng. Ảnh: NGỌC HÀ

Hiểu rõ cội nguồn của dân tộc

Trước quyết định môn Lịch sử sẽ là môn học bắt buộc áp dụng từ năm 2022-2023, em Lê Anh Thư, vừa trúng tuyển vào lớp 10 Trường THPT Phan Châu Trinh, hào hứng chia sẻ, môn Sử thật sự rất cần thiết. “Học lịch sử giúp chúng em hiểu rõ cội nguồn dân tộc, quá trình dựng nước và giữ nước của ông cha; từ đó hun đúc tinh thần trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc bảo vệ Tổ quốc”, Thư bộc bạch.

Trong khi đó, em Ngô Như Ý, học sinh lớp 11, Trường THPT Hoàng Hoa Thám, cho rằng, việc Bộ GD&ĐT quyết định môn Lịch sử vừa bắt buộc, vừa tự chọn khá hợp lý. Điều này vừa tạo thêm nhiều cơ hội cho các bạn học sinh yêu thích môn Sử có mong muốn học sâu và nâng cao hơn về kiến thức của môn học này.

Không chỉ học sinh, nhiều phụ huynh cũng thể hiện sự vui mừng khi môn Lịch sử được coi trọng. “Tôi cho rằng không bao giờ được bỏ Lịch sử, coi Lịch sử là môn học lựa chọn. Bởi Lịch sử là môn học để chúng ta có thể hiểu rõ hơn về cội nguồn của dân tộc, về tầm quan trọng của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của các thế hệ đi trước. Việc bồi dưỡng kiến thức lịch sử cho học sinh THPT là điều cần thiết nhằm phát triển con người toàn diện, khơi dậy truyền thống yêu nước và niềm tự hào dân tộc”, anh Huỳnh Kim Chung, phụ huynh học sinh lớp 11 Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn bày tỏ.

Đồng tình về việc đưa môn Lịch sử trở thành môn học bắt buộc, phụ huynh, học sinh mong muốn môn học này được đổi mới phương pháp học và dạy để thu hút học sinh. “Trước hết em nghĩ đến việc thay đổi sách giáo khoa và cách truyền tải của thầy cô phải hấp dẫn, giờ học có nhiều hoạt động trải nghiệm… để tạo hứng thú hơn cho học sinh”, em Lê Anh Thư nêu ý kiến.

Tương tự, em Ngô Như Ý cho biết, môn Sử sẽ khiến học sinh trở nên nhàm chán nếu kiến thức trong buổi học chỉ bám vào nội dung sách giáo khoa. Chính vì vậy, học sinh này đề nghị mỗi buổi học Sử nếu được kết hợp giữa những câu chuyện lịch sử cùng với bài học bằng những tư liệu thực tế video, hình ảnh sẽ khơi dậy được sự hứng thú của học sinh. Bên cạnh đó, để hiểu rõ hơn về các di tích lịch sử, học sinh cần có những buổi học dã ngoại thực tế, đến thăm các di tích để có được cái nhìn sâu sắc và thực tế hơn cho bài học. Và quan trọng nhất là sự tăng cường giao lưu đối thoại giữa giáo viên và học sinh sẽ giúp nắm vững kiến thức hơn và khơi gợi tinh thần tự do khi học môn Sử. 

Giáo viên phải là người truyền cảm hứng

Là giáo viên dạy môn Lịch sử, Trường THPT Sơn Trà, cô Trương Thị Thu Trang bày tỏ sự vui mừng khi môn Lịch sử đã trở lại vị trí của một môn học quan trọng. “Lịch sử là môn học không thể thiếu trong việc giáo dục, hình thành đạo đức, nhân cách, lòng yêu nước của con người, quá trình tu dưỡng và rèn luyện các phẩm chất chủ yếu của học sinh, đặc biệt là phẩm chất yêu nước như Bác Hồ đã từng khẳng định: “Dân ta phải biết sử ta. Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”.

