Mỗi năm, người dân Liên Chiểu tổ chức khoảng 20 lễ hội lớn, nhỏ. Theo các bậc cao niên, ngoài yếu tố tâm linh, tưởng nhớ công ơn tổ tiên khai hoang, lập làng, cầu mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, lễ hội còn là dịp giáo dục con cháu lòng yêu nước, nét đẹp truyền thống quê hương cũng như gắn kết tình làng, nghĩa xóm.
Lễ rước bản ghi những vị tiền hiền, hậu hiền có công xây dựng, phát triển làng Trung Nghĩa. Ảnh: H.L |
Báo Đà Nẵng giới thiệu một số lễ hội tiêu biểu dự kiến diễn ra vào tháng 3 âm lịch hằng năm:
* Lễ hội đình làng Trung Nghĩa (phường Hòa Minh)
Làng Trung Nghĩa được hình thành bởi ông Văn Đức (quê tỉnh Thanh Hóa) vào đời vua Lê Chân Tông (1643-1649). Thời gian này, ông Đức cùng gia đình vào đây khai hoang, lập làng. Về sau, hậu duệ của ông cùng nhiều tộc họ khác tiếp tục mở mang làng xã, phát triển kinh tế. Năm 1900, dân làng đồng tâm lập đình thờ cúng, tưởng nhớ công ơn các vị tiền hiền, hậu hiền, trong đó có ông Văn Đức.
Đình làng Trung Nghĩa được xây theo lối cổ xưa, ba gian hai chái, tường gạch, mái ngói âm dương. Đình chia 3 gian thờ, gian giữa thờ thành hoàng bổn xứ, hai bên tả - hữu thờ tiền hiền và hậu hiền; các cột, xuyên, trính làm bằng gỗ mít. Đầu các kèo chạm trổ đầu rồng, đuôi có hình hoa lá. Trên xà ghi thời gian xây dựng đình (năm Thành Thái thứ 12 - 1900). Ở gian giữa có treo bức hoành phi với ba chữ Hán “Trung Nghĩa đình”.
Phía trước đình, bên trái đắp nổi bằng sành sứ hình rồng, bên phải hình hổ (tả thanh long hữu bạch hổ). Trên mái, đắp lưỡng long chầu nguyệt, đuôi mái đắp hình lân. Bức bình phong trước đình có gắn hình búp sen hai bên, hai mặt trong ngoài được đắp nổi hình lân, hổ. Tất cả hình trang trí trên được ghép khảm sành sứ… Hiện nay, đình làng Trung Nghĩa còn lưu giữ 16 sắc phong của triều Nguyễn có từ thời Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh, Duy Tân, Khải Định.
Hằng năm, lễ hội đình làng Trung Nghĩa tổ chức ngày 10 tháng 3 âm lịch, gồm lễ cầu an, cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa; phần hội gồm nhiều trò chơi dân gian như đập om, đá bóng, kéo co, chạy việt dã…
* Lễ tế cầu an đình làng Đa Phước (phường Hòa Khánh Bắc)
Đình Đa Phước nằm trên khuôn viên rộng 3.546,4m2, được công nhận di tích cấp thành phố theo Quyết định số 702/QĐ-UBND ngày 4-2-2016 của UBND thành phố Đà Nẵng. Đình có hai tầng mái, các góc vuốt cong, gắn hình linh thú, giữa mái có hai con rồng trong tư thế chầu mặt nhật. Trước mặt đình là tấm bình phong rộng 3,64m, cao 2,5m, được tạo hình cuốn thư với nhiều họa tiết trang trí. Mặt ngoài đắp nổi hình con hổ, hai bên có câu đối chữ Hán; mặt trong đắp nổi hình long mã, hai bên là phần phiên âm câu đối chữ Hán ở mặt ngoài.
