Thực hiện nghiêm chủ trương phòng, chống Covid-19, các bảo tàng trên địa bàn thành phố đã dừng đón khách tham quan. Tuy nhiên, nhằm tăng sự tương tác giữa bảo tàng và công chúng, các bảo tàng thực hiện nhiều video giới thiệu không gian trưng bày hấp dẫn, sinh động.
Cán bộ Bảo tàng Đà Nẵng thuyết minh về trận đánh giải phóng Đà Nẵng thông qua hiện vật, tư liệu tại bảo tàng. (Hình ảnh được cắt ra từ video kỷ niệm 45 năm ngày Giải phóng Đà Nẵng) Ảnh: NGỌC HÀ |
Mới đây, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng sử dụng video 3D để giới thiệu online về toàn bộ không gian trưng bày của bảo tàng đến công chúng. Video này do Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật - Đại học Đà Nẵng phối hợp cùng Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng thực hiện. Trong thời lượng 5 phút, dưới góc quay sắc sảo, video này như một chuyến tham quan ngắn để nhìn ngắm toàn bộ không gian trưng bày bên trong của bảo tàng.
Ngoài video kể trên, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng lần lượt giới thiệu đến công chúng hình ảnh các không gian trưng bày chuyên đề ngắn hạn cũng như không gian trưng bày thường xuyên của bảo tàng tại các tầng. Ở mỗi không gian, bảo tàng chọn những điểm nhấn về chủ đề hay tác giả đặc sắc để giới thiệu; đặc biệt, giới thiệu các tác phẩm hội họa chủ đề về thành phố, ca ngợi vẻ đẹp người phụ nữ Việt Nam, tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương…
Trong khi đó, Bảo tàng Đà Nẵng cũng đã giới thiệu đến công chúng video “Bảo tàng Đà Nẵng - nơi lưu giữ ký ức của người Đà Nẵng”. Video này là bức tranh tổng thể về bảo tàng trong dòng chảy văn hóa, lịch sử của thành phố. Đặc biệt, bảo tàng hoàn thành video thuyết minh không gian trưng bày “Đà Nẵng ngày giải phóng”; qua đó, giới thiệu đến công chúng phần nào sự kiện lịch sử trọng đại của thành phố dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng, mà trực tiếp là Đặc khu ủy Quảng Đà, cùng khí thế quyết chiến, quyết thắng của đoàn quân giải phóng và tinh thần quật khởi, nổi dậy của người dân Đà Nẵng.
Ở video này, công chúng còn thấy được những hiện vật độc đáo gắn với ngày giải phóng Đà Nẵng đang được lưu giữ tại bảo tàng như: Cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng tung bay trên Tòa thị chính Đà Nẵng, con dấu do đồng chí Hồ Nghinh (nguyên Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà, Chủ tịch Ủy ban quân quản thành phố Đà Nẵng) sử dụng trong ngày đầu mới giải phóng…
Ngoài ra, Bảo tàng Đà Nẵng giới thiệu trên trang mạng xã hội của bảo tàng hình ảnh, bài viết về văn hóa tín ngưỡng của người dân tộc Xơ Đăng, huyện Bắc Trà My và Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam; những tượng cổng làng đang trưng bày tại Bảo tàng Đà Nẵng được ông Hồ Bill - dân tộc Xơ Đăng (xã Trà Cang, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) thực hiện; bộ bưu ảnh “Bảo tàng Đà Nẵng - Sản phẩm truyền thông mới” giới thiệu đến công chúng những hiện vật hấp dẫn nhất trong trưng bày bảo tàng… Tất cả đều được xây dựng bởi sự tận tâm của cán bộ, nhân viên các bảo tàng trong giai đoạn tạm ngừng đón khách.
Bà Nguyễn Thị Trinh, Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng cho biết, do tình hình Covid-19 kéo dài, tất cả các khu vui chơi, giải trí, các bảo tàng, nhà hát đều đóng cửa, đây cũng là lúc người dân dành nhiều thời gian cho việc đọc sách, truy cập mạng xã hội…
Vì thế, cán bộ, nhân viên của bảo tàng tập trung công tác truyền thông trực tuyến. “Chúng tôi lần lượt giới thiệu đến công chúng hình ảnh các không gian trưng bày cùng những tác phẩm đặc sắc trong bộ sưu tập của bảo tàng, tăng cường tương tác thông qua mạng xã hội.
Ngoài ra, trong thời gian này, chúng tôi tiến hành chỉnh lý, đổi mới các không gian trưng bày, đặc biệt triển khai thực hiện trưng bày mới chuyên đề “Tranh, tượng Lê Công Thành” tại không gian trưng bày cố định tại tầng 3 của bảo tàng, sẵn sàng phục vụ công chúng sau khi Covid 19 kết thúc”, bà Trinh cho hay.
Tương tự, bà Ngô Thị Bích Vân, Phó Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng cho biết, công tác truyền thông của bảo tàng được đẩy mạnh trong thời gian này. Bảo tàng vẫn duy trì chuyên mục giới thiệu hiện vật và di sản văn hóa qua mạng xã hội.
“Ngoài 2 video tuyên truyền phòng dịch kết hợp giới thiệu hình ảnh bảo tàng, giới thiệu không gian trưng bày “Đà Nẵng ngày giải phóng” nhân kỷ niệm 29-3, trong tháng 4 này, bảo tàng sẽ tiếp tục thực hiện các video giới thiệu nội dung trưng bày, câu chuyện hiện vật với mong muốn công chúng có thể tiếp cận bảo tàng bằng các phương tiện khác nhau. Các video này được đưa lên tất cả các kênh truyền thông trực tuyến của bảo tàng như: Facebook, Youtube, Zalo, Twitter”, bà Bích Vân thông tin thêm.
NGỌC HÀ