Tìm đến nhà anh Nguyễn Ngọc Linh, con trai cố NSƯT Nguyễn Vĩnh Huế không khó vì hầu như tất cả diễn viên, nghệ sĩ… của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đều sống cùng một nơi, gọi là “phố nghệ sĩ” (đường Tô Hiến Thành, quận Sơn Trà).
Căn nhà ngay ngã ba nhưng im lìm, vắng vẻ. Có lẽ, từ ngày NSƯT Vĩnh Huế mất, “bạn tuồng” cũng ít tới lui. Ghé mắt qua song cửa, chúng tôi biết mình đã tìm đúng nhà bởi những chiếc mặt nạ đủ màu, những khuôn thạch cao, bột đá... chất đầy phòng khách, phảng phất mùi sơn hòa lẫn với bột đá, polymer...
Nghệ nhân Nguyễn Ngọc Linh bên gian hàng vẽ mặt nạ tuồng phục vụ khách du lịch. Ảnh: Q. TRANG |
1. Có thể nói, trong làng nghệ thuật, hiếm có cặp cha con nghệ nhân nào như NSƯT Nguyễn Vĩnh Huế và anh Nguyễn Ngọc Linh. Trong khi cha là cây đại thụ của sân khấu tuồng miền Trung thì con lại đóng vai trò đứng… đằng sau sân khấu. Cũng phải giới thiệu sơ lược là, gần như cả gia đình NSƯT Nguyễn Vĩnh Huế đều lớn lên trên sân khấu hát bội. Cha ông là nghệ sĩ Nguyễn Vĩnh Trung, mẹ là NSND Ngô Thị Liễu, anh trai là NSƯT Nguyễn Vĩnh Phô…
Từ nhỏ, Nguyễn Ngọc Linh đã được “tắm mình” trong môi trường nghệ thuật tuồng, lớn lên giữa ánh đèn sân khấu và những hình tượng nhân vật được cha, ông bà nội thể hiện… Thậm chí, từ lúc 5, 6 tuổi, anh đã tham gia vào nhóm Đồng ấu (gồm những đứa trẻ con nhà nòi) cùng cha và các cô chú nghệ sĩ của đoàn tuồng Liên khu 5 đi diễn khắp miền Trung. Sớm tiếp cận với nghệ thuật tuồng nhưng anh Linh bảo, anh thiếu một chút duyên để trở thành nghệ sĩ.
Lớn lên chút nữa, khi cha anh bắt đầu chuyên tâm nghiên cứu về mặt nạ tuồng, anh bỗng thích thú với những đường nét, màu sắc trên mặt nạ. Anh kể: “Năm 1997, cha tôi được chuyển về công tác tại Ty Văn hóa - Thông tin Quảng Nam-Đà Nẵng. Ngoài công tác đạo diễn, ông còn được phân công làm phó ban nghiên cứu nghệ thuật tỉnh.
Từ đó, ông bắt đầu đi sâu nghiên cứu nghệ thuật tuồng, đặc biệt là mặt nạ. Khoảng thời gian đó, công trình tương đối đầy đủ về lý luận và thống kê được 82 mẫu mặt các nhân vật tuồng”. Không đi sâu nghiên cứu cũng như am hiểu bằng cha nhưng anh Linh được xem là người duy nhất ở Đà Nẵng hiện nay thể hiện được cái hồn của mặt nạ tuồng. Nhìn đôi tay anh tỉ mẩn từng đường nét trên chiếc mặt nạ của những nhân vật Tạ Ngọc Lân, Phàn Diệm, Lữ Bố… không ai tin anh chưa từng học qua lớp mỹ thuật nào. Cầm trên tay chiếc mặt nạ chưa hoàn thiện, anh nói:
“Khuôn mặt trong tuồng cũng dựa vào các khuôn mặt ngoài đời như: mặt chữ điền, mặt trái xoan, mặt tròn, mặt dài, mặt lưỡi cày… để tạo nên nhiều mẫu mặt của từng nhân vật. Những mảng trắng trên khuôn mặt là để chỉ cơ mặt trên khuôn mặt đó. Trong nghệ thuật tuồng, trừ các nhân vật mang mặt trắng, các nhân vật mang mặt rằn được cách điệu lên khác hẳn với cuộc sống bình thường”.
