Dồn nén những sôi sục của thời kì giao tranh Đàng Trong - Đàng Ngoài, tiểu thuyết dã sử “Tây Sơn phụng thần ký” mang đến sự kết hợp rất hiếm và riêng giữa lịch sử và kiếm hiệp, khiến nhân vật Bùi Thị Xuân trở nên sinh động, chân thực, bộc lộ những năng lực binh đao phi thường, bản lĩnh anh hùng và chí hướng không hề thua kém bất cứ đấng nam nhi nào.
“Tây Sơn phụng thần ký” (tác giả Thành Châu - NXB Phụ nữ Việt Nam). |
Giữa thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, người con gái mang thân phận Phụng thần là Bùi Thị Xuân đứng trước mối thù gia quyến bị tàn sát, căm phẫn trước cảnh mạng người rẻ rúm trong thời thế hỗn loạn, buộc phải kiên cường rèn võ, gửi thời xuân thì trên tấm giáp xông trận giết giặc. Từng bước, nữ tướng tiến gần tới bí mật u tối mà ẩn khuất của triều đình đã tàn bại của Đàng Trong, những thật giả, chính tà của cảnh nồi da xáo thịt …
“Tây Sơn phụng thần ký” (tác giả Thành Châu - NXB Phụ nữ Việt Nam) khắc họa cuộc đời của nữ tướng Bùi Thị Xuân từ khi còn nhỏ tới thời kì danh tiếng nữ tướng mà chỉ nghe đến thôi đã khiến giặc trong ngoài đều kinh hồn bạt vía với chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, cũng là trận đánh mang hào khí cực thịnh của vua Quang Trung - Nguyễn Huệ, của triều đại uy mãnh Tây Sơn.
Song song với đó là quãng dài binh biến của đất nước với các thế lực lớn bé giằng xé nhau, những tham vọng chính trị, quyền vua, thế chúa trong suốt hơn ba mươi năm. Bùi Thị Xuân với song đao đã điều khiển quân ngũ, mưu trí anh dũng trên sa trường, trở thành nữ tướng, nữ đô đốc uy dũng của triều Tây Sơn, trung thành với lí tưởng về một đất nước thái bình, thịnh thế, nguyện dâng hiến thân mình vì dân.
Xen kẽ câu chuyện về Bùi Thị Xuân còn là cuộc đời của Nguyễn Phúc Dương, ngặt vì mang thân phận con cháu đế vương mà bị cuốn vào vòng xoáy quyền lực đến mất đi tâm tính, của ba anh em Tây Sơn với những tầm nhìn khác nhau về nền thái bình dân tộc hay của An Nam quốc vương Lê Duy Khiêm (Lê Chiêu Thống) mờ mắt và tàn bại trong hận thù chồng chất của vương tộc.
Giữa cảnh hỗn mang tro tàn, tương lai “thái thịnh dân an” phải đổi bằng huyết tẩy sơn hà, Bùi Thị Xuân có khi xuống đao vô tình với ngàn giặc hùm, cũng có khi trĩu nặng nỗi đau…
Theo Báo Tin tức