Bảo tàng Điêu khắc Chăm gặp khó

.

Cuối năm 2020, HĐND thành phố thông qua nghị quyết miễn phí tham quan bảo tàng trên địa bàn trong năm 2021 nhằm thu hút người dân, du khách sau thời gian bị ảnh hưởng Covid-19. Qua triển khai, chính sách này mang lại hiệu quả tích cực với hơn 32.000 lượt khách tham quan các bảo tàng trong 6 tháng đầu năm 2021. Tuy nhiên, Bảo tàng Điêu khắc Chăm là đơn vị tự chủ hoàn toàn nên việc miễn phí tham quan gây ảnh hưởng về nguồn thu, không có kinh phí cho các hoạt động chuyên môn.

Bảo tàng Điêu khắc Chăm thực hiện miễn phí tham quan cho tất cả người dân và du khách trong năm 2021. Ảnh: XUÂN SƠN
Bảo tàng Điêu khắc Chăm thực hiện miễn phí tham quan cho tất cả người dân và du khách trong năm 2021. Ảnh: XUÂN SƠN

Trong 9 đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng là đơn vị duy nhất tự chủ hoàn toàn. Là điểm đến hấp dẫn, hằng năm, bảo tàng này thu hút hàng trăm ngàn lượt khách, thu về cho ngân sách thành phố hàng chục tỷ đồng.

Theo ông Hồ Tấn Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm, những năm qua, nguồn thu của đơn vị phụ thuộc hoàn toàn vào tiền bán vé tham quan. Kinh phí thu được đơn vị trích một phần thực hiện công tác chuyên môn, tổ chức và duy trì các hoạt động của bảo tàng. Riêng trong năm nay, thực hiện Nghị quyết số 327/2020/NQ-HĐND ngày 9-12-2020 của HĐND thành phố về việc miễn thu phí tham quan danh thắng Ngũ Hành Sơn và công trình văn hóa, bảo tàng trên địa bàn thành phố, Bảo tàng Điêu khắc Chăm miễn phí tham quan cho tất cả người dân và du khách, không bán vé nên không còn nguồn thu. Hiện nay, thành phố vẫn hỗ trợ lương cho cán bộ, nhân viên và một số kinh phí duy trì hoạt động bảo tàng. Tuy nhiên, vì kinh phí hạn hẹp nên bảo tàng phải cắt giảm hoạt động chuyên môn. Đơn cử như không gian trưng bày, đơn vị chủ yếu sử dụng ánh sáng mặt trời để phục vụ khách tham quan trong các thời điểm mở cửa.

Do ảnh hưởng Covid-19 nên 6 tháng đầu năm nay, Bảo tàng Điêu khắc Chăm chỉ đón hơn 9.000 lượt khách tham quan, giảm so với cùng kỳ các năm trước. Quý 3 năm 2021, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên đa số thời gian bảo tàng đóng cửa theo quy định của thành phố. Đến nay, Covid-19 cơ bản được kiểm soát nhưng các bảo tàng vẫn chưa được phép mở cửa. Do vậy, tương tự các bảo tàng khác, Bảo tàng Điêu khắc Chăm tập trung nghiên cứu đổi mới công tác truyền thông phù hợp với tình hình hiện nay. Trong đó, chú trọng quảng bá qua mạng xã hội và các hình thức tham quan ảo, tham quan trực tuyến.

Đối với các hiện vật, bảo vật quốc gia đang lưu giữ tại bảo tàng, theo ông Hồ Tấn Tuấn, mặc dù là các hiện vật bằng đá nhưng đều có niên đại hàng trăm năm, hoàn toàn có khả năng xuống cấp. Thêm vào đó, thời tiết khắc nghiệt, các yếu tố về nhiệt độ, độ ẩm có thể tác động tiêu cực đến các hiện vật nếu không được bảo quản cẩn thận. Sự hạn chế về kinh phí dẫn đến các hoạt động, công tác về bảo quản trong năm nay không thể thực hiện. May mắn các hiện vật đều trưng bày trong nhà nên giảm bớt mối lo về tình trạng xuống cấp.

“Các hiện vật tại bảo tàng không phải đá rắn cẩm thạch mà là đá sa thạch, nếu bị vào nước sẽ dễ hư hại. Đặc biệt, độ ẩm của Việt Nam rất cao nên hiện vật dễ hư hỏng nếu không có biện pháp bảo quản kịp thời. Tuy nhiên, do không có điều kiện bảo quản nên hiện đơn vị chỉ tập trung chủ yếu vào công tác bảo vệ hiện vật”, ông Tuấn cho biết.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nguyễn Thị Hội An, dịch bệnh khiến các hoạt động, sự kiện của ngành văn hóa “đông cứng”, ngân sách bị cắt giảm, không có nguồn thu, nguồn lực về tài chính của các đơn vị thuộc ngành trở nên hạn hẹp. Các bảo tàng trước vốn nhộn nhịp khách tham quan tham gia các hoạt động trải nghiệm, giờ vắng vẻ. Bảo tàng Điêu khắc Chăm là đơn vị bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong số các bảo tàng trên địa bàn thành phố.

Hiện ngành văn hóa đang xúc tiến xây dựng đề án chuyển đổi số với mục đích chủ động hơn trong các hoạt động, không lệ thuộc vào không gian, thời gian vật lý. Đồng thời, yêu cầu các bảo tàng chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch, đặc biệt tập trung hướng đến đối tượng là khách nội địa; tăng cường tuyên truyền, quảng bá thông qua việc đăng tin, bài, thực hiện video giới thiệu các chuyên đề, không gian trưng bày một cách sinh động, gần gũi để tạo sự tương tác, duy trì sự kết nối với công chúng trên website và các mạng xã hội.

Riêng Bảo tàng Điêu khắc Chăm, tập trung xây dựng chương trình giáo dục dành cho đối tượng sinh viên chuyên ngành du lịch, lịch sử, văn hóa với chủ đề “Kết nối bảo tàng với các di tích trên địa bàn thành phố” để đưa vào tổ chức trong năm 2022.

THIÊN DUYÊN

;
;
.
.
.
.
.