ĐNO - Hiện nay, vì lo lắng cho tương lai của con cùng tâm lý cho con “bằng bạn bằng bè” nên nhiều phụ huynh đang tạo ra áp lực, bắt con phải đi hết lớp học thêm này đến lò luyện khác. Theo thông tin từ Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội, chỉ tính trong năm qua, Tổng đài 111 khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên do trung tâm quản lý đã tiếp nhận được hàng ngàn cuộc gọi, trong đó hầu hết là những vấn đề về áp lực học hành thi cử...
Không nên tạo áp lực học hành cho con trẻ mà hãy để con tự phát huy hết khả năng của mình. Ảnh minh họa |
Cụ thể, theo Tổng đài 111 khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên, có 9.477 cuộc gọi gồm: 9.137 cuộc tư vấn và 340 ca kết nối can thiệp hỗ trợ. Trong đó, số cuộc gọi từ người dân và trẻ em trên địa bàn thành phố Đà Nẵng là 649 cuộc (gồm 611 cuộc gọi tư vấn, 34 ca kết nối can thiệp hỗ trợ các vấn đề liên quan đến trẻ em, tăng 84 cuộc gọi so với cùng kỳ năm trước).
Về nội dung cuộc gọi: đối với cuộc gọi của trẻ, đa phần là những mâu thuẫn với bạn bè, thầy cô, cha mẹ, áp lực học tập, thi cử hay bắt nạt ở trường học, những băn khoăn, lo lắng liên quan đến sự thay đổi cơ thể ở tuổi dậy thì…. Đối với các cuộc gọi của phụ huynh/người chăm sóc trẻ chủ yếu quan tâm đến sức khỏe của trẻ, thay đổi tâm sinh lý của trẻ khi gặp các vấn đề rối loạn về ngôn ngữ, hành vi, cảm xúc…
Lẽ dĩ nhiên, con học giỏi luôn là niềm mong mỏi của bố mẹ. Chị Đỗ Thị Hà, phụ huynh của một học sinh đang học tại Trường THCS Lê Thánh Tôn (quận Hải Châu) chia sẻ: “Cầm bảng điểm của con thấp hơn so với kỳ trước là thấy “nóng mặt” rồi”. Không chỉ dừng ở la mắng như chị Hà, anh Lê Duy, có con học tại một trường THCS ở quận Thanh Khê còn đánh con liên tục khi con bị điểm kém, dẫn đến cậu bé ngày càng mặc cảm và học yếu hơn. “Hiện nay, ngoài học ở lớp, tôi cho con đi học thêm đủ các môn như Toán, Văn, Anh. Vậy mà điểm vẫn thấp, bảo sao tôi không thất vọng”, anh Duy bộc bạch.
Giám đốc Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội Nguyễn Văn Châu cho biết, Trung tâm đang tiếp tục duy trì thực hiện mô hình Điểm công tác xã hội tại quận Hải Châu và huyện Hòa Vang; phối hợp xây dựng, công bố và truyền thông website Bảo vệ trẻ em và chăm sóc sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội. Đồng thời, trung tâm cho thiết kế và đăng 30 bộ tranh ảnh bằng hình vẽ cho 20 câu chuyện của thanh thiếu niên về những nguy cơ bạo lực xâm hại trẻ em, những biện pháp phòng tránh, thông tin hữu ích, địa chỉ tin cậy bảo vệ trẻ em và chăm sóc sức khỏe tâm thần trên website Baovetreemdanang.vn…
Theo ông Châu, tình trạng học sinh có dấu hiệu stress, có những khúc mắc, áp lực liên quan tới học tập, mâu thuẫn với cha mẹ ngày càng gia tăng. “Cha mẹ nên trở thành người bạn với con, gợi mở cách trò chuyện, cách để con chia sẻ vấn đề của mình, giúp con có một hướng đi phù hợp, can thiệp đúng mức, đúng cách”, ông Châu nói.
Thực tế hiện nay, nhiều phụ huynh đang hướng đến cái danh “đại học” hơn là cái ngành mà con cần học nên luôn tạo áp lực cho con phải đỗ trường này, trường kia. Tuy nhiên, trên thực tế, các em có thể chọn con đường khác để vào đời mà không nhất thiết phải thi đại học. Với trẻ ở giai đoạn vị thành niên, là giai đoạn khá đặc thù, có nhiều mốc quan trọng, bởi vậy cha mẹ nên dành thời gian cho con, hiểu những thay đổi của con trong giai đoạn này để có cách chăm sóc, hỗ trợ con phù hợp, tránh gây ức chế cho trẻ.
THU SƯƠNG