Từ năm 2015 đến nay, phong trào đọc sách, tôn vinh văn hóa đọc tại Đà Nẵng lan tỏa rộng và đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ. Nhiều phong trào, mô hình đọc sách, phát triển văn hóa đọc ra đời được người dân đồng tình, hưởng ứng.
Đông đảo bạn đọc đến Hội sách Hải Châu 2019. |
Văn hóa đọc tại Đà Nẵng khởi sắc kể từ khi triển khai Quyết định số 284/QĐ-TTg ngày 24-2-2014 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức Ngày Sách Việt Nam 21-4. Khởi đầu là Ngày Sách Đà Nẵng được Sở Thông tin-Truyền thông phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức, thu hút 11 đơn vị tham gia với 12 gian hàng trưng bày. Kế đến là hội sách diễn ra ở hầu hết các quận, huyện như: Hội sách Hải Châu (từ năm 2015), Hội sách Sơn Trà (từ năm 2016), Thanh Khê và Liên Chiểu cũng triển khai từ năm 2018...
Qua từng năm, quy mô các hội sách tăng dần, trong đó Hội sách Hải Châu trở thành sự kiện văn hóa đọc tiêu biểu của thành phố.
Ông Lê Anh, Chủ tịch UBND quận Hải Châu, Trưởng Ban tổ chức Hội sách Hải Châu chia sẻ, từ lần đầu tổ chức hội sách với 12 đơn vị, 30 gian hàng; đến Hội sách Hải Châu năm 2019 có hơn 50 đơn vị và 200 gian hàng tham gia.
“Điều này cho thấy sự lan tỏa ngày càng sâu rộng của hội sách, thu hút sự quan tâm hưởng ứng, tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân, nhất là các em học sinh, sinh viên; tạo môi trường tôn vinh văn hóa đọc về nhiều mặt, đặc biệt là ý nghĩa chính trị, văn hóa và phát triển”, ông Lê Anh nói.
Bên cạnh hội sách, văn hóa đọc ngày càng lan rộng trong hệ thống các trường học thông qua việc phát huy hiệu quả của các “tủ sách mở”, “thư viện mở”, xây dựng các tủ sách lưu động, các giỏ sách, giá sách tại lớp học, đọc sách trong sân trường; hình thành các CLB đọc sách, thi kể chuyện theo sách... Nhờ đó, cảm hứng đọc sách truyền đến học sinh; nhiều em nuôi dưỡng ước mơ trở thành “đại sứ văn hóa đọc”.
“Em rất thích đọc sách, ngoài những quyển sách ở thư viện trường hay ba mẹ mua cho thì vào dịp cuối tuần, em nhờ mẹ chở sang Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố để đọc sách. Em đang sở hữu kha khá sách và sau này lượng sách đủ lớn, em muốn mở một không gian đọc sách, chia sẻ sở thích này với bạn bè”, Đoàn Thảo Nguyên (học sinh Trường tiểu học Trần Quang Diệu, quận Ngũ Hành Sơn) chia sẻ.
Hiện Đà Nẵng có 1 thư viện cấp thành phố, 3 thư viện quận, huyện và 8 phòng đọc sách phường, xã. Trong đó, Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng được đầu tư quy mô, hiện đại, vốn tài liệu đa dạng, trở thành điểm đến học tập, giải trí của học sinh, sinh viên thành phố.
Ông Phạm Hồng Thái, Giám đốc Thư viện cho biết, trong năm 2018, Thư viện phối hợp tổ chức cấp thẻ liên thông cho người dân, học sinh, sinh viên đang sống và làm việc trên địa bàn thành phố; tổ chức thêm nhiều hoạt động khác, như: “Phiên chợ sách”, thi kể chuyện và tìm hiểu về sách, giới thiệu tác giả, tác phẩm... nên lượng bạn đọc đến thư viện ngày càng đông đảo. Nếu như năm 2018, trung bình mỗi ngày có hơn 500 lượt bạn đọc đến thư viện, mỗi tháng cấp khoảng 800 thẻ thư viện thì những tháng đầu năm 2019, trung bình mỗi ngày có hơn 1.500 lượt bạn đọc đến thư viện, mỗi tháng cấp gần 1.000 thẻ thư viện (chưa bao gồm thẻ gia hạn).
Các quận, huyện trên địa bàn thành phố cũng vận động hội, đoàn thể, người dân thực hiện Đề án Phát triển điểm cà-phê sách với việc hỗ trợ cơ sở vật chất ban đầu như kệ, sách... Đặc biệt, mô hình xã hội hóa về không gian văn hóa đọc cũng xuất hiện tại Đà Nẵng những năm qua, như: Công viên Cà-phê sách phục vụ cộng đồng do Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ tại quận Sơn Trà, Công viên - Café sách phục vụ cộng đồng Đà Nẵng - Deagu (quận Hải Châu) do thành phố Daegu (Hàn Quốc) tài trợ một phần.
Mới đây nhất, Trung tâm Văn hóa-Thể thao Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn) cũng mở phòng đọc sách với hàng trăm đầu sách, phục vụ nước uống miễn phí cho người dân địa phương. Ông Nguyễn Trọng Khải, chủ đầu tư của Trung tâm Văn hóa-Thể thao Mỹ An cho rằng, đầu tư cho văn hóa thì ngoài yếu tố kinh doanh, chủ đầu tư cần hướng đến cộng đồng. Từ ngày mở phòng đọc sách, khá nhiều cán bộ, người dân đến tặng sách cho trung tâm, góp phần cổ vũ phong trào đọc sách...
Có thể nói, hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam, Đà Nẵng đã có nhiều hoạt động được triển khai một cách đồng bộ, từng bước tạo chuyển biến trong nhận thức của các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa của việc đọc sách, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Em Lâm Anh (học sinh lớp 11, Trường THPT Phan Châu Trinh, quận Hải Châu) chia sẻ: “Trong cơn lốc bùng nổ phương tiện truyền thông như hiện nay, việc giới trẻ lên mạng giải trí là điều không tránh khỏi; tuy nhiên, đọc sách vẫn là một trong những lựa chọn. Thông qua các hội sách, giới trẻ tiếp cận với sách nhiều hơn; bên cạnh sách, truyện giải trí, giới trẻ cũng tìm đọc những tác phẩm có giá trị, tích lũy kiến thức bổ ích cho mình. Giới trẻ không hề quay lưng với sách, vấn đề là tạo nên một môi trường để khơi dậy thói quen đó”.
Bài và ảnh: NGỌC HÀ