Những mặt nạ tuồng do nghệ nhân Nguyễn Ngọc Linh vẽ. Ảnh: Q. TRANG |
Đã từng có vinh dự gặp gỡ và trò chuyện với NSƯT Nguyễn Vĩnh Huế về sân khấu tuồng, tôi nhớ như in hình ảnh người nghệ sĩ già với giọng nói trầm khàn, đứt quãng vì hụt hơi nhưng khi nhắc đến tuồng thì nói trôi chảy như trút hết ruột gan. Giờ đây, ngồi trò chuyện cùng anh Linh, tôi nhận ra anh yêu tuồng chẳng kém gì cha mình, theo một cách khác.
Mê vẽ mặt nạ từ năm 14, 15 tuổi, anh thuộc làu các quy ước cơ bản của mặt nạ. Như: Mặt chữ điền là người chính trực/ Mặt lưỡi cày là tay đoản hậu/ Râu rìa lông ngực là tội phản thần/ Lưỡi mục bất động, tâm tính bất minh…
Theo anh Linh, đây là quy ước của nghệ thuật tuồng với khán giả, để khi một nhân vật xuất hiện thì khán giả biết ngay nhân vật đó thuộc loại tính cách nào, trung hay nịnh, thiện hay ác, tốt hay xấu, nóng nảy, cộc cằn hay điềm tĩnh, khoan dung… Không được để cho khán giả mất thời gian suy đoán nhân vật mà tập trung thưởng thức nghệ thuật biểu diễn của diễn viên. Để thuộc được các quy ước này, nhớ hàng chục mẫu mặt, chỉ có thể là “tuồng đã nhiễm vào máu”.
Tuy không theo nghiệp diễn của cha nhưng năm 18 tuổi, anh Linh tham gia vào Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh với vai trò nhân viên phụ trách ánh sáng. “Người làm ánh sáng còn thuộc lời thoại hơn cả diễn viên. Lớp tuồng nào ra, câu thoại nào chuẩn bị nói là nhân viên ánh sáng phải chiếu đèn phù hợp. Đèn lúc đào hát phải khác đèn lúc kép hát. Khi tuồng hạ màn, nhân viên ánh sáng cũng phải bật, tắt đèn phù hợp. Chính khoảng thời gian đứng sau cánh gà này đã giúp tôi tự nhiên thuộc làu lời thoại của tuồng, hiểu cặn kẽ từng nhân vật trong các vở. Chính vì hiểu nên mới vẽ được”, anh Linh bộc bạch.
Cầm trên tay 2 chiếc mặt nạ ông lão có nét mặt tương tự nhau, anh Linh giải thích, cùng là người già với tính cách tương đồng nhưng ông lão ở miền núi thường có thân hình đậm chắc, giọng nói hào sảng, khi nói thì “phùng mang trợn mắt” nên cơ mặt rắn rỏi hơn.
Ông lão đến từ thành thị thì nói năng nhỏ nhẹ hơn nên cơ mặt phải dịu lại. Cái khó thể hiện nhất trên mặt nạ là “điểm nhãn” - đây cũng là nét được vẽ sau cùng. Chỉ cần một nét chấm phá, tính cách, tâm tư tình cảm của nhân vật sẽ thay đổi. Do đó, muốn thể hiện ra chất của nhân vật, không gì khác là phải hiểu sâu nhân vật và vở diễn.
2. Nghề chính của nghệ nhân Nguyễn Ngọc Linh không phải là vẽ mặt nạ tuồng dẫu người ta biết đến anh với nghề tay trái này. Gọi là tay trái bởi nó đem lại cho anh niềm vui chứ không đem lại thu nhập. Mà làm sao kiếm được thu nhập khi anh vẽ mặt nạ với sự ngẫu hứng? Có khi, anh dọn sơn, cọ, màu… ra và vẽ một mạch từ 7 giờ sáng đến 2-3 giờ đêm.
Cũng có khi cả 2-3 tháng anh không vẽ được 1 chiếc. Mà tại công đoạn làm ra một chiếc mặt nạ cũng quá kỳ công. Đầu tiên là bồi giấy, đến phơi khô, làm nguội, làm phẳng, sơn lót, phác họa rồi mới đến công đoạn vẽ chính. Vì nhiều khâu như vậy nên chỉ khi nào thực sự có thời gian, có cảm hứng anh mới bắt tay vào làm. Nếu đang vẽ mà bị cắt ngang, mất hứng là coi như bỏ luôn. Người bình thường nhìn chiếc mặt nạ có thể chỉ phân biệt được đẹp, xấu nhưng người tinh tường có thể nhìn ra tâm trạng của người vẽ mặt nạ.
