Nhà sản xuất lên tiếng về lùm xùm quanh phim 'Em và Trịnh'

.

Đại diện nhà sản xuất Galaxy cũng khẳng định ‘Em và Trịnh’ không phải phim tài liệu hay phim lịch sử, nhân vật được xây dựng bằng sự trân trọng, mong khán giả để nhà làm phim có góc nhìn riêng.

Danh ca Khánh Ly khẳng định không ôm Trịnh Công Sơn khi ông buồn như cảnh trong phim ''Em và Trịnh''. (Ảnh: Galaxy)
Danh ca Khánh Ly khẳng định không ôm Trịnh Công Sơn khi ông buồn như cảnh trong phim ''Em và Trịnh''. (Ảnh: Galaxy)

Sau khi phim "Em và Trịnh" của nhà sản xuất Galaxy EE mắt khán giả ngày 10/6, nhiều cuộc tranh cãi nổ ra giữa những khán giả đã xem phim về hình tượng Trịnh Công Sơn và những chi tiết sáng tạo/hư cấu trong phim. Nối tiếp đó, danh ca Khánh Ly, Thanh Thúy liên tục lên tiếng đính chính về thật-giả trong phim càng khiến khán giả bàn tán thêm.

"Em và Trịnh" gây tranh cãi thế nào?

Từ những ngày mới ra mắt trailer, bộ phim “Em và Trịnh” đã gây ra nhiều luồng ý kiến trái chiều. Đáng chú ý nhất, hai danh ca Khánh Ly và Thanh Thúy có nhiều lần lên tiếng đính chính thật-giả giữa phim và đời.

Khánh Ly khẳng định không có chuyện mình đút sữa chua, ôm Trịnh Công Sơn khi ông buồn. Thậm chí nữ danh ca nói mình luôn coi ông như người cha, nhiều lần bị ông mắng chứ không dám bằng vai phải lứa với ông.

Hình ảnh danh ca Khánh Ly trong ngày họp báo 16/6/2022, chia sẻ sẽ không xem phim ''Em và Trịnh.'' (Ảnh: PV/Vietnam+)
Hình ảnh danh ca Khánh Ly trong ngày họp báo 16-6-2022, chia sẻ sẽ không xem phim ''Em và Trịnh.'' (Ảnh: PV/Vietnam+)

Dù khuyến khích khán giả ủng hộ điện ảnh nước nhà, bản thân Khánh Ly khẳng định đã có một hình tượng riêng về Trịnh Công Sơn cho riêng mình nên không cần xem một phim hư cấu về ông.

Bà cũng nói đã yêu cầu đổi tên mình vì không đồng tình với nhiều cảnh phim, song khi công chiếu thì không có sự thay đổi nào.

Danh ca Thanh Thúy cũng khẳng định chưa từng mặc sườn xám như cảnh hát trên sân khấu hay được Trịnh Công Sơn đưa về đầu ngõ. Bà cho biết vào thời gian được khắc họa trong phim, bà mới mất mẹ và đang để tang nên chỉ mặc áo dài trắng đen.

Nữ danh ca nói rất ‘kỵ’ khi người nam đưa người nữ về một ngõ hẻm mờ ảo đồng thời đã chia sẻ về trang phục với đoàn làm phim, nhưng hình ảnh lên phim lại khắc họa khác. “Đó là một cô gái sành sỏi nào đó chứ không phải Thanh Thúy,” bà nhận xét.

Danh ca Thanh Thúy khẳng định không có chuyện Trịnh Công Sơn đưa bà về ngõ hẻm như phim. (Ảnh: Galaxy EE)
Danh ca Thanh Thúy khẳng định không có chuyện Trịnh Công Sơn đưa bà về ngõ hẻm như phim. (Ảnh: Galaxy EE)

Bên cạnh Khánh Ly, Thanh Thúy phải lên tiếng khẳng định đúng-sai, thì những người hàng xóm như Nghệ sỹ Nhân dân Bạch Tuyết hay em gái cố nhạc sỹ - ca sỹ Trịnh Vĩnh Trinh đều có lời khen cho phim.

Song nhiều khán giả lại cho rằng phim khắc họa Trịnh Công Sơn hời hợt, không đứng đắn vì nhanh chóng đem lòng yêu nhiều “nàng thơ” trong thời gian ngắn… Sau những phản hồi của hai danh ca, những luồng tranh cãi càng trở nên mạnh mẽ hơn.

Nhà sản xuất nói gì?

Trước những lùm xùm này, đại diện nhà sản xuất Galaxy EE - ông Lương Công Hiếu đã gửi thông tin tới báo chí và người hâm mộ.

“Chúng tôi rất tiếc và thành thật xin lỗi nếu sự sáng tạo của bộ phim có làm phiền lòng đến nhân vật có thật hay người thân. Chúng tôi xin ghi nhận, tiếp thu những đính chính khác biệt trên phim và ngoài đời,” người đại diện này nói.

Ông Lương Công Hiếu, Giám đốc điều hành Galaxy EE. (Ảnh: Galaxy)
Ông Lương Công Hiếu, Giám đốc điều hành Galaxy EE. (Ảnh: Galaxy)

Ông Hiếu khẳng định ba điều: Đây là phim lãng mạn chứ không phải phim tài liệu hay tiểu sử, xin hãy để người làm phim có góc nhìn của riêng mình và các nhân vật trong phim đều được khắc họa với long ngưỡng mộ-trân trọng.

Về thể loại phim, ông Lương Công Hiếu khẳng định phim đã nói và ghi rõ trong phim rằng tác phẩm chỉ lấy cảm hứng từ nhân vật có thật chứ không sao chép y nguyên sự thật ngoài đời.

Ông Hiếu cũng lấy ví dụ phim “The Social Network” (2010), bộ phim về sự hình thành của mạng xã hội Facebook. Dù bị nhà sáng lập Mark Zuckerberg chê là hào nhoáng và u ám hơn thực tế, phim vẫn đạt thành công doanh thu và giành 3 giải Oscar, trong đó có giải kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất.

“Từ ví dụ này, có thể thấy “giống như thật” không phải là cơ sở để đánh giá chất lượng một bộ phim điện ảnh, kể cả khi phim lấy cảm hứng từ nhân vật, sự kiện có thật,” ông Hiếu kết luận.

Trịnh Công Sơn là thần tượng nhiều tầng lớp, thế hệ, mỗi người có một hình dung riêng về ông. (Ảnh: Dương Minh Long)
Trịnh Công Sơn là thần tượng nhiều tầng lớp, thế hệ, mỗi người có một hình dung riêng về ông. (Ảnh: Dương Minh Long)

Người đại diện này khẳng định cố nhạc sỹ là thần tượng của đủ các tầng lớp, lứa tuổi và thế hệ. Mỗi người đều có một hình dung riêng về Trịnh Công Sơn. Nhân vật thật cũng được thẳng thắn đính chính các thông tin và khán giả được quyền biết cả hai câu chuyện mà không bị nhầm lẫn giữa phim và đời thật.

"Sự thật theo cách kể của người này có thể lại sai với người khác. Hãy cho phép người làm phim được làm theo góc nhìn của mình," ông nói.

Ông Lương Công Hiếu cũng khẳng định thái độ trân trọng, xây dựng hình ảnh Khánh Ly trong phim đẹp. Nhiều nhân vật khác như Thanh Thúy, nhóm bạn Tuyệt Tình Cốc… đều được sáng tác và hư cấu theo đòi hỏi nghệ thuật của phim chứ không có ý định bôi xấu bất kỳ cá nhân nào.

Theo Vietnam+

;
;
.
.
.
.
.