Hơn năm nay, Đà Nẵng mọc lên một số quán cà-phê hoài cổ ở các góc phố nhỏ như chốn dừng chân của những người đam mê cà-phê và muốn tìm về ký ức.
Góc “hàng tạp hóa” tại Cà-phê Nối đưa khách hàng về ký ức tuổi thơ. |
Một điều dễ nhận thấy ở những quán cà-phê này là hầu hết cách bài trí, kiến trúc của quán đều phảng phất hình ảnh và không khí những năm 1970, 1980. Quán ở khuất sâu những con hẻm nhỏ và nằm trong những ngôi nhà cũ lại càng tăng thêm độ “chất”.
Tại Cà-phê Nối (113/18 Nguyễn Chí Thanh), không khó bắt gặp những vật dụng quen thuộc của mấy mươi năm trước như xe máy MZ, ti-vi trắng đen, băng cát-sét, đèn dầu, máy may, bàn ủi, phích nước cũ, đến những hộp dầu ngôi sao đỏ, mì gói miliket, mực viết Queen... Để có được những vật dụng trưng bày tại quán, anh Trương Nguyễn, chủ quán đã cất công sưu tầm, góp nhặt từ những năm học cấp 3 (1998-2002). Tuổi đời còn trẻ nhưng anh lại thích những món đồ xưa cũ hơn là hàng “muốn mua là có”. Anh cũng từng mở quán cà-phê tương tự tại quận Tân Bình (TP. Hồ Chí Minh) và chọn Đà Nẵng lập nghiệp gần 3 năm nay. Ba yếu tố chính anh tập trung tạo thành nét đặc biệt cho quán là “nhà xưa, xe xưa và nhạc xưa”; bởi thế, ghé vào quán, thực khách sẽ được rót vào tai thứ âm nhạc “là lạ, quen quen” từ đĩa than và những cuốn băng cát-sét. “Thông qua Nối, tôi muốn kết nối quá khứ và hiện tại, truyền thống và hiện đại; kết nối con người với nhau, tạo một chốn tĩnh lặng giữa xô bồ cuộc sống”, Trương Nguyễn nói.
Bạn T. Ngọc (29 tuổi, quận Hải Châu), một khách quen của Cà-phê Nối chia sẻ, nơi đây không có đèn màu bóng loáng hay thiết bị điện hiện đại mà chỉ có mấy cái hộp quẹt, máy phát nhạc và những mảng tường hoen ố cùng tiếng quạt cũ quay khe khẽ. Thực đơn và nhiều câu khẩu hiệu với bút tích tự viết cũng gần gũi lạ kỳ. “Tôi như trở lại ngôi nhà của ông bà, những tưởng với tay cũng chạm được vào ký ức đẹp đẽ thuở thơ ấu”, Ngọc tâm sự.
Trong khi đó, với “Tiệm nước bao cấp”, ngay từ tên quán cũng đủ gợi về tháng ngày xa xưa. Trên con đường Bạch Đằng sầm uất, bước vào hẻm 30/14, nhiều người ồ lên thú vị khi bắt gặp chiếc xe đạp Phượng Hoàng, bộ ghế salon gỗ, điện thoại bàn và chiếc radio... “Qua lời giới thiệu của người quen, một Việt kiều Mỹ ghé thăm quán và chỉ mới dừng chân trước cửa ông đã khóc tu tu như một đứa trẻ. Bởi khi sang xứ người, hình ảnh ông mang theo trong tâm khảm là ngôi nhà thân thuộc. Và ông như được nhìn thấy ngôi nhà của chính mình tại nơi đây. Niềm xúc động của ông làm tôi hạnh phúc vô cùng vì những gì tôi yêu quý đã chạm đến trái tim của người khác”, Thanh Vũ, chủ “Tiệm nước bao cấp” kể.
Thanh Vũ là một tay sưu tầm đồ cũ có thâm niên trong hội những người mê đồ cổ Đà thành. Những vật dụng trưng bày tại quán là “tài sản riêng” được anh mua lại của anh em trong hội hoặc góp nhặt từ những chuyến về quê và cả may mắn mua được từ bà bán ve chai... “Nếu mở quán kiểu này mà trong tay không có sẵn vật dụng trưng bày thì coi như thua. Tôi may mắn có cơ duyên tìm được chiếc xe Phượng Hoàng cũ, bộ bàn ghế bỏ lăn lóc ngoài vườn mà chủ nhân của nó gần như cho không. Tôi mong muốn tạo một điểm đến, không đơn thuần là quán nước mà là ngôi nhà xưa để ai đó mệt mỏi muốn tìm về với kỷ niệm”, Thanh Vũ bộc bạch.
Hiện tại Đà Nẵng có khoảng hơn chục quán cà-phê theo phong cách hoài cổ. Có thể kể thêm như: Cà-phê Cộng, Danang 1975, Đen Đá Coffee & Dessert... Khách quen của quán là người có tuổi và cả những người trẻ, bởi thưởng thức tách cà-phê trong “mái nhà xưa” cũng là trải nghiệm khá thú vị giữa cuộc sống đổi mới từng ngày.
Bài và ảnh: NGỌC HÀ