Hướng đến kỷ niệm 100 năm Ngày Bảo tàng Điêu khắc Chăm mở cửa trưng bày lần đầu tiên (1919-2019), Bảo tàng Điêu khắc Chăm cải tạo, chỉnh lý, trưng bày thêm kho mở và phòng trưng bày chuyên đề “Kết quả khai quật khảo cổ di tích tháp Chăm Phong Lệ 2011-2018” để phục vụ khách tham quan.
Kho mở trưng bày 47 hiện vật bằng sa thạch có điêu khắc đẹp, độc đáo, thu hút khách tham quan. |
Ngày 29-3, Bảo tàng Điêu khắc Chăm chính thức mở cửa kho mở với 47 hiện vật bằng sa thạch với nhiều loại hình khác nhau, như: đài thờ, tượng tròn, phù điêu, trang trí kiến trúc...; nổi bật là các nhóm hiện vật trụ cửa, chim thần Garuda, thủy quái Makara, thần Kala.
Trong khi đó, từ cuối tháng 1-2019, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng cũng mở cửa phòng trưng bày chuyên đề “Kết quả khai quật khảo cổ di tích tháp Chăm Phong Lệ 2011-2018”.
Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, khu di tích tháp Chăm Phong Lệ thuộc tổ 4, phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, là một trong những khu di tích tháp Chăm quan trọng, có giá trị lịch sử, văn hóa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Niên đại khu di tích được các nhà nghiên cứu xác định vào khoảng thế kỷ X và được người Chăm duy trì thờ tự cho đến ít nhất vào thế kỷ XII.
Từ hơn 100 năm trước, người Pháp đã xây đồn điền trong khuôn viên của khu di tích này. Vì vậy, một số tác phẩm điêu khắc bằng đá đã được người Pháp thu gom và đưa về tập trung tại công viên Tourane (nằm bên tay phải Bảo tàng Điêu khắc Chăm ngày nay) rồi được đưa vào trưng bày trong Bảo tàng Henri Parmentier (nay là Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng). Các tác phẩm sưu tầm gồm linga, các phù điêu trang trí góc tháp, tấm tympan thần Shiva múa, ba phù điêu thần Vishnu... là những tác phẩm điêu khắc đẹp hiếm có trong nền nghệ thuật Chăm.
Từ năm 2011 đến năm 2018, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng phối hợp với Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội ba lần khai quật và thu được thêm nhiều hiện vật giá trị. Trưng bày lần này, Bảo tàng Điêu khắc Chăm giới thiệu tới công chúng 76 hiện vật với nhiều chất liệu như đồ đá, thạch anh, gốm sứ... Các hiện vật bao gồm tượng động vật như sư tử, voi; trang trí diềm mái như tượng người cầu nguyện, rắn thần, tai lửa, đầu tượng, chim thần, chóp đền tháp, trụ cửa, ngoài ra còn có rất nhiều ngói mũi lá, gạch có điêu khắc...
Ông Hồ Tấn Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm cho biết, bảo tàng hiện có 1 phòng chuyên đề ảnh tư liệu, 1 phòng chuyên đề khảo cổ, 2 phòng trưng bày dân tộc học Chăm Nam Trung Bộ và thành tựu văn hóa Sa Huỳnh, 10 phòng trưng bày nghệ thuật điêu khắc Chăm như phòng Mỹ Sơn, Trà Kiệu, Đồng Dương, Tháp Mẫm...
Tuy nhiên, số lượng hiện vật của bảo tàng khá đa dạng và độc đáo nên mong muốn mở rộng thêm không gian trưng bày, giới thiệu đến khách tham quan. Kho mở không chỉ phục vụ du lịch mà còn tạo điều kiện cho những nhà nghiên cứu, sinh viên có cơ hội tiếp cận nhiều hơn với các hiện vật của bảo tàng để tìm hiểu, nghiên cứu.
Riêng phòng trưng bày chuyên đề “Kết quả khai quật khảo cổ di tích tháp Chăm Phong Lệ, đây là một trong những chuyên đề đặc sắc, giới thiệu thành tựu nghiên cứu của bảo tàng gần 10 năm qua và cũng là dấu ấn di sản đền tháp Chăm ở Đà Nẵng.
“Hướng đến kỷ niệm 100 năm Ngày Bảo tàng Điêu khắc Chăm mở cửa trưng bày lần đầu tiên, chúng tôi đang sưu tầm những hình ảnh tư liệu quý về quá trình hình thành và xây dựng bảo tàng Chăm, nhất là hình ảnh người Pháp tổ chức trưng bày hiện vật tại đây, hình ảnh nhà vua, lãnh tụ các nước đến tham quan những năm 1930...; đồng thời, tiến hành sử dụng hệ thống thuyết minh đa ngữ qua thiết bị di động để đáp ứng nhu cầu của du khách. Chúng tôi nỗ lực làm đẹp không gian trưng bày, hệ thống đèn chiếu sáng hiện đại; giới thiệu và quảng bá thêm những tác phẩm điêu khắc Chăm giá trị hiện lưu giữ tại bảo tàng để nơi đây trở thành điểm tham quan không thể bỏ qua của người dân và du khách”, ông Tuấn nói.
Bài và ảnh: NGỌC HÀ