Khi anh vui vẻ, phấn chấn chiếc mặt nạ anh làm ra sẽ khác với khi anh buồn bực. Trong chương trình thúc đẩy du lịch ở bờ đông sông Hàn, thỉnh thoảng vào tối thứ bảy, người ta vẫn bắt gặp gian hàng vẽ mặt nạ của nghệ nhân Nguyễn Ngọc Linh còn đủ sức hút với người già người trẻ phố thị. Nhưng anh Linh bảo, đó không phải là mặt nạ nghệ thuật, nó là mặt nạ biểu diễn mà mỗi đêm anh có thể vẽ 4-5 chiếc và mỗi chiếc cũng chỉ vài chục ngàn đồng.
“Thực sự, một chiếc mặt nạ thủ công rất khó định giá. Nó phụ thuộc vào người đặt cần gấp hay không; mua mặt nạ nhằm mục đích gì (biểu diễn hay lưu trữ lâu dài, nếu sưu tầm lâu dài thì thường chất liệu phải khác hẳn với mặt nạ biểu diễn); khuôn mặt nạ nhỏ hay to (mặt nạ càng nhỏ càng đắt tiền)…”, anh Linh phân tích để trả lời cho câu hỏi:
“Tại sao phải cực đoan phân biệt mặt nạ sân khấu và mặt nạ sưu tầm”. Anh Linh bảo, anh tham gia vẽ biểu diễn mặt nạ tuồng để quảng bá du lịch, coi như là sự kế nghiệp người cha mê đắm mặt tuồng. Bước qua tuổi 50, anh càng trăn trở chuyện giữ gìn thứ di sản tinh thần mà cả mấy đời nhà mình đã dày công vun đắp.
Những năm sau này, anh vẽ nhiều hơn. Những đơn đặt hàng từ khắp nơi về, không chỉ trong nước mà cả nước ngoài. Vẽ nhiều, anh sinh trăn trở, từ trước đến nay, lớp nghệ sĩ đi sau thường kế thừa những cách vẽ mặt nạ mẫu mực mà lớp người trước để lại. Còn nhiều mẫu mặt các nhân vật trong các vở tuồng khác chưa được khai thác thì ít ai biết đến.
Vì vậy, sau khi các bậc thầy lần lượt ra đi, đến lúc cần khai thác thêm một vở tuồng truyền thống nào đó thì diễn viên lúng túng không biết kẻ mặt nhân vật như thế nào nên cứ kẻ một cách tùy tiện, có khi đúng mà cũng có khi sai, không theo nguyên tắc nào cả. Dù là con nhà nghề, với mỗi chiếc mặt nạ, anh Linh đều dày công tìm hiểu trước, thậm chí, lật sách, lật vở trước mặt để tránh sai sót.
Anh luôn tâm niệm, mỗi chiếc mặt nạ sẽ là một sứ giả để khán giả đã yêu thích hoặc chưa yêu thích hiểu được cái hay, cái đẹp của nghệ thuật tuồng. Và, người chắp bút phải vẽ với tinh thần kế thừa và phát triển một cách đúng hướng, tôn trọng nền tảng mà các nghệ sĩ lỗi lạc đã dày công vun đắp, đưa tuồng từ một hình thức sân khấu dân gian trở thành một sân khấu truyền thống có tính bác học.
Trước khi tôi ra về, anh nói với theo, có thể do nhiều nguyên nhân, nghệ thuật tuồng không được công chúng hâm mộ như trước nữa. Tuồng cũng như opera của phương Tây, kinh kịch của Trung Quốc… không phải ai cũng thưởng thức được.
Nhưng, những khán giả của tuồng thì có những người có thể xem đi xem lại hàng trăm lần một vở tuồng cũng không thấy chán. Là con cháu dòng họ mê đắm tuồng, anh sẵn sàng san sẻ hết bí quyết vẽ mặt nạ, dẫu mặt nạ của anh đã được đăng ký bản quyền, chỉ để góp phần bảo tồn một nghệ thuật phi vật thể độc đáo của Việt Nam.
Quỳnh Trang