Từ tình yêu đặc biệt với những làn điệu dân ca xứ Quảng, Huyền Tân (tên thật là Nguyễn Thị Phú Tân, sinh năm 1984) dần tìm cho mình một chỗ đứng trong lòng công chúng bằng chất giọng mộc mạc, chân phương...
Chất giọng mượt mà, mộc mạc, chân phương của Huyền Tân được công chúng đón nhận. |
Sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, tuổi thơ của Huyền Tân là những đêm cùng mẹ theo chân đoàn hát của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh bán hàng rong (hạt dưa, kẹo, thuốc lá...). Lúc đó cô bé Huyền Tân tầm 8 tuổi và khá quen thuộc với tiếng trống, tiếng hát của các nghệ sĩ tuồng. Rồi nghệ thuật truyền thống cứ thấm dần nên dù gia đình không ai đi theo con đường nghệ thuật, song Huyền Tân lại đam mê ca hát, nhất là loại hình nghệ thuật truyền thống dân tộc.
Khác với bạn bè cùng trang lứa, Huyền Tân chỉ thích nghe tuồng, cải lương, dân ca kịch xứ Quảng. Biết hát và đam mê hát nhưng cái tên Huyền Tân chỉ nổi lên trong các phong trào văn nghệ của trường. Sau đó, vì mong muốn có một nghề nghiệp ổn định để lo cho gia đình, Tân theo học tại Đại học Đông Á và ra trường được nhận về làm ở UBND phường Xuân Hà (quận Hải Châu).
Gương mặt thanh tú và giọng hát hay của Huyền Tân tiếp tục “tỏa sáng” trong các phong trào văn nghệ của địa phương. Năm 2011, NSƯT Đỗ Linh được mời làm đạo diễn chương trình cho quận Thanh Khê để tham gia hội thi nghệ thuật quần chúng toàn thành phố và phát hiện chất giọng của Huyền Tân. Cho đến bây giờ, NSƯT Đỗ Linh khi nhắc lại vẫn dành lời khen ngợi cô học trò Huyền Tân: “Đó là giọng hát từ đất, khá phù hợp với dân ca xứ Quảng - những làn điệu của đất bởi nó gần gũi, mộc mạc, chân phương như tiếng mẹ ru, như câu đồng dao thuở ấu thơ, giọng hò, điệu lý thấm đượm tình đời, chất chứa nghĩa tình mộc mạc, chân quê”.
Từ sự dẫn dắt, truyền dạy của NSƯT Đỗ Linh, Huyền Tân bắt đầu tập luyện và tìm hiểu để hát đúng hơn, hay hơn những làn điệu dân ca xứ Quảng. Nhiều video về dân ca xứ Quảng do Huyền Tân đơn ca hoặc hát chung cùng NSƯT Đỗ Linh được khán giả yêu thích như: Yêu cái mặn mà (NSƯT Đỗ Linh viết lại dựa trên ca khúc của nhạc sĩ Trần Quế Sơn), Quê hương tôi, Hương quê...
Với mong muốn học hỏi thêm về khả năng diễn xuất, Tân tham gia CLB Sân khấu Cầu Vồng năm 2013. Và năm 2016, khi Trung tâm Văn hóa thành phố (nay là Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh) thành lập CLB Bài chòi Sông Hàn, biểu diễn tại bờ đông cầu Rồng, Huyền Tân trở thành người hô hát chính.
Khi nhập vai “chị hiệu” trong làn điệu hô hát bài chòi, Huyền Tân đã vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo những lời hát cũ và mới, những câu nói dí dỏm, tạo sự hấp dẫn cho người xem. Ngoài ra, với năng khiếu diễn xuất, Huyền Tân cũng đang là diễn viên nòng cốt tham gia các tiểu phẩm kịch ngắn về 4 an do Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh dàn dựng, biểu diễn phục vụ người dân trong các đợt tuyên truyền lưu động.
Năm 2018, để dành thời gian cho nghệ thuật, Huyền Tân đã xin nghỉ việc tại UBND phường Xuân Hà. “Trong khi nhiều người cố gắng để có một chân làm việc ở các cơ quan Nhà nước cho ổn định thì tôi lại nghỉ. Dẫu biết rằng với một nghệ nhân hô hát bài chòi, dân ca thì đời sống khá bấp bênh nhưng tôi sẽ thử sức ở lĩnh vực này và hy vọng sự cố gắng nào rồi cũng có kết quả”, Huyền Tân tâm sự.
Hiện tại, ngoài tham gia CLB Bài chòi Sông Hàn, Huyền Tân tích cực mang “vốn liếng” bài chòi có được đi biểu diễn nhiều nơi, tham gia hát Bài chòi đất Quảng tại Vinpearl Land Nam Hội An, dàn dựng các tiết mục hát dân ca, bài chòi cho trường học...
Với Huyền Tân, nỗ lực của bản thân không nằm ngoài mục đích chung tay cùng các thế hệ đi trước đưa dân ca bài chòi không chỉ có sức hấp dẫn đối với người mộ điệu mà còn khơi lòng, truyền lửa cho nhiều thế hệ trẻ.
Bài và ảnh: HÀ THU