Tết xưa, xóm cũ

.

ĐNO - Lâu rồi, tôi không còn cảm giác mong Tết đến nữa, có lẽ vì lớn rồi nên cách thể hiện tình cảm cũng thay đổi. Chiều nay, rảo bước chợ hoa trong tiết trời se lạnh, cái cảm giác Tết xưa lại ùa về. Chạnh lòng nhớ đến da diết cảm giác đếm từng ngày, mong đến ngày Tết của cái hồi còn ở với ba mạ, cái hồi còn ở xóm cũ nơi góc phố xưa.

Khi những tia nắng nhẹ sáng bừng lên hâm nóng không khí lạnh của tiết trời chuyển từ đông sang xuân chính là lúc mạ tôi chuẩn bị các nguyên liệu (cà rốt, củ kiệu, gạo nếp, đậu xanh, gừng tươi…) để làm các món ăn cho ngày Tết.

Bọn nhóc chúng tôi, ngoài giờ học và chơi thì có thêm nhiệm vụ quan trọng, buổi sáng mang tất cả những nguyên liệu ấy ra phơi, chiều tối lại lo mang vào. Mái tôn nhà ọp ẹp bỗng chốc sáng bừng lên với những ô vuông như “khuôn viên” nhỏ rực rỡ sắc màu, báo hiệu ngày Tết sắp đến.

Nhà đông anh em nên mạ thường ưu tiên cho đứa út là tôi được may đầy đủ một bộ quần áo mới. Các anh chị thì thi thoảng mới có một cái áo hay chiếc quần mới. Và chuyện quần cũ của đứa lớn cắt nhỏ lại thành đồ mới cho đứa nhỏ hơn ngày ấy cũng chuyện thường tình, chúng tôi đều đón nhận như món quà rất quý của ngày Tết. Thích nhất cái cảm giác được ngửi cái mùi của quần áo mới. Thường thì không giặt ngay, tôi thích để nguyên tất cả các lằn xanh, lằn đỏ vết phấn của bác thợ may còn nguyên trên quần áo, để tận hưởng cái mùi thơm của vải mới, cảm giác đó thật sung sướng, lâng lâng.

Nhưng có lẽ, sung sướng nhất là được mạ cho ngồi xem làm mứt. Hương vị bốc lên từ chiếc nồi ngào mứt mãi đến giờ tôi không thể nào quên được. Khi mỗi mẻ mứt ra lò, cái chảo cháy còn dính đường và một ít mứt sót lại là chiến lợi phẩm cho đứa nào còn thức, và thường thì không có đứa nào chịu đi ngủ mặc dù đôi mắt đã cay xè nhưng cái cảm giác được nếm miếng mứt cháy, tan dần nơi đầu lưỡi, ngọt thơm hơn cả những cái kẹo chính là động lực cho bọn nhóc thức đến tận khuya lắc khuya lơ.

Ngày 23 tháng Chạp, lễ cúng đưa ông Táo về trời. Mâm cúng ngoài trái cây, bao giờ cũng có cau trầu, bánh tráng, cục đường, giấy vàng bạc và tất nhiên là kèm theo tục lệ phóng sinh cá chép. Ngày xưa, chúng tôi luôn tin rằng ông Táo sẽ cưỡi cá chép bay về trời, kể cho ông trời những điều xảy ra trong năm qua của nhà mình.

Ba tôi bảo: “Ai hư, ông Táo tâu và sẽ bị ông trời trị tội!”. Riêng tôi còn ao ước ông Táo mang theo cả những ước mơ bé nhỏ của tuổi thơ: Tết được nghỉ học thật dài, được ăn bánh mứt thoải mái, nhận được nhiều tiền lì xì, được diện những bộ quần áo mới để 3 ngày xuân đi khoe khắp xóm giềng...

Khoảng 27, 28 tháng Chạp là lúc cả xóm tập trung nấu bánh tét. Khói từ nồi nấu bánh nghi ngút hòa quyện khói hương cúng tất niên làm cho không khí của những ngày sắp Tết thêm phần rộn ràng, pha chút linh thiêng. Mạ chuẩn bị đậu xanh, gạo nếp từ tối hôm trước, chiều đến chỉ việc gói. Bao giờ mạ cũng gói một chiếc bánh tét nhỏ xíu để ăn thử khi nấu và đứa út là tôi lại được ưu tiên phần, nhâm nhi chiếc bánh tét ấy vừa ngon vừa bùi vừa đượm thơm mùi lá chuối.

Ngày đó vẫn còn được đốt pháo. Ba chuẩn bị một dây pháo Nam Ô, năm nào làm ăn khấm khá, dây pháo có thêm một tấm liễn chúc xuân. Đến Giao thừa, tôi là người được giao nhiệm vụ leo lên mái tôn để cầm cây sào, tất nhiên không quên nhìn sang nhà hàng xóm xem pháo nhà bên có dài bằng nhà mình không. Pháo Nam Ô vốn nổi tiếng một thời, nổ to, vang rền khắp xóm. Sáng hôm sau, xác pháo vương đầy sân, những hạt mưa xuân lất phất, hiên nhà hòa quyện sắc pháo hồng, báo hiệu một năm mới với bao điều tươi mới. Ngày mồng một, cả nhà bao giờ cũng dậy thật sớm, bọn nhóc chúng tôi háo hức diện quần áo mới. Sau khi thắp nhang ông bà tổ tiên, cả nhà kéo nhau lên chùa hái lộc, cầu mong một năm an bình, vạn sự như ý.

Tết của ngày xưa thật bình dị, giản đơn mà cứ da diết nhớ vậy. Phải chăng, kỷ niệm đẹp luôn là một vết hằn in sâu trong tâm khảm, để rồi, mỗi khi Tết đến, xuân về, mọi thứ mang tên ngày xưa lại cuộn trào trong tôi có tên gọi Tết xưa, xóm cũ…

TÔ HÙNG

;
;
.
.
Công ty quà tặng doanh nghiệp grand cru
.
.
.