Các công trình tín ngưỡng như đình làng, miếu thờ ở Đà Nẵng tuy không hoành tráng về quy mô, song kiểu thức trang trí khá độc đáo, mang đậm dấu ấn văn hóa địa phương và chứa đựng giá trị nghệ thuật tạo hình dân gian của dân tộc.
Đình làng Túy Loan (huyện Hòa Vang). Ảnh: XUÂN DŨNG |
Theo Bảo tàng Đà Nẵng, trên địa bàn thành phố hiện có gần 50 đình làng được xếp hạng di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh/thành phố. Các đình, miếu tại thành phố còn tồn tại đến nay được hình thành từ cuối thế kỷ XVIII và có sự chuyển biến trong kỹ thuật xây dựng, kiến trúc, trang trí. Trong đó, đặc điểm về nghệ thuật trang trí là một trong những dấu hiệu nổi bật, thể hiện đặc trưng của đình, miếu ở xứ Quảng. Khác với miền Bắc, đình làng, miếu thờ Đà Nẵng gần như vắng bóng các mảng chạm khắc trên gỗ với các đề tài tả cảnh sinh hoạt, các trò chơi dân gian hay các tuồng tích cổ. Nghệ thuật trang trí tại chủ yếu sử dụng họa tiết với các chủ đề phổ biến như: tứ quý, tứ linh, bát quả, bát bửu..., được nề vôi, vữa, khảm sành, sứ, xà cừ. Cách làm này giúp bảo đảm độ bền và phù hợp với thời tiết lắm nắng, nhiều mưa, tương đối khắc nghiệt của khu vực miền Trung. Qua từng thời kỳ, tư duy thẩm mỹ trong kiến trúc có nhiều thay đổi, song nghệ thuật trang trí tại các đình, miếu của thành phố vẫn được gìn giữ và tiếp nối từ thế hệ đi trước.
Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian thành phố Đinh Thị Trang cho biết, những mô-típ trang trí ở đình làng, miếu thờ tại Đà Nẵng khá đa dạng, chứa đựng ý nghĩa khác nhau, nhưng phổ biến nhất đồ án trang trí tứ linh. Trong đó, hình tượng rồng hầu như xuất hiện ở các bờ nóc, góc mái, bờ quyết của đình, miếu và được thể hiện dưới nhiều đồ án trang trí như: lưỡng long tranh châu, lưỡng long triều nhật, long hý thủy… Trong khi đó, kỳ lân được chế tác trên các chất liệu như vôi vữa đắp nổi, cẩn sành sứ, khắc trên sa thạch, biểu tượng cho sự thông thái, trường thọ và hạnh phúc. Còn rùa và chim phượng cũng được sử dụng nhiều trong các công trình tín ngưỡng ở Đà Nẵng và thường được trang trí trên các bình phong, bệ thờ, khám thờ…
“Những đồ án tứ linh được trang trí ở các di tích tín ngưỡng tại Đà Nẵng phần nào phản ánh đời sống văn hóa tín ngưỡng của người dân nơi đây trong các thế kỷ qua. Hình ảnh long, lân, quy, phụng với những cách thể hiện trên chất liệu khác nhau đưa chúng ta tìm về với vốn văn hóa của dân tộc cùng những ước mơ cháy bỏng của con người về sự mạnh mẽ, trường tồn, thông minh và thánh thiện”, bà Trang chia sẻ.
Tương tự chức năng của đình làng, nhà Gươl của người Cơ tu còn được gọi là nhà làng, nhà đình - nơi sinh hoạt hội họp, tiếp khách và diễn ra các lễ nghi tín ngưỡng làng. Vì vậy, nhà Gươl có kiến trúc, kiểu thức trang trí và các tác phẩm điêu khắc vô cùng độc đáo, thể hiện bản sắc riêng của người Cơ tu.
Tại Đà Nẵng, đồng bào Cơ tu sinh sống tập trung tại các thôn Tà Lang, Giàn Bí (xã Hòa Bắc), thôn Phú Túc (xã Hòa Phú) và một số ít ở xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang. Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hòa Vang Đỗ Thanh Tân cho biết, nhà Gươl luôn được người Cơ tu làm rộng, cao và vững chãi hơn mọi nhà khác. Bên trong nhà Gươl được trang trí bằng nhiều hình bích họa, tượng gỗ người, muôn thú… được đẽo gọt và tô vẽ màu sặc sỡ. Trong kết cấu nhà Gươl, những bề mặt gỗ chỗ nào lớn thì được các “nghệ sĩ làng” chạm khắc con vật lớn, chỗ nhỏ chạm khắc con vật nhỏ. Đặc biệt, hầu hết các nhà Gươl đều có tượng người, phù điêu động vật, ma quái. Đường nét, tỷ lệ đôi khi vụng về, mất cân đối nhưng người Cơ tu rất giỏi trong việc nhìn nhận sự vật đúng như nó tồn tại, sắp xếp bố cục các chi tiết của “nhân vật” theo hình dạng khúc gỗ nên khi hoàn thành, bức tượng vẫn rất sinh động, hài hòa.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Trinh, Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, nét độc đáo của nhà Gươl chính là sự gắn kết giữa kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc. Cùng với quy mô của công trình, các kết cấu kiến trúc hòa quyện với các tác phẩm làm nên giá trị đặc sắc của ngồi nhà làng truyền thống. Phía trên, trong và ngoài nhà Gươl nơi nào có chi tiết kiến trúc thì nơi đó có tác phẩm nghệ thuật. Ở một số nhà Gươl, bên cạnh các kết cấu kiến trúc, nghệ nhân Cơ tu còn điêu khắc nhiều tượng tròn để làm đẹp cho ngôi nhà làng.
“Cơ tu là một tộc người rất yêu cái đẹp. Cùng với nghệ thuật tạo hình trên trang phục truyền thống, điêu khắc Cơ tu xuất hiện khá phổ biến ở không gian sinh hoạt, lễ hội. Ngày nay, tốc độ phát triển kinh tế - xã hội đã và đang tạo ra những thay đổi về diện mạo, bản sắc của người Cơ tu. Trong đó, sự mai một của nghệ thuật điêu khắc dân gian là điều khó tránh khỏi. Vì vậy, bên cạnh nỗ lực gìn giữ của bản sắc của chính chủ thể văn hóa, rất cần sự chung tay của các cấp, ngành để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Cơ tu nói chung, điêu khắc dân gian Cơ tu nói riêng”, bà Trinh nhấn mạnh.
KHÔI NGUYÊN