Lê Huy Khoa - Trợ lý ngôn ngữ hay người phát ngôn của đội tuyển?

.

Vụ việc trợ lý ngôn ngữ của HLV Park Hang Seo là ông Lê Huy Khoa ra sách, tổ chức talk-show nói về những chuyện liên quan đến đội tuyển U23 và đội tuyển Olympic Việt Nam, trong đó có những vấn đề nằm ngoài phạm vi ông Khoa phụ trách, đang tạo ra nhiều luồng ý kiến trái chiều.

Quan điểm của VFF hiện tại là tôn trọng quyết định muốn rút khỏi đội tuyển Việt Nam trước thềm AFF Cup 2018, của trợ lý ngôn ngữ Lê Huy Khoa
Quan điểm của VFF hiện tại là tôn trọng quyết định muốn rút khỏi đội tuyển Việt Nam trước thềm AFF Cup 2018, của trợ lý ngôn ngữ Lê Huy Khoa

Quan điểm của VFF về vấn đề này là “ông Khoa chỉ được phép phát ngôn về những vấn đề mình phụ trách” là quan điểm không sai.

Ở bất kỳ lĩnh vực nào, cũng cần có những quy tắc phát ngôn nhất định, đặc biệt bóng đá là lĩnh vực đặc thù, nên câu chuyện phát ngôn càng cần phải chặt chẽ, để tránh người này (dù có thể chỉ là do vô tình) giẫm lên công việc chuyên môn của người khác.

Trao đổi với một số nhân vật nhiều kinh nghiệm thuộc giới bóng đá trong ít ngày qua, người trong giới cho biết, thường thì đối với các đội tuyển, nhất là các đội tuyển làm nhiệm vụ quốc tế, ngay cả HLV trưởng cũng chỉ được phát biểu xung quanh những vấn đề liên quan đến chuyên môn, trưởng đoàn sẽ là người nói về những vấn đề tổng hợp của đội tuyển, còn các trợ lý chuyên trách mảng nào sẽ phát ngôn mảng đó.

Rồi ngay cả các phát ngôn hoặc các vấn đề liên quan đến đội tuyển dù trong mảng chuyên trách của từng người, nếu chưa có sự thống nhất của các thành viên trong đội, hoặc trên nữa là chưa có sự thống nhất từ cơ quan quản lý đội tuyển, các thành viên cũng rất thận trọng khi để lộ tin nội bộ ra ngoài.

Ví dụ ngay cả bác sĩ nếu chưa thống nhất được với HLV trưởng cũng không vội vã thông báo tường tận thông tin sức khoẻ của bất kỳ cầu thủ nào, vì điều này còn liên quan đến kế hoạch thông tin chung của đội trong từng trận đấu, theo từng thời điểm, thậm chí liên quan “kế nghi binh” mà HLV trưởng có thể sử dụng để tung “đòn hoả mù” cho đối thủ (đây là trường hợp không hiếm trong bóng đá đỉnh cao).

Có thể tất cả những chi tiết trên không phải chi tiết nào cũng ghi cụ thể vào trong những thoả thuận giữa các thành viên đội tuyển với cơ quan quản lý đội tuyển (ở đây là VFF), nhưng đấy thuộc về quy tắc ứng xử chung, tránh tình trạng “trong nhà chưa tỏ - ngoài ngõ đã tường”.

Có thể trợ lý ngôn ngữ Lê Huy Khoa khi thông tin về những vấn đề liên quan đến đội tuyển U23 Việt Nam và đội tuyển Olympic Việt Nam, viết thành sách và tổ chức talk-show, đều xuất phát từ ý tốt, muốn người hâm mộ quan tâm hơn đến đội tuyển.

Nhưng nếu những chuyện người khác dù biết nhưng đã không muốn nói, bản thân ông Khoa tiên phong nói ra, thì vị trợ lý ngôn ngữ của HLV Park Hang Seo cũng nên chuẩn bị sẵn tâm lý đối diện với thị phi, bởi bất cứ thông tin nào khi được công khai, lẽ tự nhiên cũng nhận được những luồng ý kiến và những bình luận trái chiều, thay vì cảm thán rằng bóng đá nhiều thị phi.

Và nếu vì những thị phi đấy mà ông Lê Huy Khoa muốn rút khỏi cương vị trợ lý ngôn ngữ của đội tuyển Việt Nam trước thềm AFF Cup, việc VFF sau đó lên tiếng họ sẽ tôn trọng quyết định của ông Khoa, có lẽ cũng là điều hợp lý.

Bởi, VFF cũng như bất kỳ một tổ chức nào khác có lẽ cũng chỉ muốn giữ người thiết tha với công việc, chứ không phải trường hợp ngược lại, muốn giữ người giỏi chịu áp lực, do bóng đá đỉnh cao là lĩnh vực vốn có áp lực cực lớn, chứ không phải người muốn tránh thị phi, sau khi đã góp phần tạo nên chính sự thị phi đấy!

Theo Dân trí

;
.
.
.
.
.
.