Dưới chân cầu Xa...

.

1. Tho sống trong một căn nhà gỗ đơn sơ trong vườn dâu của người bác ruột, dưới chân cầu Xa. Trong nhà, ngoài vài thứ đồ dùng cần thiết thì kể ra chẳng có thứ gì đáng giá. Phía gian ngoài, có hai chiếc bàn thờ bằng gỗ. Một chiếc làm bàn thờ tổ tiên, một chiếc đặt di ảnh thờ ba má Tho. Nghe bác nói lúc Tho được gần một tuổi, ba má Tho lâm trọng bệnh, lần lượt ra đi cách nhau có một tháng. Nội ngoại đều già cả nên vợ chồng bác nhận nuôi đứa cháu gái mồ côi. Bác có ba đứa con, Tho được coi như đứa con gái út, nhỏ hơn các anh chị tầm tám chín tuổi. Cả bốn đứa đều được nuôi lớn lên bằng vườn dâu, ao cá, vạt rau gần suối, đàn gà sau nhà. Đám ruộng vườn này là hồi xưa cả hai vợ chồng bác ra công khai phá vạt rừng hoang bên này suối. Cứ mỗi ngày họ đánh gốc chặt cành, đốt lá dọn cỏ, trỉa lúa trồng khoai một chút; theo đó mà đất cũng trả lại cho quả ngọt hoa thơm. Nói thì dễ nhưng để được cơ ngơi như vậy cũng mất hàng chục năm đổ mồ hôi và nước mắt, thậm chí đổ máu… Những đứa con của bác lớn lên, đi học rồi sau đó đều đi làm xa nhà, nên chỉ có Tho cùng hai ông bà ở nhà. Hễ ông ngoài vườn thì bà trong bếp, luôn tay luôn chân.

Minh họa : HOÀNG ĐẶNG
Minh họa : HOÀNG ĐẶNG

Tho khỏe mạnh hiền lành, phải tội trên mặt cô có một miếng bớt khá lớn và đậm màu, át hết nét xinh tươi duyên dáng của một cô gái. Người trong nhà thì nhìn riết quen, nhưng bạn bè và hàng xóm không thôi bàn tán khiến Tho đâm mặc cảm. Đã vậy, năm cô lên ba tuổi, cô bị một cơn sốt bại liệt ghé thăm. Dù đã có tiêm vắc-xin và chữa trị kịp thời nhưng vẫn để lại di chứng. Một bên chân trái teo nhỏ khiến bước chân cô hơi khập khiễng. Nhỏ thì không sao, ngày lớn, ý thức về nhan sắc, cơ thể mình, Tho cũng chạnh lòng. Học mới tới lớp bảy sang lớp tám, Tho xin với bác nghỉ học ở nhà làm vườn chứ ra ngoài lớp nào bạn bè chọc ghẹo, bàn tán hoài Tho không chịu nổi. Khuyên nhủ không được, vợ chồng bác đành để cho Tho ở nhà chăm vườn, phụ trồng rau chăn gà, nuôi cá với bác. Được cái, cô gái vốn quen lao động từ nhỏ, lại siêng năng, nên đỡ biết bao nhiêu việc cho hai người lớn đã bước sang tuổi chớm già. Rảnh, cô làm bạn với mấy cuốn sách anh chị mua về. Dường như, chỉ lúc đắm mình trong vườn chữ nghĩa, miên man với việc chăm sóc vườn cây, đám rau… Tho mới thấy tự tin là chính mình.

2. Nhà của Tín cách nhà Tho một cây cầu sắt, bắc qua con suối rộng, nghe nói được làm đâu hồi chiến tranh. Nhà Tín phía trong thị trấn. Nhà Tho thuộc xã nông thôn phía ngoài. Cây cầu Xa, thiệt ra chỉ có chiều dài hơn trăm mét, nhưng có khi người ta chạy suốt gần cả một đời người mới tới. Cái câu ví von đó, cũng là sau này Tho nghe phong thanh, chứ thực không nghĩ tới. Lúc lẩn quẩn với đám cây trái trong vườn, với đàn cá dưới ao, Tho không hề nghĩ rằng bên ngoài có một thế giới khác với những điều cô từng biết.

