Những năm trở lại đây, việc quảng bá tác phẩm mỹ thuật tại Đà Nẵng khởi sắc, nhiều cuộc triển lãm góp phần quảng bá tác phẩm cho họa sĩ. Tuy nhiên, hầu hết các ý kiến đều cho rằng, chất lượng tác phẩm mới là kênh quảng bá hiệu quả nhất đối với họa sĩ.
Chất lượng tác phẩm là kênh quảng bá hiệu quả nhất đối với mỗi họa sĩ. Trong ảnh: Họa sĩ nước ngoài và tác phẩm tham gia triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng. |
Họa sĩ Trần Huy Tuân chia sẻ, hơn 10 năm nay, cũng như nhiều họa sĩ khác, sáng tác tranh không đủ sống nên anh chủ yếu chép tranh theo đặt hàng và trang trí các khách sạn. Sau một thời gian trăn trở, họa sĩ trẻ quyết tìm hướng đi mới cho con đường nghệ thuật của mình, đó là chỉ tập trung vẽ chủ đề hoa hồng. Năm 2017, bức hoa hồng đầu tiên có tên “Nức hương xưa”, khổ 1mx1,8m là bức họa gần như nguyên vẹn về vẻ đẹp của loài hoa hồng Fair Bianca được chọn tham gia triển lãm khu vực nam miền Trung-Tây Nguyên.
Tại triển lãm này, bức hoa hồng đã lọt vào “mắt xanh” của nhà sưu tầm tranh người Đức - bà Sonja. “Sau “Nức hương xưa”, tôi sáng tác thêm khá nhiều tranh hoa hồng, mỗi bức là một loài khác nhau và đều có người mua ngay khi vẽ xong. Năm 2018, bà Sonja có mua của tôi 5 bức cùng với một số tranh của các họa sĩ khác và đem giới thiệu với công chúng yêu nghệ thuật tại một triển lãm ở quê nhà Berlin (Đức)”, họa sĩ Huy Tuân nói.
Được giới mỹ thuật đánh giá là một trong những họa sĩ có tranh “bán chạy” nhất nhưng họa sĩ Thân Trọng Dũng khiêm tốn cho rằng mình “sống được” với nghề nhờ những nỗ lực sáng tạo không ngừng. Theo họa sĩ này, sự định hình phong cách của mỗi họa sĩ và nhà điêu khắc đã trở thành tiêu chí quan trọng để người thưởng lãm nghệ thuật nhận biết, bạn bè đồng nghiệp trân quý. “Cứ vài ba năm tôi lại trăn trở liệu công chúng có ngán tranh mình không? Từ đó, tôi tìm tòi, sáng tạo, bắt kịp xu hướng mỹ thuật đương thời.
Nghệ thuật cũng như một món ăn tinh thần, chúng ta phải thay đổi để người thưởng ngoạn không chán. Nhưng dẫu có thay đổi thế nào cũng phải là cái riêng của mình, người ta nhìn vào biết ngay là mình, không lẫn lộn ai khác. Tôi cũng nhiều lần nói chuyện với các họa sĩ trẻ, khi đã chọn hội họa thì xem đó không chỉ là nghề mà còn là nghiệp. Gắng tìm cho mình con đường riêng thì sẽ sống được với nghề”, họa sĩ Thân Trọng Dũng chia sẻ.
Theo họa sĩ Hồ Đình Nam Kha, Chủ tịch Hội Mỹ thuật thành phố, lực lượng họa sĩ, nhà điêu khắc Đà Nẵng khá đông đảo, số lượng hội viên chỉ sau Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Thừa Thiên Huế. Tuy vậy, thẳng thắn nhìn nhận, những người sống bằng nghề đếm trên đầu ngón tay như họa sĩ có Vũ Dương, Duy Ninh, Hoàng Đặng, Nguyễn Tường Vinh, Phan Ngọc Minh, Nguyễn Trọng Dũng, Thân Trọng Dũng; điêu khắc có Phạm Hồng, Lê Huy Hạnh, Lê Công Dũng, Nguyễn Quang…
So với 5 năm về trước, mỗi năm chỉ có 1 cuộc triển lãm hoặc chẳng có cuộc triển lãm nào (không tính triển lãm khu vực), những năm gần đây, Hội Mỹ thuật Đà Nẵng luôn duy trì hoạt động triển lãm 3 đến 4 cuộc/năm, chưa kể các câu lạc bộ trực thuộc Hội tổ chức hoạt động triển lãm, quảng bá tác phẩm cho hội viên mọi lúc, mọi nơi. Hội còn phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng thực hiện hoạt động quảng bá, đưa tác phẩm đến với công chúng yêu nghệ thuật thị giác thưởng lãm, nhìn nhận, khám phá. Đối với các họa sĩ trẻ, việc tham gia các triển lãm càng ý nghĩa hơn; bởi qua đó khẳng định giá trị tác phẩm và chất lượng sáng tác mình ở đâu, phong cách sáng tác như thế nào. Trong thời đại công nghệ thông tin như hiện nay, Hội cũng khuyến khích ứng dụng các kênh truyền thông để quảng bá tác phẩm như: mở trang web cá nhân, phòng tranh, mạng xã hội để đưa tác phẩm đến gần hơn với công chúng.
“Nhưng để hoạt động quảng bá hiệu quả, tôi cho rằng trước hết tác phẩm phải đạt chất lượng. Hiện vẫn còn nhiều họa sĩ một năm chỉ vẽ 1, 2 tác phẩm. Chất lượng sáng tác sẽ yếu dần khi chúng ta không trao dồi bút pháp, tìm kiếm chất liệu nên khó định hình phong cách riêng. Thời gian tới, chúng tôi kỳ vọng hoạt động quảng bá tác phẩm không chỉ quanh quẩn trong địa phương mà được vươn xa hơn để đông đảo nhà sưu tầm, yêu mỹ thuật biết đến tác phẩm của giới họa sĩ Đà Nẵng”, họa sĩ Hồ Đình Nam Kha chia sẻ.
Bài và ảnh: NGỌC HÀ