* Thông qua điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển ngành văn hóa, thể thao
Di tích quốc gia đặc biệt thành Điện Hải được lãnh đạo thành phố chỉ đạo đầu tư quy mô, xứng tầm. Ảnh: NGỌC HÀ |
Sáng 1-3, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ và Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn có buổi làm việc với Sở Văn hóa-Thể thao (VH-TT) để nghe báo cáo hoạt động, định hướng phát triển và những đề xuất, kiến nghị của sở.
Theo báo cáo, trong năm 2018, Sở VH-TT tập trung thực hiện 10 nhiệm vụ trọng tâm; trong đó, phối hợp các các ngành, địa phương tổ chức thành công Lễ hội Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng; kỷ niệm 160 năm Đà Nẵng mở đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược; cuộc thi Marathon quốc tế; xây dựng đề án và triển khai thực hiện việc sáp nhập, hợp nhất các đơn vị sự nghiệp trực thuộc.
Sở VH-TT kiến nghị lãnh đạo thành phố quy hoạch quỹ đất dành cho các thiết chế văn hóa, không tiếp tục lấy quỹ đất đã quy hoạch xây dựng các công trình VH-TT chuyển sang xây dựng các công trình khác; chỉ đạo và bố trí vốn để các quận, huyện đầu tư xây dựng, hoàn thiện thiết chế VH-TT theo quy hoạch được duyệt.
Ngoài ra, sở cũng đề nghị UBND thành phố cho chủ trương để sở tự cân đối kinh phí sự nghiệp văn hóa được giao năm 2018 để đầu tư thiết bị chiếu phim cho rạp Lê Độ với mức 5 tỷ đồng. Đối với công tác di sản, bảo tồn, Sở VH-TT đề nghị UBND thành phố chỉ đạo xử lý các công trình tiếp cận hoặc gần với di tích thành Điện Hải; bố trí kinh phí để thực hiện dự án tu bổ, phục hồi, tôn tạo di tích Hải Vân quan. Đối với lĩnh vực thể thao, đề nghị hoàn thiện các mục còn lại của sân bóng đá Hòa Xuân, khu liên hợp thể thao Hòa Xuân…
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ cơ bản đồng ý với nhiệm vụ năm 2018 cũng như những đề xuất của Sở VH-TT; đồng thời, chỉ đạo Sở VH-TT duy trì có hiệu quả hơn việc thực hiện nếp sống văn hóa văn minh đô thị; chú trọng thể thao thành tích cao; yêu cầu các sở, ngành liên quan phối hợp với Sở VH-TT để có hướng dẫn cụ thể về cơ chế xã hội hóa đối với các thiết chế VH-TT; đề nghị các địa phương trong quá trình triển khai về cơ chế xã hội hóa nếu thấy vướng mắc phải đề xuất cụ thể lên các sở, ngành để tìm hướng giải quyết.
Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh, theo chủ trương của thành phố, trong thời gian đến, nhiều không gian ở các khu vực như Thuận Phước (từng bố trí xây dựng Trung tâm Văn hóa thành phố, nhà hát lớn), khu vực phía đông nam Đài Tưởng niệm thành phố (từng bố trí xây dựng Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố) và thu hồi các dự án đã được cấp phép nhưng không triển khai… quy hoạch dành cho văn hóa.
Do đó, đề nghị ngành VH-TT tích cực phối hợp, kết hợp chặt chẽ với các sở, ngành để có kế hoạch dùng quỹ đất đó hình thành các cụm VH-TT, giải trí, du lịch phục vụ người dân và du khách. Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ cũng cho ý kiến đối với một số thiết chế văn hóa trọng điểm của thành phố.
Cụ thể, đối với thành Điện Hải, xem xét các công trình tiếp cận với di tích như: trạm điện của Trung tâm Công nghệ phần mềm, Nhà Văn hóa phường Thạch Thang, dự án Nhà hàng và bến du thuyền Bạch Đằng; đề nghị các ngành chức năng liên quan nhanh chóng di dời các hộ dân còn lại ra khỏi di tích thành Điện Hải để tiến hành triển khai thi công giai đoạn 1 dự án phục hồi, tôn tạo thành Điện Hải; cử nhóm chuyên gia sưu tầm tư liệu gốc về thành Điện Hải ở nước ngoài; tổ chức lấy thêm ý kiến chuyên gia trong quá trình triển khai giai đoạn 2 của dự án, đầu tư xứng tầm cho thành Điện Hải để làm nổi bật giá trị lịch sử, văn hóa và kiến trúc của di tích quốc gia đặc biệt thành Điện Hải.
Đối với Trung tâm Văn hóa thành phố, cơ bản thống nhất di dời về Trung tâm Hội chợ - Triển lãm Đà Nẵng; đồng thời mời công ty tư vấn thiết kế có uy tín đánh giá tổng quan về tòa nhà 42 Bạch Đằng, cải tạo, nâng cấp và xây dựng thêm một vài hạng mục mới phù hợp với chức năng của bảo tàng để di dời Bảo tàng Đà Nẵng về vị trí này.
* Sáng cùng ngày, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ có buổi họp với các thành viên hội đồng thẩm định về điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển ngành VH-TT thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Theo đó, mục tiêu đến năm 2020, 100% xã, phường có nhà văn hóa; 100% quận, huyện có trung tâm VH-TT đạt chuẩn quốc gia; 100% thiết chế văn hóa cấp thành phố đạt chuẩn quốc gia. Tầm nhìn đến năm 2030 sẽ đầu tư xây dựng, nâng cấp và mở rộng hệ thống các bảo tàng, nhà triển lãm, trung tâm văn hóa, rạp chiếu phim; các công viên văn hóa.
Triển khai đề án phát triển hệ thống thư viện công cộng thành phố giai đoạn 2017-2020, đến năm 2020 đưa ngành thư viện công cộng thành phố Đà Nẵng vươn lên vị trí tốp đầu của toàn quốc. Trên cơ sở quy hoạch tổng thể ngành, các thành viên hội đồng thẩm định đã thông qua điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển ngành VH-TT thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, tuy nhiên đề nghị chỉnh sửa bổ sung một số nội dung liên quan.
Trong đó, ưu tiên dành quỹ đất để xây dựng các thiết chế văn hóa công cộng phục vụ lợi ích cộng đồng; phát triển văn hóa gắn với cộng đồng và không gian mở; đổi mới cơ chế quản lý, vận hành các thiết chế văn hóa một cách hiệu quả nhất ngay trong năm 2018.
NGỌC HÀ