Sau gần 2 năm thực hiện, dự án “Tăng cường năng lực cộng đồng trong quản lý tài nguyên thiên nhiên góp phần bảo vệ đa dạng sinh học Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà Núi Chúa, bảo tồn và phát huy tri thức truyền thống, văn hóa dân tộc Cơ tu và phát triển du lịch sinh thái thành phố Đà Nẵng” (gọi tắt là dự án) đã giúp bà con thay đổi về nhận thức, tư duy, cách sinh hoạt cộng đồng và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống Cơ tu.
Các chuyên gia của dự án hỗ trợ tập huấn nâng cao nhận thức cộng đồng cho bà con thôn Tà Lang, Giàn Bí, xã Hòa Bắc. Ảnh: THANH TÌNH |
Dự án do Chương trình tài trợ các dự án nhỏ của Quỹ môi trường toàn cầu (GEF SGP) và Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tài trợ.
Nâng cao nhận thức
Hòa Bắc là khu vực đa dạng, phong phú tài nguyên du lịch tự nhiên và du lịch văn hóa. Xã Hòa Bắc nằm đầu nguồn lưu vực sông Cu Đê, bắt đầu từ thôn Tà Lang, Giàn Bí là những cộng đồng văn hóa truyền thống Cơ tu. Theo ông Trương Thanh Nhân, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc, Trưởng ban điều hành dự án, đây là dự án tăng cường năng lực nên hầu hết các hoạt động tập trung nâng cao nhận thức người dân thông qua việc tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo.
Nội dung tập huấn xoay quanh việc quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên rừng, phát huy hiệu quả giá trị văn hóa truyền thống Cơ tu, bảo tồn và khai thác bền vững cá niên, quản lý tổng hợp rác thải sinh hoạt, nâng cao nhận thức về nông nghiệp sinh thái, khai thác bền vững, phát triển du lịch học tập cộng đồng… Ngoài tập huấn, dự án còn kết hợp các chương trình tham quan học tập thực tế để tăng kiến thức và kỹ năng cho người dân.
Ông Nhân cho hay, qua các hoạt động của dự án, người dân thấy các giá trị truyền thống của đồng bào Cơ tu phong phú và cần bảo tồn, phát huy. Thực tế, cộng đồng người dân địa phương đã và đang bắt đầu các hình thức tổ chức du lịch học tập cộng đồng theo các tour trong làng, lửa trại với không gian cồng chiêng, tắm suối, sông, dã ngoại trong rừng, hình thành các sản phẩm lưu niệm đặc trưng như chè dây, dệt thổ cẩm… “Không chỉ nâng cao năng lực nhận thức, kỹ năng thực hành về bảo tồn, bảo vệ môi trường, bà con còn đoàn kết, gắn bó, tạo sức mạnh tổng hợp để bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống văn hóa đồng bào Cơ tu tại địa phương, cải thiện sinh kế và phát triển kinh tế - xã hội”, ông Nhân nhìn nhận.
Là người được hưởng lợi từ dự án, ông Đinh Văn Cư, Bí thư Chi bộ thôn Tà Lang cho biết, qua gần 2 năm triển khai, dự án giúp bà con thay đổi rõ nét về nhận thức, tư duy, cách sinh hoạt cộng đồng, nhiều hộ dân có tâm huyết và sáng kiến làm du lịch đã tiếp cận được nguồn vốn vay, nhiều gia đình biết phân loại rác thải tại nguồn, bảo vệ môi trường…
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Trung, Phó ban công tác Mặt trận thôn Tà Lang nói thêm, dự án triển khai đúng thời điểm xã Hòa Bắc chuyển mình mạnh mẽ, trong đó đổi thay rõ nét nhất là nhận thức của người dân được nâng lên. Đơn cử, trong một lần dẫn học sinh tham quan Hố Bột, khi thấy rác thải từ một đoàn khách đi trước để lại, các cháu sẵn sàng nhặt từng vỏ chai, hộp xốp, thức ăn thừa bỏ vào túi nilon. Các cháu cũng hiến kế để khách du lịch ý thức hơn bằng cách gắn biển bảo vệ môi trường, để thùng rác tại điểm tham quan hoặc có người đứng ra quản lý...”, ông Trung chia sẻ.
Hướng đến bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống
Theo UBND huyện Hòa Vang, cộng đồng người Cơ tu ở Hòa Vang hiện có khoảng 1.500 người sống tại 3 thôn: Tà Lang, Gián Bí (xã Hòa Bắc) và Phú Túc (xã Hòa Phú). Người Cơ tu lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, thể hiện trong các mặt đời sống xã hội như luật tục, tổ chức cộng đồng, hôn nhân gia đình, nhà ở, đời sống văn nghệ, ẩm thực...
Những năm gần đây, UBND huyện Hòa Vang không ngừng xây dựng, phát triển, bảo tồn bản sắc đồng bào Cơ tu thông qua các hoạt động đầu tư, nâng cấp các nhà Gươl; khôi phục một số loại hình nghệ thuật dân gian; nâng cấp nghệ thuật trình diễn cồng chiêng; khôi phục nghề dệt thổ cẩm, điêu khắc gỗ; phục dựng lễ kết nghĩa, lễ mừng lúa mới; triển khai các mô hình du lịch cộng đồng người Cơ tu...
Ông Đỗ Thanh Tân, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hòa Vang cho biết, trong định hướng sắp tới, UBND huyện tập trung bảo tồn ngôn ngữ nói của người Cơ tu, phát huy hiệu quả của các nhà Gươl, truyền dạy di sản văn hóa cho học sinh các trường phổ thông vùng đồng bào dân tộc, nâng cao chất lượng tổ chức các lễ hội, các chương trình biểu diễn văn hóa - nghệ thuật của cộng đồng người Cơ tu. Song song đó, bảo tồn và phát triển các nghề truyền thống, gắn bảo tồn phát triển văn hóa người Cơ tu với phát triển du lịch, xem đây là hướng đi quan trọng trong phát triển kinh tế cho đồng bào Cơ tu nói riêng và Hòa Bắc nói chung.
Tại hội nghị đánh giá giữa kỳ dự án được tổ chức vào đầu tháng 4-2022, bà Bùi Thị Ga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hòa Bắc, Trưởng ban điều hành dự án nhìn nhận, đến nay, về cơ bản người dân Hòa Bắc nói chung, Tà Lang - Giàn Bí nói riêng đã nâng cao năng lực cộng đồng trong bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, phát huy các giá trị văn hóa, biết dựa vào các giá trị văn hóa truyền thống để tạo thu nhập.
“Chúng tôi mong các sở, ngành, đơn vị của thành phố, các tổ chức trong và ngoài nước quan tâm Hòa Bắc hơn nữa, hoạch định các định hướng chiến lược cho địa phương này phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững. Cùng với đó, hỗ trợ xúc tiến quảng bá đến người dân, du khách để Hòa Bắc trở thành điểm đến du lịch học tập cộng đồng, góp phần cải thiện sinh kế, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương”, bà Ga nói.
Sau gần 2 năm hoạt động, dự án tổ chức 16 lớp tập huấn, 9 lớp hội thảo, 5 lớp nâng cao nhận thức với hơn 1.100 lượt hộ dân tham gia, đa số đồng bào hai thôn Tà Lang và Giàn Bí. Dự án còn xây dựng và duy trì 4 mô hình: Bảo tồn và khai thác bền vững cá niên tại thượng lưu sông Cu đê; hình thành các mô hình trung tâm du khách; mô hình du lịch học tập cộng đồng; mô hình giáo dục quản lý rác thải địa phương.
|
THANH TÌNH