Tín, khi sinh ra chỉ có đôi tay dài tới khuỷu. Nơi cái khuỷu tay đó, mọc ra một ngón hình dáng như ngón cái. Lúc Tín chào đời, cha Tín đã tưởng chết đi được khi nhìn đứa con trai duy nhất của mình phải gánh chịu hậu quả của chiến tranh. Ôi, những luồng thuốc khai hoang tưới như mưa lên rừng Chàng, những bữa luồn rừng lội suối uống nước suối, mắc sốt rét rừng… những năm tháng thanh xuân ông dành hết cho việc giữ gìn từng tấc rừng biên giới, đã trả về cho ông một đứa con không lành lặn! Biết trách ai bây giờ!

Vậy mà, Tín đâu có để ý gì tới cái thân thể khiếm khuyết của mình. Vốn là một cậu bé năng động, cái gì đám trẻ chơi được thì Tín cũng chơi. Bạn bè đi học, Tín cũng đòi đi. Cha nói tay con vầy sao viết chữ, Tín vẫn tìm đủ mọi cách để tập viết chữ, để được đi học. Cũng may đầu óc khá thông minh lanh lợi nên Tín cứ từ từ leo lên từng lớp, ở thứ bậc cao hơn. Đến năm Tín tốt nghiệp trung học cơ sở cũng là lúc cha già tàn hơi… Biết mình không thể theo hết trung học phổ thông bởi sự trở ngại của đôi tay, không thể viết nhanh như bạn bè, Tín đành từ chối lời khuyên của người thầy vốn rất thương Tín từ lúc cậu đặt chân vào lớp một: ráng vô đại học, kiếm vốn kiến thức mà độ thân. Tín quyết “độ thân” bằng cách xin đi học nghề!

Ông giáo già cùng xóm, biết chuyện, kêu Tín học thêm ngoại ngữ, học giỏi sẽ có lúc dụng tới. Thế là, ban ngày Tín đi học vi tính, học phần mềm phần cứng, học luôn vụ sửa chữa máy tính, ban đêm đi học tiếng Anh với ông thầy già. Ông dạy miễn phí cho cậu, bữa nào có tiến bộ còn được thầy mời uống cà phê nói chuyện đời, được ăn chè do bà cô nấu. Phấn đấu dữ dằn vậy nhưng cả xóm chẳng ai tin rằng Tín sẽ làm nên cơm nên cháo gì!

Vậy mà rồi, Tín làm được. Gần mười năm mê mải học hỏi tìm kiếm, rồi Tín cũng phải “ra đời”. Ngày Tín đăng bảng hiệu dạy vi tính, dạy Anh văn với đám học trò nhỏ đếm trên mười đầu ngón tay, chị ruột Tín đã rơi nước mắt. Trời còn thương Tín.

3. Một bữa hiếm hoi được qua cầu đi chợ với bà bác, ngồi uống ly nước mía gần như ngay trước cửa nhà Tín, Tho thấy chàng thanh niên mặt mũi sáng sủa đang kẹp một cuốn sách trong… khuỷu tay, dạy tiếng Anh cho các bạn lớp sáu lớp bảy chi đó. Tho bỗng thừ người. Trong đầu Tho như có một tia chớp xẹt qua. Con đường về nhà tự nhiên trở nên dài, rất dài… Hương thơm của rau của lá, tiếng suối róc rách, tiếng cá quẫy đùng đục… không còn đủ sức quyến rũ Tho nữa.

Tho tâm sự với người chị con út của bác, trong một lần chị về thăm nhà, giờ mình cũng muốn đi học lại. Tính ra, Tho học hành không thua ai, lại còn lành lặn hơn người khác, tại sao phải tự nhốt mình trong vườn nhà làm chi. Các anh chị biết chuyện, xúm nhau cười trêu vịt con xấu xí nhà mình sắp thành thiên nga rồi, bởi vậy đầu óc cũng sáng ra, suy nghĩ khác rồi. Họ nói với cha mẹ cho Tho đi học lại. Nhưng, Tho nói mình chỉ cần học bổ túc văn hóa thôi, thời gian còn lại Tho xin học nghề. Có nghề trong tay, sau này Tho cũng không bị lệ thuộc vào ruộng vườn đất cát của bác hay của ai nữa, cô có thể tự lo cho thân mình nếu mai kia hai bác có rời đi…

Tho ôm cặp sách qua cầu, đến lớp của “ông thầy cụt”, học vi tính, những giờ không học ở lớp bổ túc.