Theo cô Thu Trang, vấn đề không phải ở chỗ “bắt buộc” hay “tự lựa chọn”, mà vấn đề ở chỗ giáo viên cần làm gì trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục, kế hoạch dạy học theo hướng đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá để học sinh xóa nhòa định kiến “môn Lịch sử dài, khô, khó nhớ” và có thái độ hào hứng khi tham gia tiết học Lịch sử. Để học sinh yêu thích và hứng thú học Lịch sử thì cần rất nhiều yếu tố từ phía nhà trường, xã hội và gia đình, trong đó yếu tố quan trọng là phương pháp dạy học của giáo viên.

“Cá nhân tôi trong nhiều năm qua đã mạnh dạn áp dụng nhiều phương pháp dạy học theo hướng đổi mới để học sinh thật sự yêu thích bộ môn Lịch sử. Đối với những tiết dạy bài mới, thay vì kiểm tra bài cũ theo phương pháp truyền thống gọi-đáp trên bảng, mỗi tiết chỉ kiểm tra 2-3 học sinh thì tôi thay bằng cách tổ chức trò chơi theo nhóm “Ai nhanh tay hơn” hoặc “Nhìn ảnh đoán nhân vật” hoặc “Thử tài đoán nhanh”. Tất cả các học sinh đều được củng cố lại kiến thức cũng, đồng thời hình thành kỹ năng làm việc tập thể trong các trò chơi đó”, cô Trang chia sẻ. 

Đồng quan điểm, thầy Nguyễn Văn Quyên, Tổ trưởng tổ Sử - Địa, Trường THCS Nguyễn Văn Linh (quận Cẩm Lệ) cho rằng, vai trò của người thầy rất quan trọng trong truyền cảm hứng cho học sinh. Theo thầy Quyên, trước khi học sinh nắm được phương pháp học bộ môn, nhiệm vụ hàng đầu của người thầy là phải khơi gợi ở học sinh tình yêu, sự đam mê với lịch sử thông qua những xúc động từ bài giảng, những câu chuyện kể, gắn kết những câu chuyện lịch sử trong cuộc sống hiện tại… “Giáo viên phải làm sao để các em hứng thú với mỗi tiết học, để thấy môn học không quá nặng nề và nắm được những kiến thức cơ bản. Có hiểu, thấy lịch sử là môn học gần gũi thì học sinh mới yêu môn học được”, thầy Quyên chia sẻ.

Kế hoạch thực hiện môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới
Ngày 11-7, Bộ GD&ĐT đưa ra kế hoạch thực hiện môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Nội dung của kế hoạch là xây dựng, lựa chọn, điều chỉnh, thẩm định chương trình Lịch sử cấp THPT phần bắt buộc với thời lượng 52 tiết/năm học (lớp 10, lớp 11, lớp 12) để dạy bắt buộc cho tất cả học sinh. Cùng đó, biên soạn, thẩm định tài liệu tập huấn thực hiện chương trình Lịch sử bắt buộc; Tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán các Sở GD&ĐT về hướng dẫn thực hiện Chương trình Lịch sử phần bắt buộc 52 tiết đối với lớp 10, lớp 11, lớp 12.

Bộ GD&ĐT yêu cầu Vụ Giáo dục Trung học thành lập Ban phát triển chương trình Lịch sử cấp THPT và thực hiện nhiệm vụ xây dựng, rà soát, điều chỉnh chương trình Lịch sử cấp THPT; biên soạn tài liệu hướng dẫn thực hiện chương trình. Thời gian hoàn thành các việc này trước ngày 25-8. Thành lập và tổ chức thẩm định của Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình Lịch sử cấp THPT phần bắt buộc đối với lớp 10, lớp 11, lớp 12. Thời gian hoàn thành trước ngày 15-8.

NGỌC HÀ

;
;
.
.
.
.
.