Gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống

.

Quận Liên Chiểu chú trọng công tác quản lý, trùng tu, hạn chế sự xâm hại di tích cũng như phát huy các giá trị văn hóa, truyền thống thông qua lễ hội hay tục thờ trong tín ngưỡng dân gian.

Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng Huỳnh Đình Quốc Thiện (thứ hai, từ phải sang) trao Bằng di tích lịch sử cấp thành phố cho di tích Mộ ngài tiền hiền Phan Công Thiên. Ảnh: H.L
Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng Huỳnh Đình Quốc Thiện (thứ hai, từ phải sang) trao Bằng di tích lịch sử cấp thành phố cho di tích Mộ ngài tiền hiền Phan Công Thiên. Ảnh: H.L

Đề cao những giá trị lịch sử

Ngày 8-4, UBND phường Hòa Khánh Nam tổ chức lễ đón nhận Bằng di tích lịch sử cấp thành phố cho di tích Mộ ngài tiền hiền Phan Công Thiên (1318-1405). Đây là sự ghi nhận xứng đáng công đức ngài Phan Công Thiên, người có công khai canh, lập làng Đà Sơn.

Theo lời các vị cao niên làng Đà Sơn, Phan Công Thiên (người Thanh Hóa) được vua Trần Dụ Tông ban tước Thuận Quốc Công (tước hiệu cao nhất dưới thời Trần - PV), dẫn đầu đoàn người nam tiến, chinh phục vùng đất Champa. Suốt 54 năm (từ 1346-1400), ông giữ chức “Đô chỉ huy kinh lược sứ” và “Đô chỉ huy kinh lược chiêu dụ xử trí xứ”, trấn thủ vùng đất Hóa Châu từ nam đèo Hải Vân đến sông Thu Bồn, kết hợp chính sách khai hoang, lập làng Đà Sơn.

Mộ ngài tiền hiền Phan Công Thiên nằm trên mảnh đất cao, rộng khoảng 384m2 tại đường Đà Sơn 1, tổ 58, phường Hòa Khánh Nam. Nhiều năm qua, khu mộ được chính quyền địa phương và người dân làng Đà Sơn duy tu, chăm sóc. Tại buổi lễ, ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng cho biết, ngài Phan Công Thiên là một trong 4 vị tiền hiền có công khai phá làng Đà Sơn, được người dân địa phương lập mộ thờ, ghi nhận công lao.

Theo ông Thiện, xếp hạng Mộ ngài tiền hiền Phan Công Thiên là di tích lịch sử cấp thành phố nhằm tri ân và tôn vinh công lao to lớn của ngài đối với vùng đất Đà Sơn; đồng thời tạo cơ sở quản lý, giữ gìn và phát huy giá trị lịch sử theo Luật Di sản văn hóa. “Chúng tôi hy vọng chính quyền địa phương tiếp tục phát huy hiệu quả giá trị di tích, nhất là trong công tác giáo dục lịch sử, truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ”, ông Thiện cho hay.

Trước đó một năm, cụm di tích Nam Ô (phường Hòa Hiệp Nam) gồm Miếu bà Liễu Hạnh, Miếu bà Bô Bô, Lăng ông Nam Ô, Dinh âm linh Nam Ô, Nghĩa trủng Nam Ô, Đình làng Nam Ô, Giếng Lăng cũng được UBND thành phố xếp hạng di tích cấp thành phố. Sau khi xếp hạng, Sở Văn hóa và Thể thao đã lên kế hoạch trùng tu, tôn tạo đồng loạt các di tích này. Ông Trần Văn Xuất, thành viên Ban đại diện Đình làng Nam Ô cho biết, kế hoạch trùng tu được thành phố thực hiện từ tháng 6-2021 với tổng kinh phí khoảng 25 tỷ đồng.

Theo ông Xuất, những giá trị văn hóa, lịch sử của cụm di tích có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống tín ngưỡng, tâm linh của người dân làng Nam Ô. Do đó, việc di tích được xếp hạng, trùng tu mang lại niềm vui, niềm tự hào cho dân làng, đồng thời thúc đẩy các giá trị văn hóa, tín ngưỡng trong đời sống đô thị hiện nay.

Đưa di tích đến gần người dân

Ông Trương Công Hiếu, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Liên Chiểu cho biết, ngoài 15 di tích cấp thành phố, trên địa bàn quận hiện có 2 di tích cấp quốc gia, gồm di sản văn hóa vật thể Hải Vân Quan (phường Hòa Hiệp Bắc), di sản văn hóa phi vật thể Làng nghề nước mắm Nam Ô (phường Hòa Hiệp Nam) và 51 di tích chưa xếp hạng do địa phương quản lý như: Miếu bà Xóm Cả Xuân Thiều, Miếu Xuân Quang, Miếu Đàm Thanh (phường Hòa Hiệp Nam), Miếu bà Thủy, Miếu ông Cao Cát, Miếu bà Ngũ Hành, Miếu Hắc Hổ (phường Hòa Minh)… Trung bình mỗi năm, quận Liên Chiểu tổ chức 20 lễ hội văn hóa gắn liền với đời sống tín ngưỡng của người dân.

Đơn cử, vào ngày 22-3 (nhằm ngày 20-2 âm lịch) hằng năm, người dân phường Hòa Hiệp Nam tổ chức lễ hội Miếu bà Liễu Hạnh. Ông Trần Văn Xuất cho biết, Miếu bà Liễu Hạnh gắn với tục thờ mẫu của người Việt tại vùng đất mới. Bà chúa Liễu Hạnh sinh năm 1557 tại xã Vân Cát, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Tương truyền bà là công chúa trên trời, 3 lần từ bỏ cuộc sống thiên đình xuống trần gian cứu nhân, độ thế. Trong đời sống tín ngưỡng dân gian, Bà chúa Liễu Hạnh là một trong những biểu tượng “tứ bất tử” gồm Thánh Gióng, Tản Viên, Chử Đồng Tử và Liễu Hạnh.

Trong khi đó, lễ hội cầu ngư tại Lăng Ông Nam Ô thường diễn ra vào rằm tháng hai âm lịch với mong muốn cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, sóng yên biển lặng. Tục thờ cá Ông của người dân Nam Ô bắt nguồn từ câu chuyện xưa lưu truyền qua nhiều đời, rằng trong lần vượt biển vào đàng trong, Nguyễn Ánh bị chìm thuyền, được cá Ông cứu giúp. Sau khi lên ngôi lấy hiệu Gia Long, ông cho xây dựng Lăng Ông (năm 1802) để ghi nhớ công ơn vị thần Nam Hải. Ban đầu, lăng làm bằng gỗ, tường trác vôi vữa đơn giản; đến năm Tự Đức thứ 4 (năm 1851), lăng được sửa sang, mở rộng và đến năm Bảo Đại thứ 10 (năm 1935) làm mới, lợp ngói âm dương tạo vẻ cổ kính, tôn nghiêm, cách mép biển chừng 50m.

Theo ông Trương Công Hiếu, 20 lễ hội lớn, nhỏ trong năm là dịp để kéo gần khoảng cách giữa người dân và di tích. Ngoài ra, hoạt động lễ hội cũng góp phần quan trọng trong giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa trong đời sống hiện nay. Ở vai trò quản lý, Phòng Văn hóa - Thông tin quận Liên Chiểu sẽ thường xuyên khảo sát, đánh giá hiện trạng và triển khai các hoạt động phòng chống xâm hại di tích, chống mối mọt, làm các bảng thông tin giới thiệu lịch sử, văn hóa cho một số di tích trên địa bàn… 

HUỲNH LÊ

;
;
.
.
.
.
.