Trên hai trụ biểu có gắn biểu tượng búp sen, lối lên bậc tam cấp có hai con sư tử chầu hai bên. Phần chánh điện có diện tích 14,6 x 8m, chia làm 3 gian, 48 cột trụ, mỗi trụ ghi các câu đối. Trong chánh điện bài trí 5 ban thờ. Chính giữa là ban thờ hội đồng thờ chung các vị thần thánh và tiền hiền, hậu hiền. Nằm trong khuôn viên đình còn có hai ngôi miếu: miếu Âm linh và miếu Xóm Chùa. Để tưởng nhớ công lao người đi trước, hằng năm các chư phái tộc làng Phước Lý tổ chức 2 lễ cầu an lớn vào các ngày 14-3 và 14-9 âm lịch.
* Lễ tế cầu an đình làng Thanh Vinh (phường Hòa Khánh Bắc)
Đình được xây dựng dưới thời vua Thiệu Trị năm thứ tư (Quý Mão 1843), lấy tên Thanh Sơn để tưởng nhớ các vị tiền nhân có công khai hoang, lập làng. Khi vua Hàm Nghi (1885 - Ất Dậu) ban chiếu Cần Vương kêu gọi văn thân, nghĩa sĩ yêu nước tham gia kháng chiến chống quân xâm lược, đình làng Thanh Sơn trở thành đại bản doanh của chí sĩ yêu nước.
Đến khi vua Hàm Nghi bị bắt, phong trào Cần Vương tan rã, nhiều chí sĩ yêu nước làng Thanh Sơn và vùng lân cận kẻ bị bắt, xử trảm, người thất thế phải ẩn trốn. Đình làng Thanh Sơn bị giặc đốt phá. Đến đời vua Đồng Khánh năm thứ hai (Đinh Hợi - 1887), quốc thái dân an, dân làng Thanh Sơn che rạp tế lễ tại xứ Gò Đình (sát đường Âu Cơ ngày nay). Đời vua Thành Thái năm thứ hai (Canh Dần - 1890), cụ Phan Văn Tư đứng ra vận động các chư phái tộc xây dựng đình làng, riêng cụ ủng hộ một ngôi đình sườn gỗ, ba gian, bốn mái, lợp ngói, vách ván.
Đời vua Thành Thái thứ năm (Quý Mão - 1903), dân cư phát triển đông đúc, các chư phái tộc cùng nhau kiến lập một ngôi đình kiên cố tường xây, lợp ngói âm dương, đầy đủ tứ linh, cửa bàn khoa bằng gỗ...
Sau này, đình làng Thanh Sơn đổi tên Thanh Vinh, được người dân tôn tạo, sửa chữa, lưu giữ nhiều đồ vật có giá trị như chấp kích, bát biểu, đao, kiếm, câu đối, bức đại tự, ngai thờ, thần tích sắc phong, thần tượng… Với những giá trị đó, năm 2014, UBND thành phố công nhận đình làng Thanh Vinh là di tích lịch sử cấp thành phố. Lễ hội cầu an đình làng Thanh Vinh dự kiến tổ chức vào tháng 3 âm lịch, cầu quốc thái, dân an, đời sống người dân ấm no, hạnh phúc.
* Lễ hội đình làng Đà Sơn (phường Hòa Khánh Nam)
Là một trong những sự kiện văn hóa lớn tại quận Liên Chiểu, lễ hội đình làng Đà Sơn diễn ra ngày 10-3 âm lịch hằng năm, gồm lễ cầu an, lễ rước sắc phong tiền hiền, lễ tế thổ thần, lễ tống ôn, lễ tế Thành hoàng và các trò chơi dân gian như kéo co, bịt mắt bắt heo, đi xe đạp chậm, bóng đá, văn hóa ẩm thực, giao lưu văn nghệ…
Làng Đà Sơn có lịch sử hình thành trên 700 năm, người có công đầu là ông Phan Công Thiên (1318-1405) và vợ là công chúa Trần Thị Ngọc Lãng (1323-1406). Mộ ông Phan Công Thiên được xếp hạng di tích cấp thành phố năm 2021. Hiện nay, tại nhà thờ 12 chư phái tộc làng Đà Sơn còn lưu giữ nhiều sắc phong vua ban và những hiện vật bằng gỗ giá trị, có tuổi đời hàng trăm năm.
HUỲNH LÊ (ghi)