Xuất phát từ niềm đam mê nghệ thuật, các thành viên gặp nhau ở tâm nguyện khôi phục và phát huy những làn điệu dân ca, tái hiện trò chơi hô hát bài chòi để đáp ứng nhu cầu giải trí của đông đảo nhân dân, nhất là trong các dịp lễ, Tết.
“Sông Yên xin mở lời chào/ Chào anh, chào chị, chào bạn bầu gần xa/ Vào đây nghe hát dân ca/ Bài chòi xứ Quảng thiết tha trong lòng…”. Câu thai rộn rã của các thành viên CLB Bài chòi Sông Yên (thuộc Trung tâm Văn hóa-Thể thao huyện Hòa Vang) đã trở nên thân tình với người dân nơi đây. CLB được thành lập năm 2011, gồm 15 thành viên, trong đó có 4 nghệ nhân ưu tú (NNƯT), 3 cặp hô hiệu chính, 3 nhạc công. Trải qua 7 năm, CLB đã khẳng định được một sân chơi lành mạnh, bổ ích và hấp dẫn đối với bà con ở địa phương.
CLB Bài chòi Sông Yên biểu diễn để Trung tâm Di sản Việt Nam thẩm định, đề nghị UNESCO công nhận các loại hình dân ca bài chòi là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. |
Trong quá trình hô hát, các nghệ nhân của CLB có sự tìm tòi, nghiên cứu, biên soạn thêm những câu hô thai mới, thể hiện tốt các làn điệu dân ca xứ Quảng, dân ca Trung Bộ và vận dụng nhuần nhuyễn những điệu hò câu hát của mọi miền Tổ quốc. Đặc biệt, trong những lời hô hát, các nghệ nhân lồng ghép nội dung tuyên truyền xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị. Sự vận dụng sáng tạo “bình cũ rượu mới” đem lại hiệu quả tuyên truyền cao mà vẫn vui nhộn, dí dỏm, dễ nghe, dễ nhớ. Đơn cử như “Giữ gìn nề nếp gia phong/ Đời sống văn hóa cộng đồng dựng xây/ Tình sâu nghĩa trọng ơn dày/ Đối nhân xử thế điều hay lưu truyền...”.
Không chỉ vậy, giữa các hội cờ còn có chương trình ca múa nhạc, làm tăng sự phong phú, cuốn hút người chơi và khách tham quan. Từ Chủ nhiệm CLB Nguyễn Thị Nhật Lệ đến các NNƯT Đỗ Hữu Quế, Lê Thế Dân, từ những “cây dân ca” Hồ Thanh Châu, Võ Thị Thùy Ninh đến các diễn viên trẻ Hồng Hạnh, Thúy Tàu đều thể hiện tốt và đầy cảm xúc các câu hô hát và nhiều ca khúc trữ tình.
Thời gian qua, CLB đã biểu diễn phục vụ nhiều sự kiện lớn trên địa bàn Đà Nẵng và các địa phương khác, được đông đảo nhân dân đón xem với sự say mê, thích thú như tại Hội hoa xuân (Công viên 29-3), lễ hội đình làng Túy Loan, lễ hội Cầu ngư ở quận Thanh Khê, lễ hội Quán Thế Âm quận Ngũ Hành Sơn, lễ hội pháo hoa quốc tế, ngày hội vào Xuân năm 2018 ở quận Cẩm Lệ. Chị Nguyễn Thị Nhật Lệ cho biết, bình quân CLB phục vụ mỗi đêm từ 10-12 hội chơi; mỗi hội từ 14-16 suất cờ, tương đương với 140-160 người tham gia.
CLB Bài chòi Sông Yên đã được nhiều cơ quan, đơn vị khen thưởng và vinh dự được Chủ tịch UBND thành phố tặng bằng khen. Năm 2014, CLB được chọn đại diện Đà Nẵng tham gia Liên hoan diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc tại Lâm Đồng và đoạt huy chương vàng. Năm 2016, CLB tham dự Liên hoan đàn hát dân ca toàn quốc tại Kiên Giang và đoạt 1 huy chương vàng, 2 huy chương bạc. Đầu năm 2017, CLB được chọn biểu diễn để Trung tâm Di sản Việt Nam thẩm định, đề nghị UNESCO công nhận các loại hình dân ca bài chòi là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Năm 2018, CLB được chọn biểu diễn trong buổi lễ đón nhận Bằng công nhận các loại hình dân ca bài chòi của Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại…
Đặc biệt, thực hiện chương trình đưa dân ca vào trường học, CLB đảm nhiệm biên soạn tài liệu và giảng dạy kỹ năng hô hát các làn điệu dân ca Khu 5 cho giáo viên và học sinh huyện Hòa Vang. Đến nay, CLB đã triển khai tại 42 trường mầm non, tiểu học và THCS trên địa bàn huyện. Ban chủ nhiệm CLB còn tổ chức bồi dưỡng kỹ năng hô hát bài chòi cùng các làn điệu dân ca Khu 5 cho đội ngũ cán bộ cơ sở và các hạt nhân phong trào văn hóa văn nghệ tại 11 xã trong huyện.
Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM