ĐNO - Ngày 21-10, Trường Đại học (ĐH) Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt-Hàn, ĐH Đà Nẵng công bố tuyển sinh, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ vi mạch bán dẫn.
VKU tiếp tục ký kết hợp tác với Tập đoàn đầu tư công nghệ Nam Long hợp tác xây dựng phòng LAB, công nghệ mới về vi mạch, 5G... Ảnh: NGỌC HÀ |
Theo đó, từ năm 2024, Trường ĐH Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt-Hàn (VKU) dự kiến tuyển sinh mới khoảng 500 chỉ tiêu ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn. Chương trình đào tạo gồm 160 tín chỉ với kiến thức cơ sở ngành – kiến thức nền tảng, kiến thức chuyên ngành – thiết kế vi mạch bán dẫn trong thời gian 4,5 năm. Đến năm 2028 trở đi sẽ có sinh viên tốt nghiệp đúng ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn.
VKU triển khai điều chỉnh chương trình đào tạo và chuyển tiếp 180 sinh viên sinh đang học các ngành gần như Công nghệ kỹ thuật máy tính, Hệ thống nhúng và IoT, Công nghệ thông tin sang định hướng thiết kế vi mạch bán dẫn. Dự kiến đến năm 2025 sẽ có khóa đầu tiên tốt nghiệp.
VKU cũng xây dựng chính sách hỗ trợ từ 50-100% học phí, miễn phí ở ký túc xá 2 học kỳ đầu và xét tiếp cho các năm tiếp theo; hợp tác và kêu gọi các nguồn tài trợ học bổng từ doanh nghiệp, đề xuất các chính sách hỗ trợ từ thành phố Đà Nẵng và các chính sách hỗ trợ liên quan khác cho sinh viên ngành này.
Để chuẩn bị đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ vi mạch bán dẫn, năm 2022, VKU khởi công Lab thiết kế vi mạch trị giá 10 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc trong khuôn khổ dự án ODA – KOICA.
Dịp này, VKU tiếp tục ký kết hợp tác với Tập đoàn đầu tư công nghệ Nam Long hợp tác xây dựng phòng LAB, công nghệ mới về vi mạch, 5G… triển khai các chương trình đào tạo thực tế tại VKU. Đồng thời, ký kết với Công ty FPT, Viện Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia Hà Nội), Viện Tích hợp hệ thống, Trường Đại học Kỹ thuật Lê Quý Đôn hợp tác đào tạo và nghiên cứu chương trình kỹ sư, sau đại học về thiết kế vi mạch bán dẫn; thực tập thực tế, tuyển dụng…
NGỌC HÀ