Các nghệ sỹ vừa hát opera, những ca khúc nhạc pop, vừa diễn kịch lại vừa diễn tấu các loại nhạc cụ Tây phương trong vở nhạc kịch “Kim Vân Kiều.”
Câu chuyện về cuộc đời, số phận chìm nổi của nàng Kiều được kể với góc nhìn mới. (Ảnh: Nghệ sỹ cung cấp) |
Kiệt tác “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du được các nghệ sỹ Việt Nam và Pháp phối hợp đưa lên sân khấu nhạc kịch với tên gọi “Kim Vân Kiều.”
Tác phẩm sẽ được công diễn vào ngày 20, 21-9 tại Thành phố Hồ Chí Minh và ngày 25-9 tại Hà Nội.
Những nàng Kiều trên sân khấu nhạc kịch
Vở nhạc kịch “Kim Vân Kiều” được chuyển thể và soạn kịch bản bằng tiếng Pháp từ những nghiên cứu, phân tích các bản dịch “Truyện Kiều” của hai học giả (Nguyễn Văn Vĩnh và Nguyễn Khắc Viện).
Qua bàn tay của đạo diễn tài năng Christophe Thiry, câu chuyện về cuộc đời, số phận chìm nổi của nàng Kiều được kể với ngôn ngữ nghệ thuật hiện đại từ góc nhìn mới.
Đạo diễn người Pháp tạo ra một không gian độc đáo cho “Kim Vân Kiều,” đưa khán giả ngược dòng thời gian trở về thời kỳ phong kiến. Tuy nhiên, câu chuyện sẽ không gói gọn trong thời điểm đó.
Đạo diễn Christophe Thiry đưa vào vở nhạc kịch nhiều chi tiết mới lạ. Câu chuyện về cuộc đời, thân phận nàng Kiều vẫn là mạch nguồn chính của tác phẩm nhưng tuyến nhân vật, không gian, thời gian của “Kim Vân Kiều” được mở rộng, nối dài.
Bối cảnh xã hội Việt Nam từ thời phong kiến đến hiện đại được tái hiện trong nhạc kịch “Kim Vân Kiều.”
Đặc biệt, bên cạnh nàng Kiều (theo nguyên tác của Nguyễn Du), êkíp sáng tạo đã đưa vào tác phẩm nhạc kịch hai nhân vật mới: hai người phụ nữ (đến từ châu Phi, châu Mỹ). Cuộc sống, số phận của họ có nhiều điểm tương đồng với nhân vật Thúy Kiều trong kiệt tác của đại thi hào Nguyễn Du. Đó là những người phụ nữ mang khát vọng tự do, khát khao hạnh phúc và niềm tin vào sức mạnh của những điều chính nghĩa khi phải đối diện, vượt lên nghịch cảnh, sự trớ trêu của số phận.
“Điều này một lần nữa khẳng định tài năng của đại thi hào Nguyễn Du và giá trị phổ quát của ‘Truyện Kiều.’ Nhờ đó, tác phẩm trụ vững cùng thời gian, vượt khỏi lãnh thổ Việt Nam, trở thành nguồn cảm hứng sáng tác, chuyển soạn cho các nghệ sỹ ở nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau trên thế giới,” đại diện ban tổ chức chia sẻ.
Nhạc kịch "Kim Vân Kiều" có nhiều thể nghiệm độc đáo, mới lạ. (Ảnh: Nghệ sỹ cung cấp) |
Những sắc màu Đông-Tây
Phần âm nhạc là một thể nghiệm độc đáo, mới lạ của vở nhạc kịch “Kim Vân Kiều.”
Các nghệ sỹ của Nhà hát L’Attrape Théâtre (Pháp) vừa hát opera, những ca khúc nhạc pop, vừa diễn kịch lại vừa diễn tấu các loại nhạc cụ Tây phương (như violon, piano, guitar…).
Để tạo nên sự đa dạng cho phần âm nhạc và cũng để vở nhạc kịch “Kim Vân Kiều” gần gũi hơn với khán giả Việt Nam, êkíp dàn dựng đã đưa vào đó những sắc màu văn hóa Việt.
Nhiều loại nhạc cụ dân tộc (như đàn bầu, đàn nguyệt, sáo trúc…) cũng xuất hiện trên sân khấu qua phần trình diễn của hai nghệ sỹ (Mai Thanh Sơn, Mai Thành Nam) đến từ Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh và Đoàn nhạc gõ Phù Đổng.
Những nhân vật chính của vở diễn sẽ do các nghệ sỹ Pháp hóa thân.
Trước đó, vở nhạc kịch “Kim Vân Kiều” đã chính thức ra mắt tại Thủ đô Paris (Pháp) vào tháng 6-2017. Đại diện Viện Pháp tại Việt Nam cho biết, năm đêm diễn “Kim Vân Kiều” tại Paris đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của khán giả và những ý kiến đánh giá tích cực từ giới chuyên môn.
“Truyện Kiều” được xếp vào hàng những tác phẩm kinh điển của văn học Việt Nam, góp phần quan trọng cho thấy tầm vóc tư tưởng và tài năng văn chương của đại thi hào Nguyễn Du. Tác phẩm gồm 3254 câu thơ lục bát, được viết bằng chữ Nôm.
Đến nay, “Truyện Kiều” đã được dịch ra hơn 20 ngôn ngữ khác nhau trên thế giới: tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga…
Theo Vietnam+