Văn học - nghệ thuật Đà Nẵng: Kỳ vọng một năm bứt phá

.

Khép lại một năm với nhiều hoạt động sôi nổi, văn nghệ sĩ thành phố đã có nhiều tác phẩm chất lượng, góp phần quan trọng phục vụ đời sống tinh thần ngày càng cao của nhân dân. Năm 2019, giới văn nghệ sĩ kỳ vọng hoạt động văn học - nghệ thuật (VHNT) sẽ bám sát sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội thành phố và có nhiều tác phẩm gây tiếng vang.

Văn nghệ sĩ thành phố nỗ lực trong sáng tạo nghệ thuật để phục vụ đời sống tinh thần ngày càng cao của các tầng lớp nhân dân.
Văn nghệ sĩ thành phố nỗ lực trong sáng tạo nghệ thuật để phục vụ đời sống tinh thần ngày càng cao của các tầng lớp nhân dân.

Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT thành phố Ông Văn Sinh nhìn nhận, một năm qua, 9 hội chuyên ngành có nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực, thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, Thành ủy về văn hóa, VHNT; đặc biệt chương trình “Thành phố 4 an”, “Văn hóa, văn minh đô thị”. Đây cũng là năm các hội chuyên ngành tổ chức nhiều chuyến đi thực tế, trại sáng tác, triển lãm tranh, ảnh; tổ chức nhiều buổi sinh hoạt học thuật; dàn dựng các tác phẩm ở lĩnh vực nghệ thuật sân khấu, nghệ thuật biểu diễn.

Điểm nhấn trong hoạt động của các hội chuyên ngành là đưa VHNT gần hơn với công chúng như: Hội Nghệ sĩ sân khấu dàn dựng 3 vở kịch ngắn, kịch vui biểu diễn phục vụ người dân quận Thanh Khê và huyện Hòa Vang; Hội Mỹ thuật tham gia vẽ tại hẻm bích họa (đường Nguyễn Văn Linh); Hội Nghệ sĩ múa, Hội Âm nhạc tham gia cuộc thi Múa hài toàn quốc, Liên hoan ca múa nhạc toàn quốc...

Đây cũng là năm Quỹ hỗ trợ sáng tác VHNT của Liên hiệp các Hội VHNT xét duyệt hỗ trợ nhiều hoạt động học thuật, công trình có chất lượng như: tổ chức 6 tọa đàm, dàn dựng 4 vở kịch ngắn, kịch vui, dàn dựng 4 tác phẩm múa dự thi múa hài, xuất bản 4 tập thơ, 2 cuộc triển lãm...

“Có thể nói, các chế độ, chính sách đối với VHNT được ban hành và triển khai thực hiện; kinh phí đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước được nâng lên cho các giải thưởng..., giúp hoạt động của các hội chuyên ngành phong phú hơn; kịp thời động viên văn nghệ sĩ thành phố tiếp tục lao động sáng tạo, tạo ra nhiều tác phẩm tốt phục vụ công chúng”, ông Ông Văn Sinh nói.

Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu, năm 2018, theo sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Thành ủy, Hội Nghệ sĩ sân khấu Đà Nẵng đã dựng các vở kịch ngắn, kịch vui về đề tài xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị, biểu diễn phục vụ người dân. Đây là hình thức tuyên truyền thiết thực, gần gũi nên được quần chúng nhân dân ủng hộ.

Các vở diễn như: Lão Điền thưa kiện, Nỗi đau và hạnh phúc, Vang mãi lời ru... nhận được những tràng pháo tay không dứt của bà con. “Sáng tạo nghệ thuật của văn nghệ sĩ sẽ dễ dàng hơn nếu có “bà đỡ” - cơ chế, chính sách, khán giả. Năm 2019, chúng tôi hy vọng tiếp tục được hỗ trợ để ghi hình những tác phẩm dân ca kịch nổi tiếng như: Chuyện tình bên dòng sông Thu, Thoại Khanh-Châu Tuấn; dàn dựng và biểu diễn tiểu phẩm ngắn về đề tài cách mạng Đường ra phía trước; tiếp tục xây dựng 5 kịch bản về đề tài xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị biểu diễn phục vụ người dân”, nghệ sĩ Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ.

Với nhà thơ Nguyễn Kim Huy, Chủ tịch Hội Nhà văn thành phố, hoạt động của Hội trong năm qua để lại nhiều dấu ấn. Nhiều hội viên có tác phẩm được phát hành, nhiều tác phẩm có chất lượng nghệ thuật, giá trị nội dung cao như: tập thơ Trong những lời yêu thương (Đinh Thị Như Thúy), tập truyện ngắn Nước mắt hạt bụi (Quế Hương), tập thơ Phơi cơn mưa lên chiều (Nguyễn Ngọc Hạnh), Tôi và sông (Hoàng Thanh Thụy)...

Nhưng cũng phải thẳng thắn thừa nhận, dù sáng tác có chiều sâu nghệ thuật, cái tôi cuộc đời, tính nhân văn sâu sắc nhưng ít tác phẩm bứt phá, tạo sự chú ý mạnh mẽ của dư luận. Năm 2019, Hội Nhà văn thành phố dự định phát động phong trào để hội viên có những tác phẩm gắn liền với đời sống, hơi thở, sự phát triển của thành phố, đất nước.

Ở góc nhìn khác, họa sĩ Hồ Đình Nam Kha, Chủ tịch Hội Mỹ thuật cho rằng, 9 hội chuyên ngành và lực lượng văn nghệ sĩ đông đảo nhưng các hội viên vẫn chưa thể phát huy hết nội lực sẵn có. Vì thế, thời gian tới, các hội chuyên ngành cần phối hợp để tổ chức hoạt động mang tính quy mô, chuyên nghiệp; đặc biệt nỗ lực tiếp cận công chúng, một mặt tìm kiếm chất liệu thực tế cuộc sống sinh động, mặt khác tự quảng bá, tiếp thị tác phẩm của mình. “Chúng tôi cũng cần đổi mới tư duy, không chỉ trong sáng tạo nghệ thuật mà cả trong cách truyền cảm hứng nghệ thuật đến công chúng”, họa sĩ Hồ Đình Nam Kha bày tỏ.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.