4. Bữa trời trong, trên đường từ Hồ Dầu về, mấy người bạn văn nghệ rủ tôi ghé vô vườn dâu dưới chân cầu Xa. Họ bảo, chỗ này có món cháo gà và gỏi gà trái dâu ngon lắm. Đang mùa trái, từng chùm dâu vàng óng quằn nặng, có nhánh bị tét gãy. Đón khách là một cậu bé bụ bẫm tầm sáu, bảy tuổi, lanh lợi, khéo miệng. Chỉ có điều, một tay của cậu lại chỉ ngắn đến khuỷu. Cậu dẫn chúng tôi đến một chiếc bàn đá bên hiên nhà, dùng tay còn lại bưng trà rót nước rất thành thạo. Cậu hỏi cô chú dùng gì để con báo mẹ con nấu. Hỏi ba đâu, cậu nói ở xa lắm, bên kia cầu Xa lận. Ba đang dạy học ở bển, chắc cũng gần về. Hậu, thổ địa xứ này, nháy mắt:

- Đi vòng vòng tham quan vườn chơi, để tui “đi chợ” cho. Rồi chút nữa lên mâm mấy ông còn nghe nhiều chuyện thú vị lắm đó!

Lúc chúng tôi quay vào, đã thấy mâm bát dọn tươm tất. Cháo nóng, gỏi thơm, mấy con cá nướng cuốn rau thơm bánh tráng… Một anh chàng điển trai, giống hệt như cậu bé lúc nãy, bước ra chào và mời khách. Hai cánh tay anh… cũng ngắn tới khuỷu. Anh chàng thổ địa chỉ liến thoắng giới thiệu đây là “người tốt địa phương”, hay trợ khó giúp nghèo, đặc biệt tiếp sức đến trường cho những bé em không may mắn. Nhưng anh chỉ cười cười hiền lành, mời khách dùng bữa ngon miệng. Chẳng mấy khi có khách văn nghệ tới thăm, để anh mời. Toàn cây nhà lá vườn cả. Bà chủ bước ra chào khách với vẻ mặt tươi vui. Để ý, thấy cô bước đi hơi tập tễnh một chút.

5. Họ cưới nhau sau ba năm “anh thầy” kèm cô học trò học vi tính, rồi học tiếng Anh. Tho dùng những kiến thức học được, phụ chồng quản lý sổ sách giấy tờ, thỉnh thoảng đứng lớp giúp chồng. Thời gian còn lại, cô lại về lo phụ bác chăm vườn. Sau khi sinh con, cô bàn với các anh chị mở quán ăn sân vườn nho nhỏ trong vườn dâu của bác, chỉ vài món chủ lực nhà có sẵn, để khách tham quan vườn dâu thích thì có ngay món lót bụng. Hết mùa dâu, khách đông thì bán, không thì nghỉ, lại ra ngoài cầu Xa giúp chồng coi sóc lớp học và sửa máy móc cho khách cần.

Cũng như cha, Tín từng đau đớn khi đứa con sinh ra cũng khiếm khuyết y chang anh. Ôm đứa nhỏ bụ bẫm chỉ có một cánh tay bình thường, cánh tay còn lại cũng chỉ được tới khuỷu. Ở đó, cũng có một mẩu thịt be bé như một ngón tay! Nhưng điều an ủi cho vợ chồng anh, thằng nhóc lanh lợi, đẹp trai và rất ham học, lại còn phụ giúp công việc nhà cho ba mẹ.

Lớp học của Tín mở ra, cũng thu học phí đàng hoàng, nhưng riêng những bé em nghèo, ham học thì thầy Tín chỉ nhận học phí tượng trưng hoặc miễn phí “trọn gói”. Những món đồ bà con nhờ anh sửa chữa, cài đặt… thì tùy tâm, muốn trả bao nhiêu thì trả. Chưa kể, lâu lâu hai vợ chồng gom tiền bỏ ống heo, hỗ trợ cho mấy em học trò gia đình quá khó khăn. Nói như Hậu-thổ-địa, họ trở thành quý nhân của dân địa phương từ lúc nào không hay.

Nắng xế hắt qua những tán dâu, soi lên những chùm trái vàng một màu rực rỡ.

CẨM GIANG

;
;
.
.
.
.
.